Thực tế, con số người làm mại dâm lớn hơn rất nhiều so với thống kê và khó kiểm soát.
Theo thống kê của Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có hơn 160 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, hơn 100 nghìn người hoạt động mại dâm. Thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều và khó kiểm soát. Mặc dù nhiều năm qua, Việt Nam rất tích cực trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm nhưng mại dâm vẫn tồn tại và phát triển với nhiều hình thức khác nhau nhằm “che mắt” các cơ quan chức năng.
Làm thế nào để kiểm soát và giảm thiểu được tệ nạn mại dâm? Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về vấn đề này:
Ông Nguyễn Trọng Đàm-Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. |
PV: Thưa ông, ông suy nghĩ thế nào về thực trạng mại dâm hiện nay?
Ông Nguyễn Trọng Đàm: Trong nhiều năm nay, Việt Nam rất tích cực trong vấn đề phòng chống mại dâm nhưng thực tế mại dâm vẫn tồn tại và diễn biến hết phức tạp. Chúng ta coi mại dâm là hành vi không chấp nhận được, vi phạm đến đạo đức, truyền thống, phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa. Chúng ta không chấp nhận, cũng không cổ súy, không khuyến khích hoạt động mại dâm. Không chấp nhận không có nghĩa là để như hiện nay mà không có giải pháp nào hiệu quả. Vấn đề đặt ra là phải tìm giải pháp nào để vừa không khuyến khích, không chấp nhận nhưng vẫn kiểm soát được thực tế đang tồn tại. Phải có giải pháp để hỗ trợ cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực mại dâm như là một quyền của con người.
PV: Nhiều người cho rằng, phi hình sự hóa hoạt động mại dâm sẽ kiểm soát tệ nạn này tốt hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Đàm: Đến thời điểm này, chúng ta đã tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh về mại dâm. Chính phủ đang giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, tổng kết và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp có tính khả khi hơn, hiệu quả hơn.
Chúng tôi cũng được các tổ chức quốc tế, đối tác các bên cũng hỗ trợ, trao đổi, nghiên cứu. Qua các buổi thảo luận, nghiên cứu học tập thì có rất nhiều mô hình. Đối với Việt Nam, quan điểm có phi hình sự hóa mại dâm hay không thì còn phải tiếp tục nghiên cứu thêm từ kinh nghiệm của các nước. Muốn đưa ra được định hướng, quan điểm phải có quan điểm, bằng chứng, căn cứ và trước hết là phải phù hợp với điều kiện của chúng ta.
Nhưng chúng tôi cho rằng cần phải có những thiết chế, quy định làm thế nào để không bỏ rơi một ai ra ngoài lề xã hội kể cả những người đang hoạt động mại dâm hay yếu thế trong cuộc sống. Phải bảo vệ được họ và phải tạo điều kiện để cho họ tiếp cận được tất cả các dịch vụ xã hội, các nhu cầu của một con người như một quyền của công dân.
PV: Vừa rồi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có đề xuất thí điểm mô hình phòng chống mại dâm ở 5 tỉnh miền núi phía Bắc, xin ông cho biết cụ thể mô hình này?
Ông Nguyễn Trọng Đàm: Mô hình này là phát triển các nhóm đồng đẳng, các câu lạc bộ để cho những người hành nghề này tập hợp lại với nhau. Thông qua các tổ chức này, chúng ta có thể biết được trên địa bàn đấy có những ai đang hành nghề, những vấn đề gì đang đặt ra đối với họ, họ cần gì và nhà nước có thể quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ họ được những gì. Qua đó chúng ta tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của chính họ và những nhóm có nguy cơ cao.
PV: Thưa ông, sắp tới đây, Luật phòng chống mại dâm thay đổi gì để phù hợp với tình hình thực tế cũng như góp phần giảm thiểu tệ nạn này?
Ông Nguyễn Trọng Đàm: Cái chính trong Luật cần làm thế nào để chúng ta kiểm soát được họ, kiểm soát được tình hình, đồng thời giúp họ, để họ nhận thức và thay đổi hành vi. Nếu họ không thể thay đổi, vẫn sa chân vào nghề đó thì họ vẫn phải được bảo đảm những quyền cơ bản, không bị bóc lột, đánh đập, cưỡng bức. Đó là những điều tới đây cần được thể chế trong Luật.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!.
Xem thêm video:
[mecloud]UVH96rbcW1[/mecloud]