(ĐSPL) – Hôm nay, 2 chiếc cẩu lớn nhất Việt Nam đã vào vị trí neo đậu, sẵn sàng cho việc trục vớt cầu Ghềnh bị sập.
Trước đó, VOV đưa tin, ngày 26/3, hàng chục người nhái đã lặn xuống đáy sông Đồng Nai để xác định các hạng mục cầu bị chìm để đưa ra phương án trục vớt.
Các thợ lặn chuyên nghiệp cho biết, nhịp cầu chìm nằm ở độ sâu 13m, dính nhau bởi thanh ray, nặng khoảng 300 tấn. Trong đó, một đầu nhịp 2 kê lên mố cầu sập, nhịp cầu 3 treo lơ lửng do dính ray sắt với nhịp bên kia.
Dự kiến đến hết ngày 2/4 sẽ phải hoàn tất công tác trục vớt cầu Ghềnh. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Nhận định về sự cố khiến cầu Ghềnh bị sập, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vị trí cầu Ghềnh có địa chất thủy văn phức tạp nên công ty có phương án neo đậu ụ nổi đánh dấu chắc chắn để sáng nay có thể đưa sà lan vào vị trí hạ nhịp dầm còn đang treo trên đỉnh trụ xuống dưới lòng sông.
Sau khi thống nhất phương án, đơn vị này sẽ huy động lực lượng để cắt thanh ray trên nhịp 4, tách các hạng mục bị đổ sập khỏi phần còn lại của cầu. Các kết cấu dầm cầu bằng thép sau đó được chuyển lên sà lan đưa về điểm tập kết.
“Các dầm cầu nặng hàng trăm tấn, bề mặt đáy sông là đá nên CIENCO 1 không thể tiến hành neo sà lan bằng cách thông thường mà phải khoan cố định thật chắc mới đảm bảo được công tác trục vớt”, ông Thắng nói.
Tin tức trên Tuổi Trẻ, theo Chi cục Đường thủy Nội địa phía Nam, trong quá trình trục vớt cầu Ghềnh, đơn vị sẽ thay đổi quá trình điều tiết các phương tiện thủy qua lại tại khoang thông thuyền số 4 tùy thuộc vào diễn biến thực tại để đảm bảo an toàn.
Theo tiến độ của Bộ Giao thông vận tải, việc trục vớt cầu Gềnh phải xong trước ngày 2/4 để tiến hành công tác xây trụ, dầm cầu mới và thông tuyến đường sắt trước ngày 15/7.
Cũng trong ngày 26/3, các đơn vị khác bắt đầu khoan khảo sát địa chất để phục vụ việc xây dựng cầu mới.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud] BHIea9zwOs[/mecloud]