New York Times đưa tin, hàng triệu học sinh trên khắp Philippines đã quay trở lại trường học vào ngày 22/8 (giờ địa phương) để tham gia các lớp học trực tiếp sau hơn hai năm tạm dừng vì dịch bệnh COVID-19.
Việc này chấm dứt một trong những thời gian ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch kéo dài nhất thế giới trong một hệ thống trường học, bị cản trở bởi tình trạng thiếu đầu tư nghiêm trọng.
Phó Tổng thống Philippines kiêm Bộ trưởng Giáo dục Sara Duterte, cho biết trong chuyến thăm các trường học ở thị trấn Dinalupihan, cách thủ đô Manila khoảng 40 km về phía Tây Bắc: "Chúng tôi không thể trì hoãn việc cho trẻ đến trường nữa".
Ngay cả trước đại dịch, Philippines là một trong những quốc gia có khoảng cách giáo dục lớn nhất thế giới, với hơn 90% học sinh không thể đọc và hiểu các văn bản đơn giản ở độ tuổi 10, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Các trường học ở Philippines từ lâu đã rơi vào tình trạng thiếu phòng học và giáo viên, lương thấp, khiến một số lượng lớn trẻ em nghèo không đủ khả năng học trường tư và phải dựa vào hệ thống công lập với việc giảng dạy không đầy đủ.
Giờ đây, sau hơn hai năm không thể mở các lớp học trực tiếp, các trường học phải đối mặt với thách thức to lớn là số lượng học sinh lớn.
Mặc dù Philippines cung cấp chương trình giảng dạy trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, nhiều học sinh không thể truy cập vào máy tính hoặc kết nối Internet, các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc theo dõi quá trình học tập của con cái.
Bà Oyunsaikhan Dendevnorov, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Philippines, cho biết: "Việc chào đón các em học sinh trở lại lớp học ngày hôm nay cũng là bước đầu tiên trong hành trình phục hồi giáo dục của chúng tôi".
Ở nhiều quốc gia, khi những bất lợi của việc học trực tuyến ngày càng được ghi nhận rõ ràng - đặc biệt là đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn - các chính phủ đã quyết định cho trẻ quay trở lại lớp học ngay cả khi COVID-19 tiếp tục lưu hành rộng rãi.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã kiểm tra 35 nghiên cứu từ 20 quốc gia, đưa ra kết luận rằng các trường học đóng cửa càng lâu thì số học sinh nghỉ học càng nhiều, gây ra những hậu quả sâu rộng. Báo cáo cho biết: “Sự bất bình đẳng trong học tập giữa các nhóm thuận lợi và yếu thế có khả năng gia tăng”, “đặt ra một thách thức đáng kể đối với việc chấm dứt nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung”.
Nhiều trẻ em chỉ đơn giản là bỏ học. Ví dụ như ở Uganda, cứ 10 học sinh thì có một học sinh báo nghỉ khi trở lại lớp vào tháng 1, sau thời gian tạm dừng đến trường, theo UNICEF.
Tại Philippines, các quan chức chính phủ và phụ huynh đã do dự trong việc mở lại các lớp học trực tiếp vì lo ngại rằng học sinh có thể mang virus trở lại.
Từ cuối năm 2021, chính phủ Philippines bắt đầu thử nghiệm tổ chức các lớp học trực tiếp ở khoảng 300 trường học, nhưng hiện đã bắt đầu mở rộng đến tất cả các trường tiểu học và trung học. Hiện tại chỉ có một số trường học trực tiếp cả 4 ngày trong tuần; vào tháng 11, tất cả khoảng 47.000 trường học của cả nước sẽ mở cửa hoàn toàn.
Bích Thảo(Theo New York Times)