Mới đây, câu chuyện ngược đời diễn ra tại một trường tiểu học khiến cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ. Chuyện là, cô bé Cẩm Nhi, học sinh lớp 5 của trường tiểu học thuộc đại học Chiết Giang, Trung Quốc về nhà hào hứng khoe với mẹ: "Mẹ nhìn này, hôm nay con đã đặt câu hỏi cho cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo cũng đã viết câu trả lời cho con dài như thế này. Con thật xứng đáng là một giáo viên tiếng Trung!".
Chị Thang không dám tin con gái lại "dám" giao bài tập cho cô giáo. Cầm tờ giấy của cô bé trên tay, người mẹ dễ dàng nhận ra nét chữ của con.
Trong đó, Cẩm Nhi viết: "Thưa cô Trần, con muốn hỏi cô một câu hỏi, cô hãy dùng phương pháp đọc hiểu tiếng Trung để trả lời. 'Trong thế giới này không có màu sắc nào xấu xí, chỉ có sự kết hợp màu khó coi'. Cô hãy giải thích câu này".
Điều khiến người mẹ bất ngờ hơn cả là cô giáo chủ nhiệm đã không ngại hoàn thành "bài tập về nhà" này một cách đầy đủ chi tiết.
Cô Trần trả lời: "Cô không biết mình có hiểu đúng hay không, mong em có thể nói cho cô nghe. Thứ nhất, màu sắc nào cũng đẹp nhưng nếu không được kết hợp đúng thì nó sẽ không thể có được hiệu ứng hoàn hảo. Thứ hai, cũng như con người, bạn học nào cũng xuất sắc và có điểm đặc biệt riêng, câu hỏi được đặt ra là ai mới là người có thể nhìn thấy ưu điểm của bạn ấy. Thứ ba, nếu cô hiểu đúng ý em, cô hy vọng sau này có thể kết hợp với em cũng như các bạn trong lớp để phối màu thật tốt, tạo ra được màu sắc hoàn hảo nhất".
Trao đổi cùng giáo viên, người mẹ biết được thì ra trước đó, Cẩm Nhi được xếp chỗ ngồi gần một bạn học trầm tính và ít nói. Hai đứa trẻ cũng vì vậy hiếm khi trò chuyện hay vui đùa cùng nhau. Vì không tìm được cách giao tiếp cùng bạn học, cô bé đã nảy ra ý tưởng liên hệ với các màu sắc và đã đưa câu hỏi cho cô Trần dựa trên đó.
Sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã thu hút đông đảo sự chú ý của dân tình, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Đa số đều cho rằng Cẩm Nhi là cô bé thông minh sắc sảo và có phần "bà cụ non". Bên cạnh đó, nhiều người không quên khen ngợi sự tâm lý lòng nhân hậu của giáo viên chủ nhiệm.
Linh Chi(T/h)