Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, ngày 15/8, Bộ GD&ĐT cho biết đoàn học sinh Việt Nam đã giành được một huy chương bạc và một huy chương đồng tại kỳ thi Olympic Trí tuệ nhân tạo quốc tế năm 2024.
Cụ thể, trong phần thi Khoa học, Đội Việt Nam 2 đến từ Trường phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) giành huy chương Bạc; Đội Việt Nam 1 đến từ Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) giành huy chương Đồng. Thành tích trên giúp Việt Nam đứng hạng 6 thế giới tại kỳ thi này, sau Nga, Ba Lan, Singapore, Trung Quốc và Hungary.
Ngoài ra, cả 2 đội Việt Nam 1 và Việt Nam 2 cũng xuất sắc giành 2 giải Đồng (Bronze award) ở phần thi Thực hành.
Theo Tạp trí Tri thức, cuộc thi Olympic Trí tuệ nhân tạo quốc tế (IOAI) tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Burgas (Bulgaria), từ ngày 9/8 đến ngày 15/8. Các đội thi đến từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm nay, đội tuyển Việt Nam có 8 học sinh tham dự. Trong đó, 4 em thuộc đội T-AMS1 (Việt Nam 1), gồm Vũ Lê Anh Đức (lớp 11 Lý 1), Ngô Việt Anh (11 Oxford), Nguyễn Đăng Khiêm (11 Cambridge) và Phạm Nam Khánh (10 Tin). Các em cùng là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Bốn thí sinh thuộc đội Blue Dynamic (Việt Nam 2) gồm Phan Việt Hoàng (trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam), Nguyễn Đức Anh Khoa (lớp 12), Nguyễn Tuấn Hùng (lớp 11), Tạ Hầu Việt Long (lớp 10) cùng đến từ khối chuyên Tin, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Olympic Trí tuệ nhân tạo quốc tế là cuộc thi dành cho học sinh trung học, được tổ chức với mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực này.
Nội dung thi gồm hai phần là khoa học và thực hành. Ở phần khoa học, các đội sẽ nhận 3 bài toán trước 6 tuần để thực hiện. Tại cuộc thi, ban tổ chức sẽ cho 3 bài mới, dựa trên những bài đã cho, yêu cầu các đội đưa ra giải pháp dưới dạng mã python.
Ở phần thực hành, thí sinh có 2-4 giờ để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có kiểm tra, phân tích và giải thích hành vi của hệ thống AI, thông qua các phần mềm như ChatGPT và DALL-E.
Theo Bộ GD&ĐT, IOAI lần đầu tiên được tổ chức ở phạm vi toàn cầu giống như các cuộc thi Olympic dành cho các môn truyền thống như Toán (IMO), Vật lý (IPhO), Hóa học (IChO), Tin học (IOI), Sinh học (IBO), điều này cho thấy tầm quan trọng mang tính cơ bản của trí tuệ nhân tạo (AI). Qua đó, AI đã dần tách khỏi phạm vi của Khoa học máy tính để trở thành một ngành riêng, mang tính liên ngành.