+Aa-
    Zalo

    Hơn 60 tỷ đồng xử phạt cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 4.542 vụ, phát hiện, xử lý 1.434 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 60,57 tỷ đồng.

    (ĐSPL) - Trong 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 4.542 vụ, phát hiện, xử lý 1.434 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 60,57 tỷ đồng.

    Theo đó, đã tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng, 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 02 máy khâu bao bì, buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng, 15,7 tấn phân bón các loại.

    Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại.

    Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, khoảng hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón và hàng ngàn cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ. Chính vì thế ngành phân bón Việt Nam luôn có nhiều diễn biến sôi động, phức tạp, thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau tham gia sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhưng phân bón cũng là sản phẩm hay bị làm giả, kém về chất lượng.

    Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp; trà trộn phân bón giả, kém chất lượng với phân bón đảm bảo chất lượng như mua phân bón thành phẩm của các công ty Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, phân bón các loại do Trung Quốc sản xuất không hóa đơn chứng từ… tiến hành pha trộn, đóng gói thành phẩm với số lượng lớn, ghi nhãn hiệu và bán cho các đại lý, cửa hàng với mức giá thấp hơn vài trăm nghìn đồng/bao loại 50kg để thu lợi bất chính.

    Để tăng cường các biện pháp ngăn chặn những hành vi trên từ cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, theo đó sản xuất phân bón vô cơ phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm và phải có giấy phép mới được sản xuất; phân bón nhập khẩu phải có giấy chứng nhận hợp quy cho từng lô nhập khẩu; phân bón sản xuất và nhập khẩu phải được công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường. Theo các quy định này, chất lượng phân bón vô cơ sẽ được kiểm soát chặt hơn từ đầu nguồn, tại khâu sản xuất, nhập khẩu.

    Để các cơ quan, nhà nước và người dân có thông thông tin chính xác: Danh sách các doanh nghiệp được cấp Giấy phép sản xuất, gia công phân bón vô cơ; Danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón đã công bố hợp quy; Thông tin về các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận, giám định phân bón vô cơ được liên tục cập nhật và đăng trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương nhằm công khai thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước, đồng thời giúp địa phương theo dõi, kiểm tra thường xuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón thuộc địa bàn quản lý.

    Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các Sở Công Thương rà soát, thống kê danh sách, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, đôn đốc các cơ sở sản xuất đảm bảo điều kiện sản xuất và lập hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất. Thông tin, số liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn đã được các Sở Công Thương báo cáo về Bộ Công Thương khá cụ thể, làm cơ sở cho công tác quản lý phân bón được hiệu quả hơn.

    Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP nhằm điều chỉnh những quy định còn hạn chế trong quản lý phân bón thời gian qua. Dự kiến trình Chính phủ trong năm 2016.

    Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm (Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón).

    1. Sản xuất phân bón khi chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón.

    2. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón giả, phân bón đã bị cấm sử dụng.

    3. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi, tiếp thị phân bón không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc kinh doanh phân bón đã hết hạn sử dụng.

    4. Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón không có hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh rõ về nguồn gốc nơi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón kinh doanh.

    5. Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng phân bón.

    6. Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp quy, các dấu hiệu gian lận khác về chất lượng phân bón.

    7. Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng phân bón so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

    8. Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng phân bón, về nguồn gốc và xuất xứ phân bón.

    9. Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của phân bón đối với con người và môi trường.

    10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hoạt động quản lý nhà nước để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân hoặc bao che hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực phân bón.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    Hoàng Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hon-60-ty-dong-xu-phat-co-so-san-xuat-phan-bon-gia-kem-chat-luong-a172156.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan