Một bài bình luận đăng trên CNN đánh giá rằng, hội nghị sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump là sự kiện “siêu thực”.
Hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ và những điều “siêu thực”
Cuộc đàm phán của ông Trump và ông Putin sẽ diễn ra tại thành phố Helsinki, Phần Lan. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã tham dự cuộc họp với các đồng minh NATO, gặp gỡ Thủ tướng Anh và Nữ hoàng Elizabeth II. Ông Trump dường như không mấy hài lòng về chuyến công du châu Âu hồi tuần trước.
Về phần mình, Moscow đã tiến hành một cuộc điều tra ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ quyết định truy tố 12 điệp viên tình báo quân sự Nga can thiệp bầu cử năm 2016.
Có nhiều lý do để người dân Mỹ, Nga nói riêng và thế giới nói chung mong chờ hội nghị thượng đỉnh lần này, trong đó, 2 vị Tổng thống sẽ trao đổi về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng bao gồm cuộc chiến ở Syria, vấn đề Triều Tiên, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và tình trạng các hiệp ước hạt nhân giữa 2 cường quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (16/7) tại Phần Lan. Ảnh: CNN |
Các nhà phân tích cho rằng, nếu mối quan hệ giữa Nga và Mỹ có những tiến bộ đáng kể thì dù là chỉ tiến hành các cuộc họp cấp thấp hơn, kết quả thỏa thuận vẫn có thể đáng giá. Nhưng vào tình hình hiện tại, khi mà căng thẳng giữa 2 quốc gia vẫn đang leo thang, dường như việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh là một hành động “bất thường”.
Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump cuối cùng cũng ngồi riêng với ông Putin – người bị cáo buộc gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ. Vào đêm trước khi cuộc đàm phán diễn ra, ông Trump đã cảnh báo rằng ông không hi vọng nhiều vào cuộc họp lần này.
"Tôi tham dự sự kiện với những kỳ vọng rất thấp. Tôi nghĩ rằng việc hợp tác với Nga là một điều tốt, nhưng có khả năng là chúng tôi sẽ không thể làm như vậy", ông Trump nói với CBS News trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 15/7.
Không có gì ngạc nhiên khi các nghị sĩ Đảng Dân chủ và thậm chí là Đảng Cộng hòa đều đặt ra câu hỏi tại sao hội nghị thượng đỉnh vẫn tiếp tục, đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Trump không đưa ra mục tiêu, nội dung rõ ràng về chương trình nghị sự và những thỏa thuận mong muốn đạt được.
Washington lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ đồng ý với những thỏa thuận có lợi cho Nga. Đặc biệt là khi ông muốn gặp trực tiếp ông Putin mà không có sự hỗ trợ của các trợ lý cấp cao. Thậm chí, nhiều quan chức Mỹ chỉ ra rằng, từ trước tới nay, nhà lãnh đạo Mỹ đôi khi cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với người đồng cấp Nga, chẳng hạn như cách nhìn nhận về sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Rõ ràng, với bối cảnh còn nhiều vấn đề tồn tại như hiện nay, ngoài ông Trump, có lẽ không có Tổng thống Mỹ nào khác trước đây quyết định gặp ông Putin, CNN đánh giá. Trên thực tế, hội nghị thượng đỉnh lần này đã ít nhiều khiến các quan chức Mỹ lúng túng.
Cuộc gặp được mong chờ
Mặc dù có nhiều lo ngại, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều mong chờ cuộc họp. Ảnh: CNN |
Dù thế nào, hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ vẫn là sự kiện được mong chờ vì bản thân ông Trump và ông Putin đều muốn tham gia và đạt được một số thỏa thuận nhất định.
Ông Putin bước vào hội nghị thượng đỉnh sau khi chủ trì một trận chung kết World Cup thành công ở Nga. Điều này cho thấy ông đã phần nào khôi phục sức mạnh của Nga trên trường quốc tế sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.
Trong khi đó, ông Trump đã có một tuần không mấy thành công khi chỉ trích các nước thành viên NATO, khắc sâu những bất đồng, căng thẳng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May cũng như tạo ra sự phân cực sâu hơn hơn trong chính trị Mỹ vì những kết luận mới liên quan đến bầu cử Tổng thống năm 2016.
Đặc biệt hơn, 2 vị Tổng thống sẽ gặp nhau, bàn luận một cách riêng tư. Phần còn lại của thế giới có thể không bao giờ biết chính xác nội dung của cuộc họp.
Lý do mà Tổng thống Trump muốn tham dự cuộc họp ở Phần Lan là vì ông tin tưởng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu Mỹ và Nga cùng “kề vai sát cánh”. Phát biểu trước báo giới ở Brussels, Bỉ, ông Trump nói: "Chúng tôi là đối thủ cạnh tranh. Ông ấy không phải là kẻ thù của tôi. Và hy vọng rằng, có thể ông ấy sẽ trở thành một người bạn".
Thái độ của ông Trump đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ, khác hẳn với quan điểm của 2 người tiền nhiệm của ông. Cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đều kín đáo tỏ ra rằng, mặc dù họ hy vọng sẽ hợp tác được với ông Putin, họ vẫn quan tâm đến động lực của chính phủ Nga trong việc tác động tiêu cực đến Mỹ.
Ông Putin đang “trên cơ” ông Trump?
Kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể tạo ra lợi thế cho Tổng thống Nga Putin. Ảnh: CNN |
Các nhà phê bình lo lắng rằng ông Putin sẽ đưa ra các điều kiện dựa trên kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Singapore hôm 12/6 vừa qua. Họ lưu ý rằng Tổng thống Trump đã đưa ra một sự nhượng bộ đáng kể cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như tạm dừng các cuộc tập trận quân sự của Mỹ với Hàn Quốc mà không nhận lại được nhiều.
Ông Kenneth Adelman, nhà đàm phán cấp cao của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan nói: "Ông Trump đã từ bỏ rất nhiều thứ và hoàn toàn không nhận lại được gì từ Triều Tiên ngoại trừ một thứ (Bình Nhưỡng đồng ý hủy cơ sở thử nghiệm hạt nhân). Tôi nghĩ ông Putin sẽ thấy điều này là dấu hiệu tuyệt vời để thốt lên rằng: Ôi Chúa ơi, chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời, chúng tôi rất hòa hợp với nhau”.
Washington quan ngại rằng Tổng thống Nga có thể thuyết phục ông Trump bàn giao các khu vực của Syria cho Tổng thống Bashar al-Assad, theo cách có lợi cho Iran, vì ông Trump trước đó bày tỏ mong muốn sớm đưa quân đội Mỹ về nhà. Tại châu Âu, các đồng minh lo ngại rằng Tổng thống Mỹ có thể đồng ý tạm dừng các cuộc tập trận quân sự của khối NATO.
Thậm chí, có thể trong cuộc họp này, ông Trump còn khẳng định quan điểm Crimea thuộc Nga, trái ngược với phần lớn tuyên bố của liên minh châu Âu nói riêng, thế giới nói chung.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)