Theo đó, học sinh sẽ làm kiểm tra theo hình thức tập trung (theo lịch của trường) các môn như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý…. Các môn còn lại như Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo dục công dân…, các em sẽ làm bài tại lớp.
Để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra này, trước đó, hầu hết các trường đã dành 1-2 tuần tổ chức ôn tập cho các em, vừa trực tiếp tại trường vừa ôn tập qua hệ thống trực tuyến.
Riêng ở trung học, đối với học sinh khối 6, theo chỉ đạo của sở GD&ĐT, do chưa đến trường trong khoảng thời gian này, học sinh sẽ được kiểm tra sau khi được quay lại trường học tập trực tiếp để được bổ sung kiến thức, khắc phục các hạn chế do học tập trên internet kéo dài.
Nếu sau đó, vì dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, học sinh chưa thể đến trường học tập trực tiếp, Sở sẽ xin ý kiến của bộ GD&ĐT để có hướng dẫn thực hiện kiểm tra học kỳ I cho các em.
Còn đối với khối tiểu học, sở GD&ĐT TP.HCM cũng chỉ đạo, học sinh lớp 1 và 2 chỉ thực hiện kiểm tra định kỳ khi HS quay trở lại trường học, theo hình thức trực tiếp.
Trong đó, với môn Toán và Tiếng Việt, các cơ sở giáo dục phải tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho HS trước khi tổ chức bài kiểm tra.
Đối với lớp 3, 4 và 5, bài kiểm tra định kỳ (đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, Tin học) được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp với các điều kiện cụ thể và diễn biến tình hình dịch tại địa phương vào thời điểm tổ chức kiểm tra.
Trước đó, sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn, đồng thời đã hướng dẫn rất kỹ trong buổi họp chuyên môn về việc tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2021 - 2022.
Sở và phòng GD&ĐT sẽ không ra đề chung mà giao cho các trường THCS, THPT tự ra đề kiểm tra cuối kỳ. Thậm chí, các trường có thể giao cho giáo viên bộ môn tự ra đề kiểm tra cho những lớp mình phụ trách.
Nguyên tắc là học sinh học đến đâu thì đề kiểm tra sẽ ra đến đó. Đặc thù của quá trình dạy và học trong học kỳ I ở TP.HCM là học sinh phải học trên Internet, chương trình giảng dạy chỉ ở mức cơ bản chứ rất ít đào sâu, ít mở rộng...
Vì vậy, sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường biên soạn đề kiểm tra cuối kỳ 1 với đa số những câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, các câu hỏi dạng vận dụng sẽ rất ít và cũng chỉ dừng ở mức kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống trong cuộc sống ở mức độ thấp chứ không phải mức độ cao.
Thủy Tiên (T/h)