(ĐS&PL) Với truyền thống cần cù, chăm chỉ lao động, nhân dân huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đã hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2019. Trên địa bàn huyện mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song những năm qua, với tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm đổi mới của đội ngũ lãnh đạo và người dân, huyện Văn Lâm đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển KT-XH. Đời sống người dân ấm no, diện mạo nơi đây có nhiều đổi thay, điều đó như minh chứng cho một sức sống mới vươn mình trỗi dậy của vùng quê đang hoà cùng “nhịp đập” với sự đổi mới của quê hương, đất nước.
Nhờ phát huy tính dân chủ và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân nên trong công tác xây dựng huyện NTM, huyện Văn Lâm đạt được nhiều khởi sắc trên hầu hết các tiêu chí. Đó là những thành tựu thể hiện sức mạnh tổng hợp của ý Đảng, lòng dân. Ngay từ những ngày đầu, UBND huyện đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đồng thời đề ra những giải pháp thực hiện; xác định những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và giao nhiệm vụ cho các đơn vị và địa phương. Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được tỉnh, huyện quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó công tác thông tin, tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nên công tác này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, (nên) nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Văn Lâm thay đổi tích cực.
Huyện Văn Lâm đạt tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp lãnh đạo huyện đã tập trung xây dựng NTM theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, làm tới đâu chắc tới đó nên hầu hết các địa phương đều có chuyển biến tích cực trong phát triển hạ tầng KT - XH, một số xã nêu quyết tâm xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM tính đến năm 2018 của huyện là 2.208,756 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn cộng đồng dân cư đóng góp là 1.236,267 tỷ đồng, chiếm 55,97%. Nhân dân (đồng thuận, hưởng ứng), phát huy vai trò chủ thể trong đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, đã đóng góp và hiến trên 4.500 m2 đất để
làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng, đóng góp trên 6.240 ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn, huyện đã tập trung chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh như: trường học, giao thông, vệ sinh môi trường và xử lý rác thải, xây dựng các công trình phúc lợi như: trạm y tế, nhà văn hóa, nhà tình nghĩa một cách thiết thực, có hiệu quả. Với sự nỗ lực cố gắng trong một thời gian dài, huyện Văn Lâm đã đạt tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, trong những năm qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Văn Lâm luôn quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển với nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, qua đó đã tạo việc làm, thu hút nhiều lao động tham gia. Góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, đây là nguồn lực quan trọng để huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội, văn hóa... phát triển. Tổ chức thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 559 doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động, trong đó 85 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho 48.377 lao động. Dự ước toàn huyện giá trị sản xuất (giá so sánh) ước đạt 55.114 tỷ/năm. Một số sản phẩm tăng trưởng khá năm 2018 như: Thép cán các loại tăng 9,58%, bao bì bằng chất dẻo tăng 12,21%, quần áo may sẵn 13,93%. Hoạt động của các làng nghề, các hộ sản xuất cá thể tương đối ổn định và phát triển.
Tập trung phát triển kinh tế toàn diện song huyện cũng không quên nhiệm vụ quan tâm đến công tác an sinh xã hội, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, năm 2018, thu nhập toàn huyện đạt bình quân trên 60 triệu đồng/người/năm. Những năm qua cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, người nghèo đã được giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần. Các hộ nghèo nhìn chung chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ các quy định của địa phương, tích cực lao động sản xuất khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Hộ nghèo giảm theo từng năm, năm 2016, có 902 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 2,81%, đến năm 2017 còn 762 hộ, tỷ lệ là 2,29%, đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới đạt 1,03%.
Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới theo hướng tích cực
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã
Căn cứ Thông tư 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ủy ban nhận dân huyện đã tiến hành rà soát các tiêu chí, trong năm 2018 huyện đã đạt 9/9 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, Thủy lợi, Điện, Y tế-Văn hóa-Giáo dục, Sản xuất, Môi trường, An ninh-trật tự xã hội, Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính quyền cùng toàn thể người dân đã phát huy hiệu quả cao nhất, huyện Văn Lâm đã cán đích huyện NTM. Thành quả to lớn này không chỉ mang đến luồng sinh khí, diện mạo mới, mà còn góp phần đổi thay đời sống của người dân nơi đây. Những ngày đầu tháng 5 khi chúng tôi về với huyện Văn Lâm, ngay lập tức có thể nhận thấy sự ấm no, đủ đầy đang hiện hữu trên mảnh đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, người dân các xã ai cũng vui mừng phấn khởi khi bây giờ họ đã được tận hưởng những thành quả từ NTM mà chính họ đã góp phần gây dựng. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã với tổng số 57,2 km đường huyện quản lý, trong đó đã được chuẩn hóa đạt yêu cầu tiêu chí là 56,19 km, 1,01 km đường cần cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện và đã được UBND tỉnh đưa vào dự án trung hạn, đầu tư xây dựng cho huyện Văn Lâm, dự án đang được triển khai thực hiện. Hệ thống thủy lợi của các xã đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, liên kết với nhau, đảm bảo triển khai chủ động, phục vụ tốt nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp và tiêu úng khu vực công nghiệp và dân sinh, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Hệ thống lưới điện của huyện đã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện; hiện nay hệ thống lưới điện đã bàn giao cho ngành điện khai thác, quản lý đảm bảo chất lượng và an toàn. Tiêu chí y tế - văn hóa- giáo dục đạt yêu cầu đã đề ra, người dân được thụ hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, được vui chơi và sinh hoạt văn hóa- thể thao. Không những vậy, tiêu chí an ninh- trật tự xã hội cũng được huyện quan tâm và chấn chỉnh ngay từ đầu. Vì vậy trong thời gian qua, tình hình an ninh quốc gia, an ninh nông thôn cơ bản ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Nhìn lại quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Văn Lâm đã tạo được chuyển biến khá đồng đều, phong trào đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả vững chắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, diện mạo nông thôn đổi mới.
Với những thách thức và cơ hội mới đang chờ đợi ở phía trước, chia sẻ với chúng tôi về quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Lâm. Các đồng chí lãnh đạo huyện cho biết, với sự đoàn kết, sự sáng tạo không ngừng, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Lâm sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đưa huyện nhà phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Huy Phương/ Sức khỏe 365