Trước việc trang web The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng Tân Sơn Nhất đứng thứ tư trong danh sách sân bay tệ nhất châu Á, chiều 20/10, Cảng vụ hàng không miền Nam đã họp tìm giải pháp cải thiện hình ảnh phục vụ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo báo cáo của Cảng vụ hàng không miền Nam, tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 44 hãng hàng không (bốn hãng nội địa, 40 hãng nước ngoài) đang khai thác. Trong chín tháng, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt gần 22 triệu lượt hành khách (tăng xấp xỉ 19\% so với cùng kỳ năm ngoái) và hơn 354 triệu tấn hàng hóa (tăng hơn 5\% so với cùng kỳ năm trước).
Từ đầu năm đến 18/10, tại sân bay Tân Sơn Nhất, số chuyến bay chậm lên đến 13.038 và 387 chuyến bay hủy. Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, việc chậm, hủy chuyến là do tàu về muộn, kỹ thuật, khai thác của hãng hàng không, do yếu tố thương mại cũng như thời tiết xấu.
Tại khu vực ga quốc nội, do điều kiện cơ sở hạ tầng không đồng bộ, ga đến nằm giữa 2 ga đi nên xảy ra tình trạng giao cắt luồng hành khách, các phương tiện khó khăn di chuyển, việc đưa đón khách thường xuyên bị ùn ứ, nhất là tại khu vực thủ tục của hãng VietJet. Cùng với đó, giá các mặt hàng thiết yếu như nước suối, cơm, mỳ, phở… quá cao so với giá bên ngoài, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng chưa tận tình, chu đáo.
Cảng vụ hàng không miền Nam nhìn nhận, các chuyến bay đi bị chậm, hủy còn cao, nhất là chuyến bay nội địa bị chậm từ 30 phút trở lên trong khi việc phát hành thông báo lại rất chậm, thái độ phục vụ của nhân viên hãng hàng không chưa lịch sự, lịch bay của nhiều hành khách trên các chặng bay nội địa bị cắt lại và chuyển sang đi chuyến của ngày hôm sau, nhất là dịp lễ Tết. Không chỉ vậy, ý thức của hành khách còn thấp, còn xảy ra tình trạng gây rối, đe dọa nhân viên, hút thuốc trên tàu bay, mở cửa thoát hiểm trái quy định, lấy tài sản của nhau… Cùng đó, do thiếu bãi đậu xe nên lượng xe taxi ra vào đã gây cảnh ùn tắc khách.
Theo đại diện hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hệ thống máy tính đã cũ, có từ 2007 nên việc xử lý thông tin hành khách chưa được tốt; thời gian cấp visa, hộ chiếu ở cửa khẩu trong nhiều năm qua luôn trong tình trạng quá tải. Mặt khác, lịch khai thác của các hãng chưa hợp lý, tập trung quá nhiều vào 7-9 giờ sáng nhưng lại thưa thớt vào buổi chiều hoặc buổi tối.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết để nâng cao chất lượng phục vụ, sân bay Tân Sơn Nhất đã thiết lập đường dây nóng, triển khai nhiều giải pháp chống mất cắp, trong đó có quy định cấm nhân viên ngành mang đồ đạc vào mà không phục vụ công việc, có tủ đựng đồ riêng, không mang nhiều tiền, khi ra ngoài sẽ có lực lượng an ninh kiểm tra.
“Từ nay đến năm 2018, 2019 là thời điểm dự kiến giai đoạn một sân bay quốc tế Long Thành có thể hoàn thành thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải gánh tình trạng quá tải. Trung bình mỗi năm, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tăng thêm 3 triệu khách và dự đoán trong hai năm tới sẽ vượt ngưỡng 30 triệu lượt khách, lúc đó tình trạng quá tải sẽ càng nặng nề thêm. Vì thế, chất lượng dịch vụ sẽ chỉ được duy trì ở mức có thể, nhằm đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối cũng như việc dành tiện ích công cộng cũng chỉ có thể ở mức độ cho phép theo tiêu chí ngành hàng không dân dụng. Về dịch vụ wifi tại sân bay, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang chọn nhà cung cấp mới để đến cuối năm 2015 khắc phục hoàn toàn nhược điểm như hành khách phản ánh,” ông Đặng Tuấn Tú cho biết thêm.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho biết tới đây Cảng vụ sẽ trang bị, bổ sung thêm máy tính để cải thiện thủ tục hải quan, an ninh cũng như cải tiến quy trình phục vụ hành khách. Ngoài ra, Cảng vụ cũng đang chuẩn bị bổ sung nhân sự nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của sân bay Tân Sơn Nhất để cuối năm 2015 đủ lượng người đảm trách công việc được giao, đảm bảo mục tiêu an toàn, an ninh bay cho hành khách.
Theo TTXVN
Xem thêm video:
[mecloud]zz5B6slJwZ[/mecloud]