Hơn 400 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đến từ Hà Nội và 56 tỉnh, thành phố đã cùng tham dự Hội nghị và đã có 450 biên bản hợp tác được ký kết.
Chiều 21/11, UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018” với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cùng hơn 400 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đến từ Hà Nội và 56 tỉnh, thành phố...
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kinh tế & Đô thị |
Tại hội nghị, Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) và Bộ Công Thương ký kết hợp tác triển khai các hoạt động thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài; Sở Công Thương Hà Nội ký kết hợp tác với Sở Công Thương của 36 tỉnh, thành phố trong việc hợp tác liên kết cung - cầu hàng hóa hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong sự kiện này đã có gần 450 biên bản ký kết được trao ngay tại hội trường và các bàn giao dịch. Dự kiến, việc tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố về địa bàn Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt gần 27.500 tỷ đồng, tăng 7% so với Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Đặc biệt, hàng hóa dự kiến ký kết cho năm 2019 có tổng giá trị gần 110.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố). TP Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác, tiêu thụ sản phẩm tại Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản. Ảnh: Lê Phú/TTXVN |
Hội nghị cũng đã triển khai các chương trình hợp tác giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực thương mại, nông nghiệp; tổng hợp các dữ liệu về tình hình hợp tác, cung ứng sản phẩm của các địa phương với Hà Nội. Trên cơ sở đó, định hướng các vùng sản xuất tập trung cung cấp hàng hóa giữa các địa phương với Hà Nội để Hà Nội trở thành trung tâm tiêu thụ và kết nối sản phẩm xuất khẩu cho các thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường; bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân Hà Nội, các tỉnh, thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu.
Thúc đẩy giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Ảnh: Lê Phú/TTXVN |
Tại Hội nghị, đã có 450 biên bản ký kết được trao tại hội trường và tại các bàn giao dịch. Dự kiến tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về địa bàn Hà Nội trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Kỷ hợi 2019 đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Đặc biệt, hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2019 khoảng gần 110.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội).
Vũ Đậu (T/h)