Xung phong vào chiến trận
Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Người Đưa Tin tìm về tư gia của Đại tá, thương binh, cựu chiến binh Lê Quyên (SN 1932) nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cứ mỗi khi gợi nhớ về những ký ức nơi chiến trường, người lính năm xưa không giấu nổi nỗi niềm xúc động. Bên tách trà, ông Lê Quyên kể về những năm tháng trở thành người lính tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thanh Hóa, tháng 3/1950 khi đang ngồi trên ghế nhà trường, ông Lê Quyên nghe theo tiếng gọi của tổ quốc hăng hái tham gia bộ đội. “Khi đó tôi không nghĩ gì nhiều, tham gia kháng chiến chỉ có một mục đích duy nhất là để bảo vệ tổ quốc”, Đại tá Lê Quyên nói.
Hành trang trên vai của cậu học trò 18 tuổi khi ấy là một chiếc balo nhỏ, 3kg gạo, quần áo, mũ… từ làng Ngô Xá, Thiệu Hóa hành quân đến gần Nho Quan, Ninh Bình rồi tiếp tục hành quân bộ lên Hòa Bình, ra Sông Đà và lên Phú Thọ và ở trường Lục quân Đại Từ, Thái Nguyên.
Theo lời kể của ông, trong chiến tranh chống Pháp năm 1951, khi đó ông ở đơn vị trung đoàn 174 (e174)- sư đoàn 316 dưới sự chỉ huy của Đặng Văn Việt với biệt danh là “Hùm xám đường số 4”. Khi đó, ông là Trung đội phó, được tham gia chiến dịch đánh vào hậu địch. Trận đánh diễn ra ở đồn phố Mới, thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Trận đánh này, quân ta gặp khó khăn, buộc đơn vị của ông phải bí mật rút lui nhưng quân Pháp phát hiện và đánh chặn, khiến ông bị mảnh lựu đạn xuyên qua lưng vào nách. Ông được chuyển về khu căn cứ chữa vết thương, khoảng 15 ngày sau ông tiếp tục đi chiến đấu. Đến nay, mảnh đạn đó vẫn còn trong cơ thể của ông.
Tiếp đó, ông cùng các đồng đội cũng đã trải qua quãng thời gian chiến đấu anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Quyên khi đó là Đại đội trưởng quay trở về huấn luyện đơn vị tiến lên chính quy hiện đại.
Đến cuối năm 1965, cả tiểu đoàn chuyển sang quân khu Việt Bắc để huấn luyện chiến sĩ, tân binh đi B bổ sung cho các chiến trường miền Nam. Khi đó, ông Lê Quyên là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy cùng 600 người hành quân dọc đường Trường Sơn từ tháng 10/1966 đến tháng 4/1967 mới vào đến điểm tập kết ở miền Đông Nam Bộ.
Miền Nam ngày giải phóng
Trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lê Quyên nhớ lại cuối tháng 3/1973 ông được giao nhiệm vụ là Trưởng ban Quân số thuộc Đoàn 770, Cục Hậu cần Miền (B2), theo dõi quân số, bổ sung quân số cho các đơn vị. Khi đó, ông Quyên được giao nhiệm vụ đi kiểm tra đường 13, trên đường đi, đơn vị ông đã bị máy bay OV-10 của Mỹ bắn.
“Chúng nhiều lần bắn xối xả vào đơn vị nhưng không trúng. Rồi một lần chúng thả bom xuống, tôi đã xuống hầm nấp, nhưng sốt ruột không biết đồng đội đang ở đâu nên tôi ra khỏi hầm gọi đồng đội cho yên tâm. Vừa lúc đó mảnh bom phạt vào đầu, may là không bị thương nặng”, ông Quyên vừa nói vừa chỉ vết sẹo trên đầu.
Đến ngày 30/4/1975 đơn vị ông Quyên hành quân đến Đồng Xoài cách Sài Gòn gần 100 km nhưng theo lời ông Quyên khi ấy khí thế phấn khởi rộn rã.
“Trên đường hành quân, tôi có một chiếc đài nhỏ cùng với một cái bản đồ to, cứ đánh đến đâu tôi lấy bút đánh dấu đến đó. Khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng thì chúng tôi ai nấy đều vui mừng. Chúng tôi tiếp tục hành quân đến 9 giờ sáng ngày 1/5 thì vào đến Sài Gòn”, Đại tá Lê Quyên chia sẻ.
Ông Quyên cùng một số đồng đội được đi xem đường phố Sài Gòn sau ngày giải phóng, gương mặt của người dân ai nấy đều phấn khởi, hồ hởi, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng.
“Cảm xúc của tôi khi ấy là phấn khởi, vui trong niềm vui chung của đất nước được giải phóng, Nam – Bắc sum họp một nhà thì có niềm vui riêng là sau 9 năm xa cách vợ và người thân tôi sẽ được trở về thăm họ”, ông Lê Quyên xúc động nhớ lại.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Quyên bảo trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, ông đã tham gia chiến đấu nhiều chiến dịch: Chiến dịch Hòa Bình năm 1951; chiến dịch Tây Bắc năm 1953; chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và các chiến dịch ở miền Nam từ năm 1965 đến năm 1975.
Theo lời của vị Đại tá này, lịch sử về xây đắp nền hòa bình của dân tộc Việt Nam đã chứng minh “Muốn có hòa bình, dân tộc Việt Nam đã không chỉ biết nhân nhượng mà còn phải biết đấu tranh”.
Có thể thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử đối đầu với các thế lực phong kiến phương Bắc hùng mạnh và tàn bạo nhất, các nhà nước, triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn thực hành chủ trương nhân nhượng, đàm phán hòa bình để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Chúng ta đã luôn biết vận dụng nhiều phương thức, biện pháp đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trải qua hai cuộc chiến tranh, hơn ai hết Đại tá Lê Quyên hiểu, khát vọng về hai chữ “hòa bình”.
“Từng trải qua những nỗi đau, nỗi mất mát, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nên tôi thấu hiểu giá trị, ý nghĩa lớn lao của hai chữ “hòa bình”. Ngày giải phóng thống nhất đất nước là ngày tôi xúc động nhất, xúc động bởi vì mình còn được sống, được trở về với quê hương và xót xa với những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Tôi yêu chuộng hòa bình và mong muốn giải quyết các xung đột bằng con đường ngoại giao, biện pháp hòa bình”, Đại tá Lê Quyên nhấn mạnh.
Đã đi qua nửa đời người, chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước, cho đến nay nhìn thấy đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần được cải thiện rõ rệt, vị Đại tá năm xưa không giấu nổi niềm vui xen lẫn sự tự hào.
Giờ đây, đã ngoài 90 tuổi, nhưng hàng ngày ông Quyên vẫn thường xuyên theo dõi tình hình thời sự chính trị trong và ngoài nước, đồng thời mong muốn con cháu và các thế hệ trẻ tương lai phải luôn nhớ về truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tôc, phát huy truyền thống xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hoi-uc-cua-vi-dai-ta-tung-di-qua-hai-cuoc-chien-tranh-a551198.html