+Aa-
    Zalo

    Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam: Phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) Sáng ngày 13/5/2019 những người làm công tác Sinh Vật Cảnh của cả nước hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Truyền thống.

    (ĐS&PL) Sáng ngày 13/5/2019 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Truyền thống Sinh Vật Cảnh Việt Nam (13/5/1989 - 13/5/2019). Đến dự có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện một số Bộ, ban ngành và hơn 100 đại biểu.

    Hội nghị đã tri ân một số cá nhân có nhiều đòng góp cho Hội qua các thời kỳ

    Nhân dịp này, những người làm công tác Sinh Vật Cảnh đã cùng điểm lại những dấu mốc son quan trọng trong chặng đường 30 xây dựng và trưởng thành của ngành Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

    1. Mùa xuân 1989 tại trụ sở Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại số 46 phố Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội đã diễn ra cuộc họp mặt đầu tiên của Ban Vận đồng thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam gồm hơn 20 vị lão thành cách mạng và một số nhân sĩ trí thức yêu văn hóa Sinh Vật Cảnh. Tại cuộc gặp mặt, Ban Vận động đã nhất trí xin phép Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội Đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

    Theo đó, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ về sinh vật cảnh, góp phần xây dựng văn hóa, cảnh quan, sinh thái, môi trường. Tôn chỉ mục đích của Hội là tập hợp rộng rãi công dân và tổ chức Việt Nam tham gia các hoạt động nhằm giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân trong lĩnh vực sinh vật cảnh, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài, góp phần tích cực vào việc: Bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Hội lấy hoạt động trọng tâm là phát triển văn hóa, môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hoạt động vi Sinh Vật Cảnh...

    2. Ngày 13/5/1989, Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 134/CT về việc cho phép thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Sau đó, Ban Bí thư phân công: Đồng chí Nguyễn Thọ Chân- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ tịch lâm thời của Hội; đồng chí Phạm Văn Kiết - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam; Đồng chí Ngô Luân làm Tổng thư kí của Hội. Đồng thời tạm thời lấy Mặt trận là nơi làm việc của Hội, Văn phòng Mặt trận là nơi trực tiếp giúp đỡ các mặt hoạt động của Hội. Đây được xác định là Đại hội lần thứ nhất của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

    Tại thời điểm đó, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tiên được thành lập sau Đại hội VI của Đảng có ý nghĩa sâu sắc, là nơi tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân, các chức sắc tôn giáo, những nhân sự, thủ lĩnh các dân tộc thiểu số…nên đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện hoạt động.

     Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội SVC Việt Nam.

    3. Đại Hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam lần thứ 2 diễn ra ngày 29/5/1997 tại Hội trường Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội). Tham dự Đại hội có 6o đại biểu thay mặt gần 20 ngàn hội viên thuộc 25 tỉnh thành và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội đã về dự. Tham dự Đại hội, có đại diện các Bộ, Ban ngành và nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Hà Nội. Đại hội đã nhất trí thông qua báo cáo của Hội khóa 1 và phương hướng nhiêm vụ khóa 2; Thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội, bầu BCH Trung ương Hội khóa 2 gồm 18 vị, do nguyên Bí thư TW Đảng Nguyễn Văn Trân làm Chủ tịch Hội; các ông: Lê Thành, Nguyễn Thọ Chân, Đỗ Phượng - nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Tổng giám đốc TTXVN, Nguyễn Văn Trung - nguyên Bí thư tỉnh ủy Bến Tre làm Phó Chủ tịch...Trước Đại hội, đồng chí Phạm Văn Kiết qua đời, đồng chí Nguyễn Thọ Chân chuyển về thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Thành làm Phó Chủ tịch thường trực Hội.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp noi gương Bác Hồ sống hòa đồng với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh

    4. Ngày 06/9/1992, Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phối hợp cùng một số cơ quan Trung ương tổ chức "Hội thảo khoa học văn hóa Sinh vật cảnh Việt Nam". Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu gồm nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện các Bộ, Ban ngành và nhiều nhà khoa học, nhân sĩ trí thức tiêu biểu. 

    Tại Hội thảo quan trọng nhân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài tham luận làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và văn hóa: "Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hoại hủy thiên nhiên thì đó là hành động trái với quy luật dẫn tới tai họa không thể lường hết được. Ta nên có kế hoạch vừa phát triển kinh tế gia đình vừa đi tới sản xuất lớn, tận dụng đặc điểm của của nước ta là nơi hội tụ nhiều nguồn động vật, thực vật, có nhiều loại cây, loại hoa,loại quả, có nhiều vùng đặc sản nổi tiếng, tận dụng những vùng có điều kiện thuận lợi như Đà Lạt, Ba Vì, Cúc Phương và nhiều nơi khác vốn có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh. Làm được như vậy thì ta vừa được kinh tế vừa được văn hóa. Muốn vậy thì ta phải có sự đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có sự tham gia của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và trước hết là làm sao để mọi người nhận thức được sâu sắc những giá trị về nhiều mặt của Sinh vật cảnh Việt Nam", Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

    Phê bút chỉ đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam của đồng chí Đỗ Mười

    5. Hội Nghị toàn quốc Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam tháng 10 năm 1995 xác định phương hướng hoạt động của Hội trong tình hình mới. Hội nghị vinh dự đã nhận được sự chỉ đạo của Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Đỗ Mười và Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. 

    Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo: "Đây là một lĩnh vực hoạt động có tác dụng tốt đối với đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân. Mong hội tích cực hoạt động mở rộng phong trào sinh vật cảnh ở khắp địa phương trong cả nước, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm ra nhiều sản phẩm sinh vật cảnh có hiệu quả và có giá trị nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của dân tộc".

    Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt chỉ đạo: "Sinh vật cảnh mang ý nghĩa văn hóa truyền thống và tính dân gian phong phú ở mọi miền đất nước. Tôi hoan nghênh những người đã sáng lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Tôi hi vọng tổ chức Hội ngày càng mở rộng, pháy huy được nhiều tài năng, trí tuệ làm phong phú thêm cho vườn sinh vật cảnh Việt Nam. Tôi mong muốn mỗi cơ quan, đơn vị, các công trình công cộng cũng như mỗi hộ gia đình được trang trí các cây, vật cảnh để tạo cho cuộc sống thêm văn minh, giúp cho tinh thần thêm nhẹ nhàng thư giãn..." .

    6. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, tháng 12 năm 1999, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo mối quan hệ giữa Văn hóa và Kinh tế Sinh Vật Cảnh. Hội thảo đẫ thu hút đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế nhằm làm nổi bật giữa phát triển văn hóa, môi trường và kinh tế Sinh Vật Cảnh. Các nhà khoa học nhấn mạnh, Do tình hình suy thoái nghiêm trọng môi trường toàn cầu dẫn đến các nạn dịch thể kỷ, việc suy giảm chất lượng cuộc sống và năng suất của các quá trình sản xuất vật chất trong nhiều quốc gia trên thế giới nên nhân loại đã phải đoàn kết với một tiếng nói vã nỗ lực chung để bảo vệ môi trường toàn cầu, mái nhà chung của nhân loại...Sự phát triển của ngành sinh vật cảnh Việt Nam cần phải được thúc đẩy qua các hoạt động đối ngoại. 

    "Người Việt Nam sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Đất nước thuộc vùng nhiệt đới, thảm xanh thực vật phong phú, xanh tươi quanh năm, lại thêm tín ngưỡng vật linh có ảnh hưởng từ thời xa xưa, do đó con người sống không tách khỏi thiên nhiên, nhất là thảo mộc vừa gần gũi vừa thiêng liêng" - Nhà văn hóa Hữu Ngọc

    Còn Phó Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam Nguyễn Thọ Chân nhấn mạnh "Không phải bây giờ chúng ta mới là người khởi xướng phát triển rau, hoa quả, cây cảnh mà từ xa xưa Tổ tiên ta, Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo và chiến sĩ ta đã coi trọng môi trường sinh vật cảnh hài hòa...Quả thật, nhu cầu về vật chất đến một giới hạn nào đó là hợp lý. Nếu vượt quá giới hạn đó là giả tạo, con người trờ thành nô lệ của vật chất và tự chuốc lấy hậu quả khó lường về sức khỏe, tư tưởng, đạo đức và có thể dẫn đến vô vàn tội ác đối với xã hội, gia đình và thiên nhiên. Còn tình cảm, quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên trong sáng luôn khát khao hướng đến giá trị chân thiện mỹ là không bao giờ có giới hạn".

    7. Đại Hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam lần 3 được tổ chức vào ngày 26 - 27/12/2001 tại Hội trường Nhà khách Chính phủ số 37 Hùng Vương - Hà Nội, có 230 đại biểu và khách mời trong cả nước đến dự. Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi lẵng hoa chúc mừng. Đại hội nghe thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thông qua báo cáo công tác nhiệm kì 2, xác định phương hướng nhiệm kì 3 (2002-2007); Cử Ban chấp hành TW Hội  nhiệm kì 3 gồm 31 ủy viên, trong đó ông Nguyễn Văn Trân làm Chủ tịch và 8 Phó Chủ tịch là ông Đỗ Phượng - nguyên UVTW Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN ; GS.Viện sĩ Nguyễn Duy Qúi - nguyên UVTW Đảng, Giám đốc TT Khoa học xã hội nhân văn Quốc gia; Nguyễn Xuân Kỷ - nguyên UVTW Đảng, Chủ tịch Hội SVC Bến tre ; Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin; Bùi Bá Bổng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Duy Qúi – Chủ tịch Hội SVC tỉnh Bình Định – nguyên quyền Bí thư tỉnh ủy Bình Định; Ngô Ngọc Bỉnh – Chủ tịch MTTQ tỉnh, Chủ tịch Hội SVC Tỉnh Vĩnh Long. Trước thềm Đại hội 3, Thương trực Trung ương Hội đã làm việc với Ban Dân vận Trung ương và Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về công tác Hội.

    8. Ngày 9/5/2004 tại Hội nghị SVC toàn quốc kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là người trực tiếp dự Hội nghị và chỉ đạo phát triển tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh trong giai đoạn mới. Trong đó đã định hướng Sinh Vật Cảnh là một ngành kinh tế có nhiều tiềm năng lợi thế cần được quan tâm đầu tư, ưu tiên phát triển, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ cho năng suất cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu; quan tâm xây dựng một số thương hiệu hoa cây cảnh, trước mắt giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival Hoa Đà Lạt năm 2005 có mời một số nước để rút kinh nghiệm tiến tới nhận trưng bày sinh vật cảnh quốc tế tại Việt Nam.

    Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát biểu chỉ đạo Hội nghị kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam

    Tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương qua 15 năm hoạt động, Hội Sinh vật cảnh đã tuyên truyền giáo dục hội viên và đông đảo nhân dân tình yêu thiên nhiên, đất nước, nếp sống văn hoá trong ứng xử với thiên nhiên và sống hoà đồng với thiên nhiên; xây dựng môi trường sống trong lành, bảo vệ và tôn tạo danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đưa sinh vật cảnh vào các bệnh viện, trường học, nghĩa trang liệt sĩ, đền chùa, nhà thờ. Văn hoá sinh vật cảnh được xác định không chỉ là thú chơi của người nhiều tuổi, người nghỉ hưu hoặc nhàn rỗi mà là hoạt động giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, nêu cao thái độ ứng xử của người Việt Nam đối với thiên nhiên bằng tấm lòng yêu quý, góp phần tôn tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Hoạt động về văn hoá sinh vật cảnh được triển khai rộng khắp, với các việc tôn tạo cảnh quan ở địa phương, trường học, công trình văn hoá, di tích lịch sử trưng bày, triển lãm phục vụ nhân dân.

    Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hoá - Thông tin, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan phối hợp với các cấp Hội trong việc bảo tồn các sản phẩm sinh vật cảnh có giá trị lịch sử lâu đời, tôn vinh các nghệ nhân sinh vật cảnh, bảo tồn và lập các quỹ gien những loại sinh vật cảnh quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, nhanh chóng xây dựng vườn quốc gia về sinh vật cảnh. Từ chỉ đạo toàn diện của Thủ tướng Chính phủ, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng sau đó và trở thành nền tàng cho sự phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái.

    9. Đại Hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam lần thứ 4 diễn ra từ ngày 5 - 6 tháng 6/2007 tại K/S La Thành, Hà Nội. Về dự Đại hội có 220 đại biểu, trong đó có 12 đại biểu nữ, nhiều nhà khoa học, nghệ nhân, nhà quản lý sản xuất, dịch vụ SVC, đại diện cho trên 100.000 hội viên thuộc 46 tỉnh, thành phố trong cả nước và trên 50 khách mời thuộc các bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể, báo chí ở TW và Tp. Hà Nội tham dự, thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của tổ chức và phong trào SVC trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đã biểu quyết cử ra Ban chấp hành TW Hội nhiệm kì 4 (2017- 2011) gồm 76 ủy viên, bao gồm tất cả các vị Chủ tịch Hội SVC các tỉnh, thành phố trực thuộc TW cùng nhiều trí thức, nghệ nhân, doanh nhân SVC trong cả nước.

    Ban chấp hành TW Hội khóa 4 (2007 - 2011) đã nhất trí cử ông Đỗ Phượng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng giám đốc TTXVN làm Chủ tịch TW Hội và các Phó Chủ tịch gồm: Tạ Quang Ngọc, Tráng A Pao, Bùi Bá Bổng, Y Luyện Niếk Đăm, GS.VS Nguyễn Duy Quý, Phạm Thanh Hải, Võ Văn Cương, Nguyễn Xuân Kỷ, Ngô Ngọc Bỉnh, Nguyễn Duy Quý và Võ Hồng Nhân. Đại hội đã trân trọng mời ông Nguyễn Văn Trân – nguyên Chủ tịch TW Hội khóa 1,2,3 làm Chủ tịch Danh dự Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

    10. Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, ngày 04/5/2009, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấm Sang đã làm việc với Thường trực Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Sau Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo số 485/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng. Thường trực Ban Bí thư xác định: "Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc giáo dục, động viên nhân dân giữ gìn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời chú trọng phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị". Từ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Sinh Vật Cảnh đã được đề cập trong các văn kiện của Đại hội Đảng các cấp. Từ đó, chủ trương Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái được cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo.

    11. Ngày 19/12/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã ký nghị quyết liên tịch về phối hợp nhiệm vụ công tác. Từ văn bản Nghị quyết đã cụ thể hóa tinh thần chỉ thị của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao. Sinh Vật Cảnh được xác định là một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển nông thôn. Từ đó tạo ra tiền đề để ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Sinh Vật Cảnh phát triển với tư cách một ngành hàng kinh tế nông nghiệp được quan tâm, ưu tiên phát triển. Nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh ngày càng phát triển, hàng trăm làng nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống được khôi phục, hình thành nhiều cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại hoa, cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh với nhiều loại sản phẩm giá trị cao hàng tỷ đồng hoặc hàng chục tỷ đồng/sản phẩm và có xu hướng phát triển rộng với số lượng và chất lượng ngày càng cao, mang lại thu nhập khá lớn cho nền kinh tế của đất nước.

    Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh

    12. Ngày 18/5/2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ chủ tịch và một số cơ quan tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Bác Hồ với Thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh". Tham dự Hội thảo có Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nước Cộng hòa xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo một số Bộ, Ban ngành và hơn 200 nhà khoa học, nhân sĩ trí thức và lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh các cấp. 

    Hội thảo nhằm hệ thống tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững với định hướng của một cuộc cách mạng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, xây dựng Nông thôn mới qua phong trào Tết Trồng Cây do Bác Hồ phát động ngày 28/11/1959: "Làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp"..."Làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện.

    “Hòa đồng với thiên nhiên không chỉ vì cảnh sắc thiên nhiên đẹp mà chính vì cần môi trường sống trong lành. Có nhiều cây xanh, rừng rậm, bãi sú vẹt, rừng ngập mặn sẽ giảm bớt tai họa của bão lũ, khô hạn, sóng biển, triều cường. Nhất là ngày nay với nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, tư duy của Bác Hồ về thiên nhiên, quan niệm về trồng cây xanh, về cách ứng xử với thiên nhiên của Bác càng gần gũi và thời sự hơn bao giờ hết đối với chúng ta.Với thiên nhiên, tư duy và cách ứng xử với thiên nhiên của Bác Hồ như trên chỉ có thể hiểu theo tầm nhìn về một nhân cách Hồ Chí Minh, trong lĩnh vực sinh vật cảnh càng khẳng định vườn cây, ao cá Bác Hồ có giá trị gắn với tâm hồn, lối sống của Bác” - Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nước Cộng hòa xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

    13. Triển lãm Sinh Vật Cảnh Việt Nam chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 - 15/10/2010 là cuộc biểu dương lực lượng Sinh Vật Cảnh Việt Nam lớn nhất trong lịch sử 30 năm hình thành và phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Triển lãm đã thu hút hàng vạn tác phẩm Sinh Vật Cảnh đến từ 63 tỉnh thành trong toàn Quốc. Từ cuộc Triển lãm này, các sự kiện Sinh Vật Cảnh là một nét đẹp văn hóa Sinh Vật Cảnh không thể thiếu trong các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị của các địa phương trong cả nước và trở thành một mỹ tục mới trong nhân dân. 

    Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa V (2011 - 2016).

    14. Đại Hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam lần thứ 5, nhiệm kỳ (2011- 2016) tiến hành  tại hội trường TTXVN, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội với 393 đại biểu chính thức và khách mời. Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh; đại diện Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và đại diện các Bộ, Ban ngành TW và nhiều cơ quan của Hà Nội và Trung ương đã tới dự. 

    Đại hội đã nhất trí chỉ tiêu đề ra cho nhiệm kì 5; Thông qua Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và bầu BCH TW Hội khóa 5 gồm 100 vị, trong đó Ban Thường vụ TW, đồng chí Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, Chủ tịch Hội khóa 4 tái cử làm Chủ tịch Hội khóa 5 và các Phó Chủ tịch Trung ương Hội: Tạ Quang Ngọc, Tráng A Pao, Y Luyện Niếk Đăm, GS.VS Nguyễn Duy Quý, Phạm Thanh Hải, Võ Văn Cương, Nguyễn Xuân Kỷ, Ngô Ngọc Bỉnh, Nguyễn Duy Quý (Tám Quý) và Võ Hồng Nhân. Đại hội đã trân trọng mời ông Nguyễn Văn Trân – nguyên Chủ tịch TW Hội khóa 1,2,3 tiếp tục làm Chủ tịch Danh dự Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. 

    Đại hội đã ghi nhận bước phát triển mới của tổ chức và phong trào Sinh Vật Cảnh với 41/63 tỉnh thành với 125.000 hội viên sinh hoạt trong hơn 3000 chi hội, doanh nhiệp, nhà vườn, đến cuối nhiệm kì đã tăng lên 55/63 tỉnh thành với 160.600 hội viên, sinh hoạt ở 5.320 chi hội và hơn 5.500 doanh ngiệp, hợp tác xã, trang trại và hơn 110.000 gia trại, nhà vườn sinh vật cảnh; giải quyết việc làm cho hơn 1.500.000 người và việc làm thời vụ cho khoảng 2 triệu lao động. Diện tích sản xuất SVC cả nước phát triển tới 50.000 ha và tổng sản lượng ước tính gần 10.000 tỉ đồng, không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn làm giầu cho hội viên cũng như đất nước.

    15. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh vật cảnh VN lần thứ 6, nhiệm kỳ (2017 - 2021) được tổ chức tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội vào 2 ngày 11- 12 / 6/ 2017 với 350 đại biểu đại diện cho gần 4 triệu cán bộ, hội viên, lao động SVC trong cả nước về dự.

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể TW đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Tới dự Đại hội có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Dân vận TW; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên TW Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể TW và Hà Nội.

    Đại hội đã thông qua báo cáo của TW Hội khóa 5, phương hướng nhiệm vụ khóa 6 (2017 – 2021) và bầu BCH Hội khóa mới gồm 108 vị, do ông Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Chủ tịch và các Phó chủ tịch: Nguyễn Gia Thọ, Trần Công Cảnh, Nguyễn Duy Quý (tám Quý), Võ Hồng Nhân, Trần Đình Thành, Phạm Thạnh Trị, Trần Văn Vụ, Lê Quốc Doanh, Nguyễn Tất Diên, Trương Hoàng...

    Đại hội lần thứ 6 là bước ngoặt lịch sử kể từ ngày thành lập Hội ghi nhận những chuyển biến mới của tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã được hình thành ở 6.062 xã, phường thị trấn, 406 huyện, thành thị và 56/63 tỉnh, thành phố; đã tập hợp, thu hút trên 356.510 hội viên, 4.600 doanh nghiệp và trên 11.000 chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh. Hội có 56 thành viên là Hội Sinh vật cảnh các tỉnh thành phố, tập hợp 356.510 hội viên, 4.600 doanh nghiệp và trên 11.000 chủ nhà vườn sinh vật cảnh. Từ sau Đại hội 6, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã chuyển đổi toàn diện từ mô hình Hội 4 cấp sang mô hình Hội thành viên theo Nghị định số 45/2010/NĐ - CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ.

    BCH Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam khóa 5

    16. Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đã xác định hoạt động Sinh Vật Cảnh là một nghề trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn cần được bảo tồn, phát triển. Cùng với chủ trương hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng của nước ta thì nghề trồng hoa và sinh vật cảnh có điều kiện thuận lợi để phát triển với nhiều sản phẩm sinh vật cảnh của Việt Nam có thể xuất khẩu đem lại giá trị cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tiếp nhận những sản phẩm có giá trị phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và công nghệ sản xuất tiên tiến từ các nước trên thế giới. Đây là cơ hội rất lớn để ngành nghề sinh vật cảnh hội nhập sâu rộng, phát triển và đem lại hiệu quả cao hơn.

    Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, chúng ta tự hào về Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc các cấp. Hội SVC Việt Nam tự hào đoàn kết, gắn bó hội viên và người lao động đã chăm lo, gìn giữ và nâng cao pgiá trị văn hóa truyền thống trên một đất nước đa dạng sinh thái; giữ gìn tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên môi trường nước ta trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ một thú chơi văn hóa truyền thống trở thành một ngành kinh tế Sinh Vật Cảnh giá trị cao, là một trong 7 ngành kinh tế quan trong trong phát triển nông thôn thu hút trên 4 triệu lao độngvà đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu ngành hàng Rau, Hoa, Quả, Cây cảnh với giá trị trên 4 triệu USD.

    Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam tại Đại hội 6 của Hội.

    Tại Đại hội lần thứ 6 của Hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những đóng góp, thành tích của tổ chức Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và hội viên trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng phát triển sinh vật cảnh không chỉ là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục tình yêu thiên nhiên đất nước của con người Việt Nam; thu hút du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước; duy trì sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, tạo môi trường sống trong lành, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

    Đồng thời, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã chỉ đạo trong thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cần phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, sáng tạo và những giá trị truyền thống quý giá của Hội trong 30 năm qua để tiếp tục “kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, đẩy mạnh phong trào, hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực". 

    Hội Sinh Vật Cảnh Thành phố Hà Nội tự hào đồng hành cùng 30 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam

    Vương Xuân Nguyên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-sinh-vat-canh-viet-nam-phat-huy-truyen-thong-30-nam-xay-dung-va-truong-thanh-a274919.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.