10h sáng ngày 26/3, UBND TP. Uông Bí (tỉnh Hạ Long) tổ chức họp báo thông tin vụ thỉnh "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng.
12h10, hội nghị kết thúc, lãnh đạo UBND TP Uông Bí khẳng định hoạt động cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng đã bị yêu cầu chấm dứt; bà Phạm Thị Yến cũng không còn ở chùa Ba Vàng và TP sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động tại chùa. Hiện, cơ quan công an đang thu thập chứng cứ để làm rõ các vấn đề tiếp theo.
Phản đối phát ngôn của bà Yến về nạn nhân bị sát hại ở Điện Biên
Trả lời câu hỏi đánh giá thế nào về những phát ngôn của bà Yến, ông Hà nói: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các phát ngôn xúc phạm các anh hùng liệt sĩ và nạn nhân bị sát hại khi đi giao gà ở Điện Biên. Chia sẻ với gia đình nạn nhân, chúng tôi sẽ căn cứ chứng lý và đề nghị công an xử lý nghiêm", báo VnExpress đưa tin.
Có khuất tất khi bổ nhiệm sư thầy trụ trì chùa Ba Vàng?
Trả lời câu hỏi của PV về việc quy trình bổ nhiệm sư thầy trụ trì chùa Ba Vàng có gì khuất tất khi đại đức Thích Trúc Thái Minh không có bằng trung cấp, sơ cấp Học viện Phật giáo, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc bổ nhiệm sư thầy không bằng cấp là việc của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền không có ý kiến gì.
"Việc thu tiền chùa Ba Vàng là bao nhiêu thì chính quyền và nhân dân đều mong có cơ chế công khai, minh bạch tại các di tích, di sản để phật tử, du khách yên tâm", báo VnExpress dẫn lời ông Hà.
Cũng theo ông Hà, trước đây chùa Ba Vàng là một phế tích, được đầu tư như ngày nay là công lao của phật tử và du khách.
Phát hiện cúng "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng từ năm 2015?
Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho hay, vào năm 2015, trong văn bản của Ban trị sự phật giáo Quảng Ninh có nhiều nội dung, trong đó có phần liên quan đến hoạt động khuyến hóa nhân dân về oan gia trái chủ của bà Yến.
"Khi TP làm việc với chùa thì thầy Thái Minh lúc đó khẳng định không có việc đó. Chúng tôi thấy đây là việc liên quan đến tôn giáo nên phải xử lý nhanh nhưng đúng quy trình", ông Hà nói và cho rằng việc cúng oan gia trái chủ, thỉnh vong là đúng hay sai thì phải có trả lời chính thức từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, báo Tri Thức Trực Tuyến đưa tin.
Bà Phạm Thị Yến đang ở đâu?
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay, bà Yến sinh sống ở TP. Hạ Long, thỉnh thoảng lên chùa Ba Vàng làm công việc của phật tử. Bà Yến không đăng ký tạm trú, tạm vắng ở chùa Ba Vàng. Hiện bà Yến đã trở về TP. Hạ Long.
Bà Phạm Thị Yến. Ảnh: Người Lao động |
11h02: Sau khi thông tin về nghi vấn cúng "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng, ông Nguyễn Mạnh Hà tiếp tục trả lời báo chí những câu hỏi liên quan đến vụ việc.
Yêu cầu chùa Ba Vàng dừng ngay cúng oan gia trái chủ
11h: Theo báo VnExpress, Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho biết, đã có văn bản yêu cầu chùa Ba Vàng dừng thỉnh vong và cúng oan gia trái chủ vì không có trong danh mục đăng ký với nhà chức trách. Sở Thông tin Truyền thông đã yêu cầu dừng hoạt động các hoạt động của các trang web của chùa Ba Vàng. Sở Nội vụ đã làm việc với Giáo hội Quảng Ninh yêu cầu chấn chỉnh hoạt động chùa Ba Vàng.
TP Uông Bí tăng cường xác định thân nhân, lai lịch của những người nhà chùa xuất hiện trong video do báo chí đăng tải; tiếp tục kiểm tra tạm trú tạm vắng với những người đến tu tập tại chùa để không bị kẻ xấu lợi dụng.
Trả lời về văn bản số 125 ngày 28/8/2015 của Giáo hội Quảng Ninh có gửi cơ quan chức năng, ông Hà nói ngay sau thời điểm đó, Uông Bí có làm việc với trụ trì Uông bí và được khẳng định làm đúng môn giới đạo Phật.
Giáo hội Quảng Ninh khẳng định trụ trì Ba Vàng có nhiều điểm tu học không phù hợp với giáo lý đạo Phật như ngày ăn một bữa, nửa tháng tắm một lần... Đặc biệt bà Phạm Thị Yến thường xuyên thuyết giảng về cúng oan gia trái chủ, cúng ma... Sư trụ trì khi đó khẳng định không có hoạt động này. TP Uông Bí có văn bản yêu cầu chùa Ba Vàng thực hiện nghiêm quy định pháp luật, tín ngưỡng tôn giáo và quy định địa phương.
10h55: Chủ tịch UBND TP. Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, đối với thỉnh vong, oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng, sau khi nhận chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã khẩn trương làm việc với chùa Ba Vàng, đang tiếp tục xác minh, xử lý. Đặc biệt cơ quan công an đang thu thập chứng cứ xử lý khi có đủ điều kiện.
Báo VnExpess dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, hoạt động thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ diễn ra tại chùa Ba Vàng nên trụ trì là đại đức Thích Trúc Thái Minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hoạt động quản lý với chức sắc ở chùa Ba Vàng thuộc về Trung ương Giáo hội Phật giáo VN và Giáo hội tỉnh Quảng Ninh.
Uông Bí đã có văn bản gửi Giáo hội trung ương đề nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm giáo lý, không phù hợp với hiến chương Phật giáo.
Với bà Phạm Thị Yến là công dân TP Hạ Long, tham gia hoạt động chùa Ba Vàng, Chủ tịch TP Uông Bí cho hay đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát hoạt động ở chùa Ba Vàng, trong đó có bà Yến. Hiện bà Yến đã trở về nơi cư trú.
Thành phố đã giao phường Quang Trung ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa với bà Phạm Thị Yến, mức xử phạt 5 triệu đồng, theo Nghị định 158.
Cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi của bà Yến như hành vi thông tin, trục lợi, hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đăng ký ở chùa Ba Vàng. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm khác.
"Chúng tôi đề nghị công an thu thập chứng cứ, đối với cơ quan thông tấn báo chí hôm nay, chúng tôi đề nghị thông tin rộng rãi để những ai thuộc đối tượng bị hại thì sớm trình báo với công an", ông Hà nói.
10h50. Hội nghị chính thức bắt đầu. Chủ tịch UBND TP. Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà xin lỗi vì buổi họp diễn ra muộn do mới nhận được nhiều thông tin cập nhật.
10h45: Các đại biểu đã có mặt tại hội trường. Chủ trì hội nghị là ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh Lê Ngọc Hân.
Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí. Ảnh: VnExpress |
10h20: Cuộc họp báo vẫn chưa thể diễn ra theo dự kiến do một số đại biểu bận đột xuất.
Cuộc họp báo diễn ra tại Trung tâm hội nghị TP. Uông Bí. Chủ trì cuộc họp báo là ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch TP Uông Bí và đại diện Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Đây là buổi chính quyền để cung cấp thông tin cho báo chí nên sẽ không có sự tham dự của trụ trì chùa Ba Vàng và phật tử Phạm Thị Yến.
Các phóng viên có mặt từ rất sớm để tham gia cuộc họp báo vụ chùa Ba Vàng. Ảnh: Dân Việt |
Trước đó, từ ngày 20/3, một số cơ quan báo chí đưa thông tin tại chùa Ba Vàng có hoạt động "thỉnh vong", "gọi hồn". Theo báo Dân Việt, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Được biết, mỗi năm chùa Ba Vàng thu hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động này.
Ngay sau đó, ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP. Uông Bí (Quảng Ninh) ký văn bản số 675 ngày 22/3 gửi trụ trì chùa Ba Vàng, yêu cầu chấm dứt hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo.
Bộ VHTT&DL, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng đã có công văn chỉ đạo làm rõ vụ việc. Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP Uông Bí thông tin cho các cơ quan báo chí biết kết quả giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/3.
Ngày 22/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh gửi công văn phúc đáp công văn của UBND TP. Uông Bí, trong đó nêu về hiện tượng cúng vong ở chùa Ba Vàng.
Cụ thể, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tặng sự Trung ương GHPGVN và các quy định khác của Giáo hội đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm. Việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm.
Chùa Ba Vàng. Ảnh: VnExpress |
Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh khẳng định nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo. “Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh lên án các hành vi lợi dụng niềm tin của Phật tử, nhân dân, núp bóng nghi lễ Phật giáo để trục lợi. Đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, nếu bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm trước quy định của pháp luật”, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đề nghị.
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) tọa lạc trên lưng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung (TP Uông Bí, Quảng Ninh). Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam (4.500 m2).
Hoàng Yên (T/h)