+Aa-
    Zalo

    Học sinh tạm nghỉ 1 ngày sau sự cố sập cần cẩu đè chết nam sinh lớp 10

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Sau sự cố sập cần cẩu đè tử vong một nam sinh lớp 10, toàn bộ học sinh trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) được cho nghỉ học để ổn định tinh thần.

    (ĐSPL) – Sau sự cố sập cần cẩu đè tử vong một nam sinh lớp 10, toàn bộ học sinh trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) được cho nghỉ học để ổn định tinh thần.

    Trí thức trẻ đưa tin, sáng 15/11, tất cả các học sinh tạm nghỉ học một ngày để ổn định tâm lý và để cơ quan chức năng điều tra vụ việc.

    Trao đổi với PV, thầy Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) cho hay, sự việc xảy ra đã khiến toàn bộ học sinh trong trường bị chấn động. Tối 14/11, một số em chứng kiến vụ việc đã hoảng loạn, ngất xỉu vì quá đau lòng. Vì vậy, nhà trường quyết định cho các em nghỉ học để ổn định tinh thần.

    Từ ngày 16/11, học sinh sẽ tạm thời không học ở nhà 3 tầng nơi xảy ra sự việc, mà học ở dãy nhà phía trước và sẽ chia thành 2 ca sáng - chiều để khắc phục tình trạng thiếu lớp học.

    Liên quan đến dự án nhà chung cư đang thi công sát trường học, gây ảnh hưởng, được biết, nhà trường đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị Công ty TNHH Trường Thành, là đơn vị thi công cũng là chủ đầu tư dự án, dừng việc thi công.

    Công văn trường THPT Lê Viết Thuật gửi cho công ty Trường Thành. Ảnh: Trí thức trẻ.

    Công văn ngày 2/8 gửi Công ty TNHH Trường Thành của trường THPT Lê Viết Thuật ghi rõ: "Vì công trường xây dựng sát với nhà học 3 tầng thường xuyên có gần 1000 học sinh tham gia học tập và tu dưỡng tại khu vực này, có chỗ các học sinh ngồi học chỉ cách công trường chưa đến 2m nên các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hiện công tác thi công là khó khả thi…".

    Nhà trường khẳng định, khí thải độc hại và các bụi vật liệu đã ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Đồng thời, tiếng ồn máy móc, công cụ xây dựng ảnh hưởng đến việc dạy và học, làm các học sinh không thể tập trung…

    Trước đó, như tin đã đưa, khoảng 17h ngày 14/11 tại trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) đã xảy ra vụ sập cần cẩu cỡ lớn thuộc dự án xây dựng khu nhà chung cư cạnh trường, khiến 1 học sinh tử vong.

    Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Tuổi trẻ.

    Vào thời điểm trên, một số học sinh đang tập trung ở sân trường, chuẩn bị chơi thể thao thì chiếc cần cẩu thi công khu nhà chung cư bên cạnh trường bất ngờ đổ sập xuống.

    Nam sinh tên Trần Văn H. (học sinh lớp 10A7) không kịp chạy thoát nên bị đè tử vong tại chỗ.

    Sau khi sự việc xảy ra, Công an TP Vinh, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với nhà trường, Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An giải quyết.

    Được biết, công trình đang thi công là chung cư và biệt thự liền kề Trường Thành 2, do Công ty TNHH Trường Thành làm chủ đầu tư. Những ngày qua, công trình này lắp hệ thống cần cẩu cao để thi công.

    Điều 48. Giải quyết sự cố công trình xây dựng (Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng)

    1. Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 47 Nghị định này. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố.

    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì giải quyết sự cố công trình xây dựng và thực hiện các công việc sau:

    a) Xem xét, quyết định dừng, tạm dừng thi công hoặc khai thác sử dụng đối với hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo mức độ và phạm vi sự cố;

    b) Xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận. Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn;

    c) Thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố cho chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan; các yêu cầu đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc các bên có liên quan phải thực hiện để khắc phục sự cố;

    d) Xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật;

    đ) Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì giải quyết đối với sự cố công trình xây dựng cấp III.

    3. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng trong quá trình thi công xây dựng hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng trong quá trình khai thác, sử dụng có trách nhiệm khắc phục sự cố theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi khắc phục sự cố, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này quyết định việc tiếp tục thi công hoặc đưa công trình vào sử dụng.

    4. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích dẫn từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    BẢO KHÁNH(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]pUnXk6GUvN[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-sinh-tam-nghi-1-ngay-sau-su-co-sap-can-cau-de-chet-nam-sinh-lop-10-a170229.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.