Xung quanh các nghi lễ thờ cúng Thần Tài, có các quan niệm khác nhau nhưng dưới đây là cách cúng được lưu truyền phổ biến nhất.
Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh việc cúng lễ, hay mua vàng ngày Thần Tài (mùng 10 Tết) sẽ đem lại may mắn và cả năm được sung túc. Đây chỉ là quan niệm dân gian và được truyền miệng cho nhau.
Vào ngày mùng 10 Tết, người dân thường chuẩn bị mâm cỗ cúng Vía Thần tài. |
Tuy vậy, việc thờ cúng cũng cần phải tuân thủ theo đúng quy trình để việc cầu khấn được linh thiêng hơn.
Lau dọn bàn thờ Thần Tài
Hàng tháng người kinh doanh, buôn bán nên lau bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa vào ngày cuối tháng. Nước lau rửa bao sái ban Thần Tài là nước ngũ vị hương đun lên từ 5 loại lá hương liệu gồm hồi khô, quế khô, hương nhu, lá sả, lá mùi ( hoặc lá bưởi tùy mùa). Không nên lau rửa bàn thờ bằng rượu gừng nếu bàn thờ bằng gỗ sẽ làm hỏng ban thờ, tắm tượng sứ rượu gừng thì không sao.
Tuy nhiên cần nhớ 1 năm 12 tháng ta chỉ tắm cho tượng 5 lần/1 năm và tắm tượng vào các ngày 10 hàng tháng. Khăn lau bàn thờ riêng,khăn tắm tượng Thần Tài - Thổ Địa riêng, những chiếc khăn này tuyệt đối không được cùng dùng vào việc khác.
Tránh để các con vật chó, mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.
Lễ vật cúng Vía Thần tài
Bàn thờ Thần Tài (đi kèm với Ông Địa) là một chiếc khám nhỏ, sơn son thếp vàng. Trên bàn thờ nhất định phải có tượng Thần Tài, Ông Địa bằng sứ để thờ. Ngoài ra còn cần hũ gạo, muối, nước; lọ hoa; bát nhang; đĩa bày trái cây và khay 5 chén nước.
Lễ vật thường mua: 1 bình hoa, 1 con tôm, 1 con cá quả nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu để cúng lấy vía Thần Tài cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt. Dân gian cũng truyền rằng, Thần Tài rất thích món heo quay, chuối chín vàng, bánh bao nhân thịt trứng.
Tượng thần Tài cần chọn có mặt cười rạng rỡ, không nứt vỡ. |
Riêng hoa cúng Thần Tài, không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng không nên dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được. Nên cúng Thần Tài bằng quả tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.
Ngoài ra, dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài, cúng xong mang trên người sẽ được may mắn quanh năm.
Ngoài ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, mọi người vẫn chọn mùng 10 âm lịch hàng tháng để cúng Thần tài, cầu xin cho may mắn về tài lộc trong tháng đó.
Tôn nhang bát hương thờ Thần Tài - Thổ Địa và thỉnh Thần Tài, Thổ Địa
Khi thỉnh tượng Thần Tài, Thổ Địa ngoài cửa hàng về cần gói bọc trong giấy đỏ, lụa vàng hoặc trong hộp sạch sẽ, mang vào chùa nhờ các Sư trong chùa “Chú nguyện nhập Thần” và nhờ các Sư chọn cho ngày tốt đem về nhà để an vị Thần Tài, an vị Thổ Địa.
Nếu gia đình có điều kiện mời được Sư tăng hoặc Pháp Sư tôn nhang bát hương và "Chú Nguyện nhập Thần" - "Thỉnh Thần nhập tượng" tại gia thì càng tốt.
Khi bát hương và tượng mang từ chùa về nhà dùng nước nước ngũ vị hương đun lên từ 5 loại lá như trên tắm tượng và đặt lên bàn thờ, mua các đồ cúng về cúng khấn, lần sau cúng vái bình thường. Ai muốn thờ Thần Tài Thổ Địa đều phải thực hiện như trên Thần Tài, Thổ Địa mới có linh khí.
Khi thỉnh Thần Tài, Thổ Địa cũng có Thần Tài, Thổ Địa hợp với gia chủ, cũng có Thần Tài, Thổ Địa không hợp với gia chủ, chọn tượng Thần Tài, Thổ Địa mặt tươi cười, mặt sáng sủa, mắt nhìn thẳng hoặc nhìn lên không nhìn xuống dưới. Tượng không bị nứt, vỡ, nhìn tượng toát lên vẻ phú quý.
Việc cầu xin tài lộc được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lòng thành của gia chủ, phước đức và số vận của gia chủ. Thần Tài, Thổ Địa không thể cho hay biếu người khác, phải tự gia chủ thỉnh về.
Bài trí ban thờ Thần Tài
Đặt bàn thờ Thần Tài Thổ Địa: Bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính hoặc gần cửa chính đều được.
Bàn thờ là một chiếc khảm nhỏ sơn son thếp vàng, bên trong khảm là bài vị Thần Tài. Trước bài vị là bát hương kê trên một khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu.
Trong cùng bàn thờ, dán trên vách là một tấm bài vị Thần Tài như đã nói ở phần trên. Hai bên, bên trái (từ ngoài nhìn vào) là ông Thần Tài, bên phải là ông Địa . Ở giữa hai ông là một hũ tiền xu bằng đồng, một hũ gạo, một hũ muối. Ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay.
Giữa bàn thờ là một bát hương, để tránh động bát hương khi lau chùi bàn thờ, các bạn nên dùng keo 502 dán dính bát hương xuống bàn thờ. Khi đang làm ăn tốt mà xê dịch bát hương gọi là bị động bát hương, mọi chuyện trở nên trục trặc ngay sau đó.
Theo nguyên lý ”Đông Bình - Tây Quả”, các bạn đặt lọ hoa bên tay phải, đĩa trái cây bên tay trái (nhìn từ ngoài vào). Thường nên cắm hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền. Trái cây nên sắp ngũ quả (5 loại trái cây) nếu không cũng nên có 3 loại quả cho màu sắc tươi tắn.
Thường ở ngoài nơi bán đồ thờ cúng, người ta có một cái khay xếp 5 chén nước hình vòng cung ta nên bày như vậy.
Ý niệm rất quan trọng trong tâm linh. Bàn thờ nào nước cũng đều phải bài trí theo thế Minh đường tụ thủy. Trên mặt đất Tam cước thiềm thừ (tức cóc vàng ba chân) để bên trái (từ ngoài nhìn vào), miệng ngậm tiền chầu mặt vào bát hương.
Tỳ hưu còn gọi là Kỳ Hưu để bên phải, mặt nhìn ra cửa chính hoặc cửa phòng hút tài khí từ đường vào, Tỳ Hưu có thể để trên mặt đất, có thể để cùng trên ban thờ đều được. Ngoài cùng trên mặt đất, các bạn nên chọn một cái tô sứ thật đẹp, nông lòng, đổ đầy nước và ngắt những bông hoa trải trên mặt nước (cái này làm Minh Đường Tụ Thủy - Một cách giữ tiền bạc khỏi trôi đi, bên trong thả 8 đồng càn khôn tiền xu đồng ngoài tròn có xuyên lỗ vuông).
Tuy nhiên chúng ta nhớ cân bằng yếu tố Thủy và Hỏa trên bàn thờ - bát hương - đèn - nến biểu trưng cho tính hỏa nên nếu bát hương nhỏ ta làm bát nước nhỏ, bát hương lớn ta mới đặt âu nước hay bát nước lớn nhưng vẫn chỉ được có đường kính bằng đường kính bát hương.
Trên nóc bàn thờ Thần Tài, người ta thường đặt tượng của Di Lặc Phật Vương - Tà Thần tài Di Lặc (tuy nhiên cách bài trí này chủ áp dụng cho trang thờ Nhất vị Thần Tài hoặc trang thờ Nhị vị Thần Tài, với những trang thờ Tam Tài thì tuyệt đối không làm như vậy vì kị Tứ Thần). Khi thờ Tam Tài có thể dán các câu chú Phạn tự để tăng thêm phần bảo vệ cho gia chủ tránh khỏi tai ách và hướng tới Thiện Tài.
Thường ngày nên đốt nhang mỗi sáng từ 6h - 7h và chiều tối từ 6h - 7 giờ, mỗi lần đốt 5 cây nhang. Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa và chưng thờ nải chuối chín vàng có hương thơm.
Minh Minh(T/h)