Hiện nay, một số người vi phạm giao thông không muốn bị phạt nhiều tiền nên có ý định đưa hối lộ cho Cảnh sát giao thông (CSGT).
Ý định đưa hối lộ cho CSGT để tránh bị xử phạt là hành vi vi phạm pháp luật, và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, tại Điểm c Khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính”.
Như vậy, người vi phạm giao thông có ý định đưa tiền hối lộ cho CSGT; dù chỉ 150 nghìn đồng hay 200 nghìn đồng cũng bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng; (thông thường nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng). Người vi phạm có thể tra cứu và nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015; quy định về Tội đưa hối lộ như sau:
“1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất…”
Như vậy, trường hợp mức tiền người dân hối lộ cho cảnh sát giao thông; từ 2 triệu đồng trở lên thì cấu thành Tội đưa hối lộ và bị xử phạt; theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Luật sư Phạm Thanh Hữu - Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng: "Người dân khi tham gia giao thông nên chấp hành đúng quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho mình và người khác, cũng như tránh gặp rủi ro pháp lý. Trường hợp mắc lỗi, người vi phạm nên chấp nhận bị xử phạt theo đúng quy định", theo VnExpress.
Tuy nhiên, để cấu thành tội phạm của tội Đưa hối lộ tại Điều luật nêu trên; không đặt ra vấn đề ý chí chủ quan của người vi phạm đưa tiền hoặc tài sản là tự nguyện hay do bị ép buộc.
Có thể thấy rằng; ý chí chủ quan của người vi phạm thường là tự nguyện đưa tiền và tài sản nhằm mục đích để người có chức vụ; quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Cụ thể trong trường hợp vi phạm giao thông là để CSGT bỏ qua, không xử lý hành vi vi phạm hoặc xử phạt nhẹ hơn.