Liên quan đến nghi vấn điểm thi bất thường ở Lạng Sơn, Bộ GD-ÐT đã tiến hành kiểm tra tổng thể, toàn bộ quy trình, không chỉ riêng 35 thí sinh mà dư luận đã nêu.
Cụ thể, theo kế hoạch, tổ công tác kiểm tra dấu hiệu bất thường về điểm thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tại Lạng Sơn sẽ họp báo công bố kết quả rà soát điểm thi được xem là bất thường của tỉnh này trong sáng nay, 21/7.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tại Lạng Sơn thông tin, tổ công tác của Bộ GD-ÐT đã kiểm tra tổng thể, toàn bộ quy trình, không chỉ 35 thí sinh mà dư luận nêu. Ðồng thời, quá trình làm việc có sự giám sát chặt chẽ, kiểm tra của các ban, ngành chức năng.
Tổ trưởng Tổ công tác Sái Công Hồng đề nghị được chấm thẩm định bài thi Ngữ Văn. Ảnh: Lao Động |
Tổ kiểm tra của Bộ có đầy đủ thành phần, không chỉ có lãnh đạo về khảo thí mà còn có lãnh đạo vụ giáo dục trung học, các chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin.
Đến cuối giờ chiều hôm qua (20/7), ông Sái Công Hồng, Trưởng đoàn công tác của Bộ thông tin đến báo chí cho biết, sau khi rà soát cơ học bài thi môn ngữ văn, tổ công tác đã đề nghị chấm thẩm định một số bài thi để có cơ sở kết luận chính xác.
Được biết, ngay sau khi có quyết định, việc chấm thẩm định đã diễn ra ngay trong đêm 20/7 và kéo dài cho tới sáng hôm nay (21/7).
35 thí sinh có điểm thi bất thường thi tại điểm thi trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn. (Ảnh: Dân việt) |
Như đã đưa tin trước đó, sau khi bảng điểm của 35 thí sinh được cho là có điểm cao bất thường ở Lạng Sơn được phát tán trên mạng đã tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận. Theo bảng điểm được đăng tải này, có đủ danh sách tên, tuổi, ngày tháng năm sinh và số điểm 3 môn (Toán, Văn, Lịch Sử) với số lượng điểm trên 8 và 9 tại hai môn Ngữ Văn và Lịch sử cao đột biến.
Đối với môn Ngữ Văn, trong số 35 thí sinh nêu trên, có 5 thí sinh đạt điểm 9. Trong khi đó, theo phổ điểm môn Ngữ Văn được bộ GD-ĐT công bố, cả nước có 1.706 thí sinh đạt điểm 9.
Tổng 3 môn thi Ngữ Văn, Toán, Lịch sử và điểm ưu tiên của 35 thí sinh trong bảng nêu trên không có thí sinh nào dưới 24 điểm.
Cao nhất là thí sinh N.V.D với tổng điểm 27,9 điểm – môn Toán (7,4); môn Ngữ Văn (9); môn Lịch sử (8.75); điểm ưu tiên là 2,75. Đứng thứ 2 là N.V.L với tổng điểm 26,8 – môn Toán (7,8); môn Ngữ Văn (8,75); môn Lịch sử (7,5); điểm ưu tiên là 2,75.
Theo quy chế thi THPT quốc gia hiện hành, việc chấm thẩm định được quy định như sau: Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi của một hoặc một số trường. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT được sử dụng con dấu của Bộ GD-ĐT. Việc tổ chức đối thoại hay không đối thoại giữa người chấm sơ khảo, phúc khảo, thẩm định (nếu có đề nghị) do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định. |
Nguyễn Phượng (T/h)