(ĐSPL) - Theo luật sư Giang Hồng Thanh, việc cấp phép này do Sở Giao thông Công chính Hà Nội cấp, trong trường hợp Honda ôtô Mỹ Đình không được cấp phép nhưng vẫn cố tình cấm đường người dân thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, khoảng 8h30 sáng ngày 24/10, tại tuyến đường Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), người dân bị cấm chạy xe qua đoạn đường này để dành chỗ cho Honda Mỹ Đình tổ chức chương “trình lái xe an toàn”.
Được biết, đây là chương trình do Honda ôtô Mỹ Đình có trụ sở tại số 2, Lê Đức Thọ đứng ra tổ chức.
Địa điểm nơi Honda Mỹ Đình tổ chức chương trình lái xe an toàn khiến người dân phải đi ngược chiều gây nguy hiểm. |
Việc tuyến đường Hàn Nghi bị cấm bất ngờ khiến người dân lưu thông qua đây rất bức xúc, mọi người thắc mắc không hiểu tại sao Honda ôtô Mỹ Đình lại “chiếm dụng đường” công để phục vụ vì mục đích tư.
Liên quan tới vấn đề này, PV đã liên hệ trao đổi với các luật sư để giải đáp thắc mắc của độc giả.
Luật sư Giang Hồng Thanh – văn phòng Luật sư Giang Thanh cho hay: “Chúng ta cần phải tìm hiểu việc Honda ôtô Mỹ Đình căng biển cấm đường như vậy có được cấp phép hay không? Nếu không được cơ quan chức năng cấp phép thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật”.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, việc cấp phép này do Sở Giao thông Công chính Hà Nội cấp, trong trường hợp Honda ôtô Mỹ Đình không được cấp phép nhưng vẫn cố tình cấm đường người dân thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
“Trong trường hợp Honda ôtô Mỹ Đình được cấp phép sử dụng đoạn đường thì điều này cũng có những bất cập. Bởi đoạn được Honda ôtô Mỹ Đình sử dụng khiến những người lưu thông qua đây phải đi qua đoạn đường ngược chiều ở làn bên. Điều này gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn.” – Luật sư Thanh cho hay.
Cùng quan điểm trên, luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng & Công lý cho biết, Honda ôtô Mỹ Đình nếu muốn sử dụng đoạn đường trên phải được sự cấp phép của Sở Giao thông Công chính Hà Nội.
Cũng theo Luật sư Kiên, Honda ôtô Mỹ Đình phải xin giấy phép của Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội.
Trong trường hợp Honda ôtô Mỹ Đình không được cấp phép sử dụng đoạn đường, công ty này sẽ vi phạm vào khoản 3 điều 11 nghị định 171 về quy định xử phạt vi phạm hàng chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trách nhiệm của các cơ quản quản lý
Về việc cơ quan nào có thẩm quyền cho các tổ chức cá nhân có thể sử dụng lòng, lề đường. Luật sư Lê Cao (Công ty Luật hợp danh FDVN, Đoàn LS TP Đà Nẵng) cho biết, Luật giao thông đường bộ hiện hành quy định nếu có quy định về việc tổ chức các hoạt động khác trên đường phố cũng mới dừng lại tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội. Tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động trên được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường thì cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông; tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động trên có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.
Tuy nhiên, chuyện ngăn đường lại để thực hiện một hoạt động quảng bá, thực hiện các công việc kinh doanh thì pháp luật hoàn toàn chưa cho phép. Làm gì có chuyện doanh nghiệp được phép cấm đường để tổ chức các sự kiện phục vụ kinh doanh. Nếu có sự kiện đặc biệt nào đó ngoài các sự kiện trên, thì phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Do đó chuyện cấm đường như trên theo chúng tôi là hoàn toàn trái luật.
Trong trường hợp có tai nạn xảy ra đối với người tham gia giao thông trên đoạn đường bị Honda chiếm dụng. Trước một hành vi có lỗi thì cần căn cứ thêm các vấn đề khác như hậu quả của hành vi để xem xét đến trách nhiệm. Nếu nhẹ thì có thể xử lý vi phạm ở khía cạnh xử phạt hành chính. Nhưng nếu có xảy ra tại nạn chẳng hạn gây ra thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản của người khác thì các cá nhân thực hiện hành vi cản trở giao thông như thế tùy mức độ vi phạm khác nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 Bộ luật hình sự.
Hành vi cấm đường như thế rõ ràng rất nghiêm trọng, nhưng chúng ta thấy là nếu chỉ xử phạt hành chính thì nhẹ như vỗ về, còn trường hợp xử lý hình sự thì vì chưa có hậu quả rõ ràng nào nên không thể xử lý. Nếu không sớm có những quy định nghiêm khắc hơn, có nguy cơ người ta cứ lao ra đường, tự rào phố xá lại để kinh doanh, chấp nhận phạt mấy triệu đồng để kiếm tìm các mục đích khác thì rất nguy hiểm.
Còn về trách nhiệm của các cơ quản quản lý (CSGT, thanh tra GT,...). Lúc này cần phải xem xét lại là phía thực hiện hành vi cấm đường thì họ có báo cáo gì với CSGT, TTGT và các cơ quan liên quan hay không hay họ tự làm. Về phương diện quản lý giao thông thì rất khó có thể chấp nhận rằng việc cấm đường ngang nhiên như thế không được ai thấy. Chuyện tổ chức giao thông ở đô thị với lưu lượng lưu thông lớn rất quan trọng. Để xảy ra việc tự cấm đường chẳng hạn là điều rất đáng xem xét về trách nhiệm của các cơ quan quản lý giao thông. Còn trường hợp các cơ quan liên quan có văn bản cho phép làm việc này thì rõ ràng sự cho phép đó không trái luật, bởi lẽ không thể lao ra đường ngăn dân chúng lại để hoạt động kinh doanh được.
Như vậy, có thể thấy rằng nếu như hành vi dựng cọc tiêu, chắn đường của Honda Việt Nam phối hợp cùng Honda Mỹ Đình là hành vi thái quá và tỳ tiện nếu chưa được phép của cơ quan chức năng (UBND cấp tỉnh) và nếu có được cấp phép Honda Việt Nam cũng phải có những biện pháp hướng dẫn, phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông trên đường Hàm Nghi.
Trước đó, liên quan tới sự việc, đại diện đội Thanh tra giao thông Quận Nam Từ Liêm cho biết, đơn vị chưa nhận được thông tin của sự việc và sẽ cho cán bộ đi kiểm tra.
Vị đại diện đội Thanh tra giao thông cho biết thêm, việc Honda Mỹ Đình sử dụng lòng đường để tổ chức chương trình thì phải được đồng ý của UBND Quận Nam Từ Liêm và thông báo với các cơ quan chức năng. Hiện tại, Thanh tra giao thông chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của đơn vị này nên sẽ cho tiến hành kiểm tra và thông tin lại trong thời gian sớm nhất.
Theo thông báo từ website http://www.hondaotomydinh.vn/ thì chương trình được chức từ 08h00 đến 12h00, thứ bảy ngày 24/10/2015, địa điểm tổ chức là Honda ôtô Mỹ Đình, có địa chỉ tại số 02 Lê Đức Thọ, Mai Dịch, Hà Nội.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; b) Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ; c) Treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ; d) Đặt, treo biển quảng cáo trên đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị; đ) Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu; e) Đổ rác, xả nước thải ra đường phố, hầm đường bộ không đúng nơi quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này, Khoản 5 Điều 20 Nghị định này. |
PV
[mecloud]wvCTcjo1nl[/mecloud]