Mới đây, một đoạn clip về sự kiện hẹn hò giấu mặt diễn ra tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) hồi đầu tháng 1 đang thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Cụ thể, hơn 20 chàng trai đứng xếp hàng chờ quét mã QR của một cô gái trên ứng dụng WeChat với hy vọng có cơ hội được hẹn hò cùng cô trong tương lai.
Có thể thấy, bức tường của căn phòng tại sự kiện treo rất nhiều tờ giấy liệt kê thông tin cá nhân của những người tham gia, bao gồm tuổi, chiều cao, cân nặng, trình độ học vấn, nghề nghiệp và chi tiết gia đình, cũng như tiêu chuẩn họ đặt ra cho các đối tác tiềm năng.
Một cô gái 28 tuổi đang làm giáo viên mẫu giáo đã ghi trong sơ yếu lý lịch của mình rằng cô hy vọng chồng tương lai sẽ cao trên 1,7m và ít nhất phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
"Anh ấy tự kinh doanh cũng tốt, nhưng sẽ tuyệt hơn nếu đối phương có công việc ổn định. Người đó cũng phải hướng ngoại với tinh thần dám nghĩ dám làm", yêu cầu của đàng gái dành cho các ứng cử viên được ghi rõ.
Đoạn về buổi mai mối được lan truyền nhanh chóng và thu hút hơn 48 triệu lượt xem, cùng hàng chục nghìn bình luận trên Weibo.
Nhiều người Trung Quốc cho rằng phụ nữ "lỡ thì" là những cô gái chưa kết hôn khi quá 25 tuổi ở nông thôn hoặc 30 tuổi ở thành thị.
Trung Quốc hiện có 722 triệu nam giới và 690 triệu nữ giới, chênh lệch khoảng 32 triệu nam giới so với nữ giới, phần lớn tập trung ở những người sinh ra trong thời kỳ chính sách một con từ năm 1980 - 2015.
Vấn đề càng rõ ràng hơn ở các vùng nông thôn, nơi có tâm lý trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong suy nghĩ nhiều người. Kết quả là, các chàng trai càng ngày càng khó kiếm vợ và tiền sính lễ ngày càng cao trên khắp Trung Quốc.
Gia đình nam giới thường sẽ trả cho cha mẹ cô dâu như một khoản bồi thường cho việc nuôi dạy con gái. Câu chuyện 20 chàng trai xếp hàng để xem mặt 1 cô gái vẫn đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Linh Chi(T/h)