Chị Quế Nhàn có 2 con đang học cấp trung học cơ sở tại một trường học tại Hà Tĩnh. Về nhà, các con chia sẻ với cha mẹ lý do con không dám uống nước chỉ vì sợ… nhà vệ sinh.
Tại Trường Tiểu học Sông Trí (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khu vệ sinh đặt phía sau dãy nhà hai tầng. Công trình cao 4 m, rộng 5 m với hai nhà vệ sinh, 9 hố đại tiện và 2 dãy tiểu tiện. Phía trên mái đặt bể nước, có ống dẫn xuống dưới để rửa tay, xả hố tự hoại. Tuy nhiên, bể liên tục thiếu nước. Các bồn rửa tay cũng như tự hoại chỉ đựng rác và lá khô, giấy vệ sinh lúc có lúc không.
Phụ huynh tên Hải chia sẻ nhiều lần nghe con gái kể không dám đi vệ sinh vì trong phòng tiểu tiện và đại tiện thiếu người dọn dẹp. "Tôi rất lo lắng khi việc tế nhị của các cháu không được chăm lo chu đáo", anh nói.
Ban giám hiệu nhà trường lý giải đã có kế hoạch phân công học sinh dọn, thuê người dội rửa hàng ngày, song do số học sinh đông (1.180) nên dọn không kịp. Sau khi phụ huynh kiến nghị, trường Sông Trí đã dọn dẹp, riêng công trình xuống cấp chưa được sửa chữa.
Nằm ở khu vực miền núi của huyện Kỳ Anh, Trường Tiểu học Kỳ Sơn thiếu thốn nhiều thứ. Nhà vệ sinh được xây năm 2007, do một dự án tài trợ. Công trình cao 4 m, rộng 3,2 m, bên trên lợp tôn, xung quanh xây bao, có phòng tách biệt hai dãy cho nam và nữ, một bể nước dội chung.
Học sinh tên Bảo cho hay, đến mùa mưa bão, nhà vệ sinh thường bị gió tốc mái, em và các bạn sợ, không dám đi. Ngày thường, việc "giải quyết nỗi buồn" cũng hạn chế, bởi tường ẩm, nước ngấm vào, đứng từ xa 3 m đã phải ngửi mùi khai.
"Em hiểu nhịn vệ sinh sẽ không tốt cho sức khỏe, song thú thật khi vào đó em không chịu được mùi hôi. Mong trường nâng cấp công trình sạch sẽ hơn, các bạn có ý thức khi đi vệ sinh, giữ gìn môi trường chung", Bảo nói.
Tại nhiều trường nông thôn như Tiểu học Thạch Thanh (huyện Thạch Hà), Tiểu học Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh), THCS Đại Thành (huyện Cẩm Xuyên)..., công trình vệ sinh được xây từ lâu, đa số từ nguồn tài trợ, huy động xã hội hóa.
Các trường bố trí hai dãy nhà vệ sinh dành riêng cho giáo viên và học sinh. Công trình cao hơn 3 m, rộng 3-5 m, cửa phòng làm bằng sắt, bên ngoài tường ẩm mốc, cũ kỹ. Phía trong nhà tự hoại ốp gạch, giấy vệ sinh được bố trí mỗi phòng một cuộn, bể nước xây bên ngoài phòng tiểu tiện để dùng chung.
Nhà vệ sinh ở trường học tại Đà Lạt. Ảnh: Báo Lâm Đồng |
Việc dọn dẹp do bảo vệ kiêm nhiệm, một số đơn vị hợp đồng thời vụ với lao động địa phương, kinh phí khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Giáo viên và Ban giám hiệu sẽ giám sát vào giữa giờ ra chơi hoặc khi kết thúc buổi học, có thiếu sót sẽ góp ý lại với người phục vụ.
Không chỉ ở Hà Tĩnh, ở Đà Lạt, Lâm Đồng, nằm ngay trung tâm thành phố, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, mỗi khi học sinh trường tiểu học Mê Linh muốn đi tiểu tiện thì điều đầu tiên vừa bước chân vào khu vực nhà vệ sinh là phải rụt chân, bịt mũi vì không dám bước vào bởi mùi hôi bốc ra từ khu vực nhà vệ sinh, kèm theo đó là sự nhếch nhác dơ bẩn.
Phát biểu của học sinh Trường tiểu học Mê Linh : em không dám vào nhà vệ sinh vì hôi và dơ, có khi em phải nín để về nhà đi luôn…
Với 4 nhà vệ sinh phục vụ cho trên 1.300 học sinh ở 29 lớp của 3 tầng lầu mà chỉ có 2 lao công thực hiện tất cả các phần việc thì không thể nào dọn dẹp sạch sẽ khu vực nhà vệ sinh, thêm vào đó là công trình trường học tại đây đã qua nhiều năm sử dụng, hệ thống thoát nước và hầm thải quá tải, xuống cấp do đó nhà vệ sinh dơ, thậm chí phân thải không thoát được là điều dễ gặp mỗi khi bước vào. Ban giám hiệu nhà trường biết điều này và để hạn chế sự ô nhiễm, trường đã có biện pháp khắc phục tạm thời như để học sinh cùng tự dọn, dội nước và nếu bắt gặp sai phạm sẽ bị trừ điểm.
Qua thống kê của Phòng giáo dục – đào tạo Đà Lạt thì hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng số 66 trường từ bậc mầm non đến THCS trong đó số nhà vệ sinh ở 34 trường mầm non đã tạm ổn, còn lại khoảng 40% nhà vệ sinh ở bậc tiểu học và THCS thì đa phần khu vực nhà vệ sinh không đạt yêu cầu, chính điều này gây tâm lý bất an cho học sinh cũng như phụ huynh khi nhắc đến nhà vệ sinh trường học .
Tiêu chuẩn nhà vệ sinh trường trung học ngoài các quy định chung cho tất cả các nhà vệ sinh trường học thì còn có những quy định riêng dành cho nhà vệ sinh cấp trung học như: Khu vệ sinh cần được bố trí hợp lý theo từng khối chức năng và đáp ứng yêu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh, đảm bảo vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường. Chú ý: Đối với khu vực không có nguồn cấp nước tập trung cho phép bố trí nhà vệ sinh bên ngoài khối phòng học; Khu vệ sinh có diện tích tối thiểu 0,06m2/ học sinh với số lượng thiết bị yêu cầu bao gồm: 1 tiểu nam, 1 chậu xí, 1 chỗ rửa tay cho 30 học sinh. Đối với học sinh nữ tối đa 20 học sinh/chậu xí.
Còn về xây dựng và thiết kế nhà vệ sinh trong các trường tiểu học ở nước ta cụ thể như sau: Khu vệ sinh trong trường tiểu học được bố trí khoa học theo các khối chức năng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của cán bộ giáo viên, học sinh, cán bộ trong trường; sạch sẽ và không ô nhiễm môi trường; Nếu những khu vực không có nguồn nước tập trung thì phải thiết kế khu vệ sinh cho học sinh, cán bộ giáo viên ở ngoài khu vực phòng học. Khu vực vệ sinh của các em học sinh cần có phòng đệm, thiết kế theo tiêu chuẩn với diện tích tối thiểu là 0,06m2/học sinh. Đối với phòng vệ sinh nam: Đảm bảo số lượng thiết bị trong phòng vệ sinh phải đáp ứng đủ cho khoảng 20-30 học sinh bao gồm: 1 bồn rửa tay, 1 bệ xí và 1 tiểu nam. Đối với phòng vệ sinh nữ: Đảm bảo số lượng thiết bị trong phòng vệ sinh phải đáp ứng đủ cho khoảng 20 học sinh nữ, bao gồm 1 chậu xí cho mỗi phòng.
Còn đối với cấp mầm non, nhà vệ sinh phải đáp ứng được các tiêu chí như xây dựng khép kín với phòng sinh hoạt và phòng ngủ hoặc liền kề với nhóm lớp, thuận tiện cho sử dụng và dễ quan sát. Tiêu chuẩn diện tích từ 0,40m2 /trẻ đến 0,60m2 /trẻ nhưng không nhỏ hơn 12m2/phòng. Có vách ngăn cao 1,20m giữa chỗ đi tiểu và bồn cầu. Kích thước mỗi ô đặt bệ xí 0,8m x 0,7m. Bố trí từ 2-3 tiểu treo dùng cho trẻ em nam và từ 2 xí bệt đến 3 xí bệt dùng cho trẻ em nữ. Không chỉ phải đạt được những tiêu chuẩn trên mà các trường mầm non phải thiết kế không gian nhà vệ sinh trường mầm non phải thân thiện phù hợp với trẻ. Vấn đề về trực quan đối với trẻ mầm non là một điều rất quan trọng vì vậy thiết kế không gian nhà vệ sinh phải bắt mắt ngộ nghĩnh là một phần góp phần giúp trẻ phát triển tốt...
Kiến Hoàng (T/h)