Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 đã chính thức khai mạc và thu hút sự tham gia của hơn 2000 doanh nhân trong khu vực.
Sáng 30/3, các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, là sự kiện đầu tiên diễn ra. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 2.000 doanh nhân đến từ nhiều quốc gia.
phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Thông qua cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với chính phủ, chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá những cơ hội tăng trưởng và phát triển, tạo sức hấp dẫn lớn hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong phiên khai mạc. |
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và chính phủ, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Thông qua các mạng lưới kết nối, các doanh nhân có điều kiện chia sẻ tầm nhìn phát triển, học hỏi cơ hội từ những người đi trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Trong phiên họp của Hội đồng kinh doanh GMS sáng 30/3, các đại biểu thảo luận về mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ để thay đổi tổng quan cạnh tranh kinh doanh. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân cũng chia sẻ tầm nhìn phát triển cho GMS trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với bối cảnh sự khởi động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Sáng kiến tổ chức hoạt động này rất hay. Không bao giờ người ta kinh doanh ở nơi mà người ta không hiểu gì cả. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cũng như các quốc gia tự giới thiệu thế mạnh của quốc gia hay doanh nghiệp mình. Từ việc hiểu nhau và biết được đâu là mục tiêu mà mình hướng tới, mình sẽ tìm ra được những cơ hội“, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, nhận xét.
Sau phiên họp của Hội đồng kinh doanh GMS, các phiên họp về phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp, thương mại tiểu vùng GMS và toàn cầu sẽ được tiến hành vào buổi chiều.
Tối 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước thành viên sẽ đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.
CEO Nguyễn Huyền cùng 2.000 doanh nhân và đại biểu tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS năm nay |
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 tại Hà Nội từ ngày 29-31/3. Với chủ đề "Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng", hội nghị năm nay đánh dấu 25 năm thành lập cơ chế hợp tác GMS, đồng thời là nơi lãnh đạo cấp cao các nước thành viên phê chuẩn nhiều chương trình, ngân sách và phương hướng hoạt động của chương trình hợp tác trong giai đoạn 2018-2022.
Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây.
Cho tới nay, GMS đã tổ chức 22 hội nghị Bộ trưởng và 5 hội nghị thượng đỉnh. Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
PV