Theo chương trình nghị sự, ngày 22/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển những tháng đầu năm 2019 và thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Cụ thể, buổi sáng ngày 22/5, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Chủ tịch Quốc hội trao đổi với các đại biểu bên hành lang kỳ họp. |
Buổi chiều Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này có 16 chương, 232 điều. So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự án luật mở rộng phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp…
Đối với một dự án luật sửa đổi toàn diện và có tính chất phức tạp, nên theo Ủy ban Tư pháp, cần có thời gian tương xứng cho việc nghiên cứu thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và đủ thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Thanh Lam
Theo Người Đưa Tin