(ĐSPL) - Học viên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đào tạo gây ra thiệt hại không nhỏ nên công ty đã đệ đơn ra tòa với yêu cầu buộc học viên phải hoàn trả chi phí đào tạo.
Theo tin từ báo Lao động, ngày 13/10, TAND TP Vũng Tàu tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án lao động về việc “Yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo và thiệt hại kinh tế”.
Đại diện nguyên đơn là Công ty cổ phần dịch vụ Hải Mã (TP.Vũng Tàu) kiện ông Nguyễn Hoàng Chương - kỹ sư vận hành robot hằng hải (ROV), đòi bồi thường chi phí đào tạo và thiệt hại kinh tế số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Công ty Hải Mã đã mời Công ty TNHH kiểm toán Vũng Tàu kiểm toán độc lập dựa trên những hóa đơn chứng từ của công ty để tính toán chi phí mà ông Chương phải trả. Công ty Hải Mã cũng yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm ông Chương không được xuất cảnh ra nước ngoài và gửi đến Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Công ty cổ phần dịch vụ Hải Mã (TP.Vũng Tàu) |
Nguồn tin từ báo Tuổi trẻ cho biết, theo hồ sơ vụ án, ngày 1/1/2007, ông Nguyễn Lịnh Nhân Đức, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ Hải Mã, ký “hợp đồng đào tạo” với ông Nguyễn Hoàng Chương.
Theo hợp đồng, Công ty Hải Mã (bên A) sẽ đào tạo, huấn luyện cho ông Chương (bên B) bảo hành, sửa chữa, lắp ráp, vận hành thiết bị khảo sát công trình ngầm điều khiển từ xa (Remotely Opetated Vehicle - ROV) theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Mục đích của hợp đồng này là để “phục vụ cho nhu cầu hoạt động của bên A”.
Và bên A sẽ “tài trợ” cho bên B số tiền 3,2 triệu đồng/tháng trong suốt quá trình đào tạo. Công ty Hải Mã cam kết sau tối thiểu là 5 năm và tối đa là 7 năm, học viên sẽ được công ty cấp chứng chỉ “suppervior” (cấp cao nhất trong các cấp điều khiển ROV).
Ngược lại, sau khi trở thành “suppervior”, bên B phải làm việc cho bên A tối thiểu 5 năm. Trong trường hợp bên B đơn phương nghỉ việc trước thời hạn 5 năm hay vi phạm các quy định và bị bên A chấm dứt hợp đồng, thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo và thiệt hại kinh tế cho bên A.
Ngày 12/7/2013, ông Chương có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động nhưng Công ty Hải Mã không đồng ý, còn ông Chương cương quyết nghỉ việc. Sau 45 ngày có thông báo, ngày 28/8/2013, ông Chương chính thức nghỉ việc. Trình bày tại tòa, ông Chương cho rằng do chính Hải Mã vi phạm hợp đồng đào tạo (chuyển ông sang vị trí khác) nên ông chấm dứt, nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận vì sau hợp đồng 2007, phía bị đơn đã tiếp tục ký hợp đồng 2009 và 2012.
Theo ông Chương, việc ông đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là do phía công ty đã vi phạm hợp đồng lao động được ký kết năm 2007 nên ông không phải bồi thường chi phí đào tạo cho công ty này. Hơn nữa, việc tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho ông xuất cảnh là không có cơ sở, ảnh hưởng tới công việc của ông.
Cũng theo báo Lao động đây là vụ án được TAND TP.Vũng Tàu thu lý ngày 9/10/2013 nhưng cho đến nay mới được đưa ra xét xử. Tòa lý giải việc vụ án kéo dài là vì khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ông Chương đã nhiều lần khiếu kiện vượt cấp nên tòa nhiều lần phải trả lời đơn thư khiếu nại. Đồng thời, do việc kiểm toán phải mất một thời gian dài nên việc xét xử bị chậm trễ.
Tuy nhiên, ngày 31/9/2013, Công ty TNHH kiểm toán Vũng Tàu có văn bản số 303 gửi TAND TP.Vũng Tàu với nội dung không thể đưa ra ý kiến đảm bảo cho các chi phí đào tạo mà Công ty Hải Mã đã liệt kê trong bảng tổng hợp gửi tòa để làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Theo đó, chi phí đào tạo được tính toán từ những hóa đơn thuê chuyên gia nước ngoài dạy học, mua thiết bị, tiền thuê nhà ở cho chuyên gia…
Tuy nhiên, TAND Vũng Tàu vẫn lấy số liệu tổng hợp này để làm căn cứ buộc ông Chương phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Công ty Hải Mã số tiền hơn 913 triệu đồng. Khi nào ông Chương thi hành xong bản án mới dỡ bỏ việc cấm không cho xuất cảnh.
HẠNH VŨ(Tổng hợp)