Hội thảo do Ban Điều hành Đề án 844, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Viện quản trị chính sách và Chiến lược phát triển đồng chủ trì.
Tham dự hội thảo có các khách mời: Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ; Bà Lê Nguyễn Thiên Nga - Chủ trì Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách; Ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Đơn vị thực hiện và các cơ quan phối hợp là Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844 và Vụ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Viện Quản trị Chính sách, ngân hàng VietinBank, cùng các chuyên gia, trí thức kiều bào ta ở trong và ngoài nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (Global Mentoring Program for V-startups - GMPV) là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu (Mentor) với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn (Mentee) để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.
Điểm thu hút của chương trình đó chính là những chuyên gia, mạng lưới tri thức kiều bào sẽ cung cấp tư duy và tầm nhìn về thị trường toàn cầu để các startup Việt có thể "go global". Các giải pháp, sản phẩm sáng tạo từ chương trình sẽ được giới thiệu hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng như VietinBank cùng kết nối để giải quyết các vấn đề của chính quyền địa phương thông qua chuỗi sự kiện TECHFEST hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và những nội dung được trao đổi trong hội thảo như:
Trao đổi một số bài toán của địa phương, doanh nghiệp và làm sao để chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia hỗ trợ, giải quyết
Liên kết dữ liệu và ghi nhận khuyến nghị chính sách hỗ trợ nhân tài của mạng lưới GMVP trong chính sách Quốc gia.
Được triển khai từ năm 2021-2023, chương trình có sự tham gia của 17 Mentor giàu kinh nghiệm, bao gồm 3 Mentor Adhoc và 14 Mentor cố định. Các Mentor sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, như Việt Nam, Úc, Mỹ, Đài Loan... Chương trình cũng đã kết nối 20 Startups tiềm năng trên khắp các nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như Blockchain, AI, chuyển đổi số, IoT, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông,...
Hội thảo ngày hôm nay là dịp để nhìn lại và tổng kết một số kết của của chương trình GMVP, kết nối cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, thảo luận một số giải pháp để thu hút nguồn vốn, nhân tài trong và ngoài nước hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Tiếp tục củng cố, tăng cường các hoạt động thu hút, kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể hoá thoả thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao.
Liên kết các mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế cùng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, khuyến nghị các chính sách hỗ trợ cho nhân tài và chuyên gia trong GMVP từ cơ sở dữ liệu toàn dân do nghiên cứu trưởng Lê Nguyễn Thiên Nga cùng Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, Đề án Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước, Kiểm toán nhà nước, ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy.
Nhân dip này, Ban tổ chức cũng đã phát động chương trình GMVP năm 2025 và mong muốn nhận được sự tham gia, đồng hành rộng rãi của các chuyên gia, trí thức, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Một số thông tin cụ thể về tiêu chí tham gia chương trình như sau:
Tiêu chí tuyển chọn Mentor GMPV 2025:
Có kinh nghiệm trong việc cố vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề: công nghệ, thị trường, vốn/tài chính;
Cam kết được về thời gian tham gia chương trình (dự kiến tối thiểu 4 giờ cố vấn/tháng)
Ưu tiên các cố vấn được Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu.
Quy trình đăng ký, kết nối Mentor vs Mentee:
Các Startup đăng ký tham gia chương trình.
Dựa trên thông tin trong đơn đăng ký, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và ghép cặp phỏng vấn giữa Mentor cố định với startup.
Việc kết nối Mentor và Mentee sẽ được triển khai trên nền tảng do Ban tổ chức xây dựng và vận hành.