Tin tức thời sự trên báo VietNamlus, theo chương trình dự kiến, hôm nay (22/11), Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng để nghe báo cáo và thảo luận về vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Cụ thể, mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Sau khi nghe các báo cáo, các đại biểu Thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo báo Lao động, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho rằng, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thực hiện ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Các cơ quan đã tăng cường các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên nên dẫn đến việc tham mưu, đề xuất giám sát việc giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn, đã kiến nghị chưa thực hiện được nhiều.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri trong thời gian tới, đại biểu nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng.
Theo đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài ở địa phương.
Tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu cho rằng cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể ở địa phương là yêu cầu quan trọng không thể thiếu được để Đoàn ĐBQH và cá nhân ĐBQH thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ theo luật định.
Đồng thời, gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của ĐBQH được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để ĐBQH có thể hiểu rõ và làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Chú trọng hơn nữa công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc về công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Vân Anh(T/h)