Ngày 27/4, Hội đồng Bảo an đã ra nghị quyết lên án việc Taliban cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho các cơ quan Liên Hợp Quốc ở nước này.
Nghị quyết, được soạn thảo bởi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nhật Bản, gọi lệnh cấm của Taliban là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của Liên Hợp Quốc và cản trở quyền con người và các nguyên tắc nhân đạo.
Nghị quyết với sự bảo trợ của hơn 90 quốc gia cũng kêu gọi giới lãnh đạo Taliban ngừng đàn áp các quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.
Đại sứ UAE tại Liên Hợp Quốc, Lana Nusseibeh, cho biết: "từ khu vực lân cận của Afghanistan, từ thế giới Hồi giáo và từ mọi nơi trên trái đất. Điều này càng khẳng định lại thông điệp rằng thế giới sẽ không im lặng khi phụ nữ ở Afghanistan bị chia cách khỏi xã hội".
Đầu tháng này, Taliban bắt đầu thực thi lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho Liên Hợp Quốc sau khi ngăn chặn hầu hết phụ nữ làm việc cho các nhóm viện trợ nhân đạo vào tháng 12/2022.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hối thúc “tất cả các quốc gia và tổ chức sử dụng ảnh hưởng để thúc đẩy và nhanh chóng đảo ngược những chính sách này” và nhấn mạnh “tình hình kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng" cũng như "tầm quan trọng của việc phái bộ Liên hợp quốc tiếp tục hiện hiện" tại Afghanistan.
Liên Hợp Quốc hiện có khoảng 3.900 nhân viên làm việc tại nước này, trong đó khoảng 400 phụ nữ là người Afghanistan và 200 nhân viên nữ từ các quốc gia khác.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood, phát biểu trước Hội đồng: "Chúng tôi sẽ không ủng hộ việc Taliban đàn áp phụ nữ và trẻ em gái. Những quyết định này là không thể bảo vệ được. Chúng không được thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Các sắc lệnh của Taliban đang gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với Afghanistan".
Kể từ khi lật đổ chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn vào năm 2021, Taliban đã thắt chặt việc kiểm soát phụ nữ, bao gồm cả việc cấm phụ nữ học đại học và đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh.
Taliban nói rằng họ tôn trọng quyền của phụ nữ theo cách giải thích nghiêm ngặt của mình về luật Hồi giáo. Các quan chức Taliban cho biết các quyết định của họ là "vấn đề nội bộ".
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao nước ngoài nhấn mạnh Taliban cần thay đổi chính sách với nữ giới để có cơ hội được công nhận chính thức và giảm bớt sự cô lập kinh tế.
Mộc Miên (T/h)