Chú trọng trợ giúp người yếu thế
Tới dự hội nghị, về phía Trung ương Hội Luật gia Việt Nam có: TS.Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Luật gia Dương Đình Khuyến - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý.
Về phía lãnh đạo tỉnh Cao Bằng có: ông Thẩm Văn Phán - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; bà Hà Thị Huệ - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Lưu Thu Giang - Chánh án TAND tỉnh; ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng VKSND tỉnh; ông Bàn Thanh Hiền - Gíam đốc Sở Tư pháp cùng đại diện nhiều sở, ban ngành của tỉnh cùng 89 hội viên ưu tú đại diện cho các cấp Hội Luật gia tỉnh tham dự.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Luật gia Nguyễn Thị Tiện - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng đã báo cáo tổng kết công tác Hội khóa V (nhiệm kỳ 2019-2024) cũng như những phương hướng nhiệm vụ khóa VI (nhiệm kỳ 2024-2029).
Theo đó, nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia các cấp cùng toàn thể Hội viên đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ, nhận thức đúng đắn về các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó vận dụng cụ thể hóa vào hoạt động công tác hội. Công tác Hội có bước phát triển mới, kết quả đạt được thể hiện ở một số lĩnh vực trọng tâm.
Cụ thể, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, trong nhiệm kỳ, Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng đã tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng các văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật và một số văn bản cá biệt là nhiệm vụ quan trọng của Hội.
Tỉnh Hội thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật cư trú, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi),..
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội tham gia đóng góp ý kiến 1.390 văn bản. Các cấp Hội Luật gia tham gia thẩm định, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền và theo yêu cầu của chính quyền cùng cấp, trong nhiệm kỳ, đã tham gia thẩm định, rà soát, kiểm tra 1.230 văn bản.
Cùng với đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác Hội. Các tổ chức Hội đã trực tiếp thực hiện phổ biến hơn 1.100 cuộc với hơn 57.000 người tham dự, phối hợp thực hiện phổ biến hơn 9.000 cuộc cho hơn 413.000 người tham dự.
Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên đăng tải thông tin tuyên truyền pháp luật lên trang thông tin điện tử, báo địa phương, hệ thống phát thanh, truyền hình, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho người dân.
Hàng năm, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn luật sư phối hợp với một số Tổ chức Hội đã thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí hơn 3.000 vụ việc; tham gia tố tụng hơn 1.800 vụ việc.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải quyết khiếu nại, hòa giải ở cơ sở cùng đạt được nhiều kết quả. Trung tâm Tư vấn pháp luật và các cấp Hội đã chú trọng thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng là người yếu thế.
Nội dung tư vấn gồm nhiều lĩnh vực dân sự như: đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế, chế độ, chính sách... với các hình thức tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, đơn từ, hợp đồng. Trong 5 năm, các cấp hội đã thực hiện tư vấn pháp luật được gần 4.000 vụ việc, trợ giúp pháp lý hơn 2.600 vụ việc.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, công tác hòa giải cơ sở của các hội viên ở các Chi hội xã, phường, thị trần được phát huy hiệu quả. Các hội viên đã tham gia thực hiện hòa giải thành công hơn 2.000 vụ việc, góp phần giữ gìn trật tự xã hội ở địa phương.
Chi hội Luật gia VKSND tỉnh phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn pháp luật cho các đối tượng là bị can, bị cáo cũng như các đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho họ.
Luật gia Nguyễn Thị Tiện cho biết, nhiệm kỳ tới, Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số số 21 ngày 23/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 174-KH/TU ngày 4/11/2022 Triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
"Hội Luật gia tỉnh sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động công tác Hội nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", bà Tiện nhấn mạnh.
Chủ động hơn nữa trong công tác Hội
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, TS.Trần Công Phàn đánh giá cao những kết quả đạt được trong khóa V của BCH Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng.
"Công tác Hội đã được các đồng chí triển khai bài bản, hiệu quả nhận được sự ghi nhận của chính quyền địa phương và Trung ương Hội", TS. Trần Công Phàn phát biểu.
Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên các địa phương tiến hành Đại hội để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Luật gia Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2024.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh vị thế, vai trò cung như sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước với Hội Luật gia ngày càng cao. Vị thế của Hội được thể hiện với từ 40 hội viên từ khi thành lập năm 1955 và chủ yếu làm nhiệm vụ đối ngoại, cho đến nay đã có hơn 98.000 hội viên toàn quốc.
"Tiêu chuẩn kết nạp hội viên rất cao là phải tốt nghiệp Đại học Luật hoặc tốt nghiệp đại học khác nhưng công tác trong lĩnh vực pháp luật 3 năm. Như vậy, trong năm qua Hội Luật gia đã kết nạp thêm 40.000 hội viên. Do thấy được vị thế, vai trò của Hội nên họ hoàn toàn tự nguyện tham gia", TS. Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng, TS.Trần Công Phàn đề nghị Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng quán triển thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Quyết định của Đảng, Nhà nước như báo cáo đã nêu.
Đặc biệt là Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; Quyết định số 118 của Ban Bí thư Trung ương Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
Bên cạnh đó, TS.Trần Công Phàn đề nghị Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng cần chủ động hơn nữa trong công tác và chú trọng hướng về cơ sở. "Hội Luật gia tỉnh phải xác định mình làm được gì, từ đó đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương và triển khai công việc một cách hiệu quả", TS. Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị cần huy động tối đa lực lượng là những người đang công tác trong các cơ quan pháp luật để cùng tham gia công tác xây dựng chính sách pháp luật, công tác tư vấn, hòa giải cơ sở.
Ngoài ra, ông Phàn đề nghị Hội Luật gia tỉnh chú trọng công tác phát triển xây dựng hội luật gia về các xã phường cần được thực hiện vì hầu hết vấn đề từ xuất phát từ cơ sở, hòa giải ngay được từ cơ sở thì sẽ giảm đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.
Ngoài ra, TS. Trần Công Phàn đề nghị Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng chú trọng công tác phát triển xây dựng hội luật gia về các xã phường vì hầu hết vấn đề từ xuất phát từ cơ sở, hòa giải ngay được từ cơ sở thì sẽ giảm đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.
Đại hội cũng đã tiến hành bầu BCH khóa mới. Trong đó, Luật gia Đàm Thị Vân tái đắc cử Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng khóa VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Phát biểu sau đó, luật gia Đàm Thị Vân bày tỏ ghi nhận tiếp thu và quán triệt sâu sắc những chỉ đạo của TS. Trần Công Phàn.
Tại Đại hội cũng tiến hành trao bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ qua.