Sáng 21/7, Trường đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 32 cử nhân khóa đầu tiên và 36 tân thạc sĩ khóa VII. Giữa nhiều người trẻ, có một học viên U70 là ông là Kato Mitsuru (quốc tịch Nhật Bản), tân thạc sĩ Khu vực học định hướng Việt Nam học.
Theo VietnamNet, ông Kato Mitsuru đến Việt Nam lần đầu năm 2004 và sống hai năm liên tục từ 2008 đến 2009. Ấn tượng trước vẻ đẹp thiên nhiên, sự thân thiện của con người, ông đã lựa chọn gắn bó với nơi này trong khi gia đình ông định cư tại nước ngoài.
Vì vậy, sau khi đến tuổi nghỉ hưu ở Nhật Bản, ông quyết định sang Việt Nam và đi làm cho một công ty về sản xuất linh kiện điện tử ở Hải Dương trong vòng 5,5 năm.
Mặc dù bắt đầu học tiếng Việt khi đã ở độ tuổi gần 50, chủ yếu là tự học dưới sự hướng dẫn của gia sư, nhưng ông Kato đã rất nỗ lực để có thể viết, giao tiếp tiếng Việt và ứng tuyển vào chương trình thạc sĩ ngành Khu vực học (theo định hướng Việt Nam học) của Trường ĐH Việt Nhật - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong lớp là học viên lớn tuổi nhất, nói tiếng Việt yếu nhất, thế nhưng ông Kato cho biết không cảm thấy xấu hổ, trái lại rất vui vẻ vì được học cùng những người trẻ sẽ có thêm nhiều năng lượng, động lực cố gắng.
Ông Kato cho hay, ngày hôm nay, được nhận tấm bằng thạc sĩ, ông cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc. Song ông mong muốn sẽ tiếp tục học cao hơn nữa, cụ thể là tiến sĩ về ngành Việt Nam học hoặc ngành Nhật Bản học khi có cơ hội.
Ông Kato nhìn nhận đến thời điểm hiện tại, tiếng Việt của ông vẫn còn kém, mặc dù có tốt hơn so với 2 -3 năm trước.
Ông Kato cho hay, sau khi học tập và nghiên cứu về văn hóa, con người Việt Nam, ông muốn chia sẻ nhiều hơn những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam tới những những người bạn của mình ở Nhật.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), giám đốc chương trình thạc sĩ khu vực học cho biết trên Tuổi trẻ, ông Kato là một học viên khá đặc biệt của chương trình Khu vực học, vì khi vào học tuổi tương đối cao (61 tuổi).
Ông Kato rất nhiệt tình nghiên cứu Việt Nam, chủ đề ông Kato quan tâm cũng khá đặc biệt "nghiên cứu về người Việt đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản".
Theo ông Giang, những điều đặc biệt ấy đã giúp ông Kato biến thành quyết tâm trong học tập.