Từ truyền hình đến điện thoại thông minh, máy tính bảng đến mạng xã hội, cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên bị thống trị bởi sự tiếp xúc 24/7 với các phương tiện truyền thông. Chìa khóa nào cho sự cân bằng lành mạnh giữa cuộc sống ảo và thực, đối với trẻ em?
Hội Nhi khoa Mỹ (AAP) đã phát hành bộ hướng dẫn mới để giúp các bậc phụ huynh và gia đình cân nhắc trong khi cho con tiếp xúc với thế giới ảo:
Phương tiện truyền thông có thể được sử dụng như một công cụ để tăng cường kết nối gia đình khi sử dụng cùng nhau. |
Trọng tâm của các khuyến nghị cập nhật dành cho các bậc cha mẹ không chỉ chú ý đến lượng thời gian mà trẻ sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mà còn ở việc trẻ sử dụng như thế nào, khi nào và ở đâu.
Không nên áp lực khi cho trẻ nhỏ làm quen với các thiết bị mới
Các nghiên cứu bước đầu cho thấy dưới 3 tuổi, bộ não chưa trưởng thành của trẻ khó chuyển tiếp những gì trẻ nhìn thấy trên màn hình thành kiến thức trong đời sống thực. Đây cũng là thời kỳ não bộ phát triển não nhanh chóng mà trẻ cần thời gian phân bổ để chơi, ngủ, học cách kiểm soát cảm xúc, và xây dựng các mối quan hệ. Tuy nhiên, "Phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã trở thành một phần tất yếu của thời thơ ấu đối với nhiều trẻ nhỏ, nhưng nghiên cứu về ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của trẻ còn hạn chế.Chúng ta vẫn chưa biết liệu tính tương tác sẽ giúp ích hay cản trở quá trình này", TS Jenny Radesky, một chuyên gia về phát triển hành vi và là bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Mott, trường Đại học Michigan, nói.
Do đó, ngoại trừ chat video - đã được chứng minh là giúp trẻ học các kỹ năng mới và tương tác xã hội – nên tránh tất cả các dạng truyền thông kỹ thuật số trước 18 tháng tuổi.
Trong khi đó, nghiên cứu ở trẻ trên 3 tuổi khá rõ ràng và cho thấy rằng các chương trình chất lượng cao như Sesame Street có thể giúp trẻ em học các ý tưởng mới, nâng cao hiểu biết và kết quả xã hội.
Đối với trẻ em từ 2-5 tuổi, phương tiện truyền thông nên được giới hạn trong 1 tiếng/ngày và nên bao gồm một chương trình hoặc hoạt động chất lượng mà cả cha mẹ và trẻ có thể xem và tham gia cùng nhau.
Hội Nhi khoa Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các gia đình có thể duy trì một sự cân bằng lành mạnh. Cha mẹ không nên cảm thấy áp lực phải cho con làm quen sớm với công nghệ, và yên tâm rằng các giao diện luôn trực quan đến mức trẻ sẽ nhanh chóng nắm bắt được một khi chúng bắt đầu sử dụng.
Không nên dùng thiết bị thông minh để dỗ trẻ
AAP lưu ý rằng tuy nhiều ứng dụng mà các bậc cha mẹ tìm thấy đều nằm trong thể loại "giáo dục" ở các cửa hàng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng, song đa số chúng không dựa trên bằng chứng và ít hoặc không có sự hỗ trợ của các chuyên gia giáo dục.
Điểm nổi bật từ các khuyến nghị này bao gồm cấm phương tiện truyền thông kỹ thuật số 1 giờ trước khi đi ngủ, tắt các thiết bị không sử dụng, và đảm bảo rằng phòng ngủ, bữa ăn, và đa số giờ chơi của phụ huynh và con cái không trên màn hình.
Tuy truyền thông kỹ thuật số có thể là một công cụ hữu ích để dỗ trẻ khi đang trên máy bay hoặc khi làm thủ thuật y tế, song không nên dùng nó như một phương pháp chính để xoa dịu trẻ. Theo TS Redesky, sử dụng các thiết bị như một chiến lược để dỗ dành sẽ hạn chế khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ.
Bất chấp những ý định hạn chế thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông, chúng đã bắt rễ sâu vào văn hóa hàng ngày. Do đó các gia đình phải thực tế về những cách sử dụng lành mạnh phương tiện truyền thông từ khi trẻ còn rất nhỏ đồng thời với việc đặt ra hạn chế về thời gian.
"Video chat với ông bà, cùng nhau xem những video khoa học, cùng nhảy múa theo nhạc, tìm kiếm các công thức nấu ăn mới hay ý tưởng nghề ngiệp, chụp ảnh và video để cho nhau xem, có một đêm phim gia đình. Đó chỉ là một vài cách sử dụng phương tiện truyền thông như một công cụ để hỗ trợ kết nối gia đình ", Tiến sĩ Radesky nói.
Đối với trẻ em từ 18-36 tháng, điều thiết yếu là người lớn cần phải tương tác với trẻ trong khi sử dụng phương tiện truyền thông, giúp trẻ hiểu những gì chúng nhìn thấy trên màn hình và nó có liên quan như thế nào với thế giới xung quanh.
Xem thêm video:
[mecloud]GQtUL7WrXZ[/mecloud]