Hoang mang, lo sợ và sốt sắng là tâm lý chung của học sinh lớp 9 và lớp 12 khi chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng. Chỉ còn 3 tháng ngắn ngủi ôn luyện nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc học của các em bị ảnh hưởng.
Gia sư nghỉ dạy đồng loạt
Sau Tết, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện thêm ca mắc COVID-19 mới nên UBND thành phố quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học, thực hiện việc học trực tuyến tại nhà để tránh dịch bệnh lây lan.
Trái ngược với nỗi lo lắng của thầy cô và cha mẹ thì đa số học sinh đều thích học online. Bởi các em không phải tới trường, được vào học muộn hơn và không bị thầy cô nhắc nhở nhiều. Tuy nhiên, đối với học sinh cuối cấp thì học trực tuyến gây ra nhiều rắc rối. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến gia sư không thể tới nhà ôn luyện cho học sinh như ngày thường.
Em Trần Khánh Hà, học sinh trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP. HN) bày tỏ nỗi lo lắng với PV Đời sống & Pháp luật: “Em đặt mục tiêu thi vào trường chuyên Sư phạm Hà Nội nên cảm thấy rất căng thẳng. Từ đầu năm, em đã tới trung tâm học thêm để nâng cao kiến thức. Ngoài ra, em theo học gia sư môn toán, môn hóa và môn tiếng anh”.
Em Trần Khánh Hà có nguyện vọng thi vào trường chuyên nên em lo lắng khi các gia sư nghỉ dạy đồng loạt. |
“Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là bước vào kỳ thi quan trọng nhưng em vẫn chưa nắm vững kiến thức. Các chị gia sư sau khi ăn Tết đều ở quê, không xuống Hà Nội bởi trường đại học được nghỉ. Các chị dạy học cho em qua phần mềm zalo nhưng không thu hiệu quả cao. Gia sư không thể sát sao giảng bài như học trực tiếp. Toán và tiếng anh là hai môn học em lo lắng nhất”, Khánh Hà cho biết.
Còn em Minh Nguyệt (lớp 12, THPT Nguyễn Gia Thiều) đặt mục tiêu thi vào trường đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là ngôi trường có điểm đầu vào cao nên Minh Nguyệt cảm thấy căng thẳng, áp lực.
Em Minh Nguyệt chia sẻ: “Em học thêm ở trung tâm tiếng anh 2 buổi/tuần. Bố mẹ cũng nhờ gia sư kèm thêm một buổi toán và một buổi văn tại nhà. Từ đầu năm, lịch học được sắp xếp cố định, không có sự xáo trộn. Nhưng trước Tết ít ngày, dịch COVID-19 bùng phát khiến em phải nghỉ học. Ngày 2/3, học sinh đi học trở lại nhưng sinh viên một số trường vẫn tiếp tục nghỉ học đảm bảo giãn cách xã hội. Điều này khiến em chưa thể quay lại học gia sư”.
Dịch Covid-19 khiến lịch học thêm của Minh Nguyệt bị xáo trộn nhiều. |
Khi cha mẹ áp lực hơn con cái
Không chỉ học sinh lo lắng mà các bậc cha mẹ cũng “đứng ngồi không yên”. Ngay từ đầu năm học lớp 9 của con gái, chị Diệu Thúy (mẹ Khánh Hà) đã sốt sắng tìm các trung tâm học thêm tốt nhất. Chị Diệu Thúy tham khảo đồng nghiệp, bạn bè có con cùng trang lứa để mời giáo viên, gia sư giỏi kèm cho con.
Môn chuyên mà Khánh Hà lựa chọn là ngữ văn nên ngay từ đầu năm, em đã được mẹ cho đi học ở trung tâm luyện thi. Hết học kỳ 1, chị Diệu Thúy tìm gia sư để giúp con củng cố kiến thức. Còn các môn khác, vợ chồng chị Thúy cũng chật vật mới tìm được gia sư phù hợp.
Anh Trần Long (bố Khánh Hà) chia sẻ: “Con thi mà hai vợ chồng còn sốt sắng hơn cả con. Vợ chồng tôi phải chạy xuôi chạy ngược tìm hiểu chất lượng trung tâm; trình độ giáo viên và gia sư; chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục thi. Dịch bệnh khiến các gia sư không thể tới nhà dạy, tôi trở thành thầy giáo bất đắc dĩ. Sau bữa cơm tối, tôi lại cùng “học” với con. Tốt nghiệp đã hơn 20 năm cùng với việc chương trình học đổi mới nên tôi không giúp con được nhiều. Tôi chỉ có thể kiểm tra tiến độ hoàn thành bài và đưa ra phương pháp học hiệu quả”.
Mỗi tối, anh Trần Long trở thành gia sư, cùng con gái ôn tập bài. |
Còn chị Lê Bình, mẹ của em Ngô Tú Linh (học sinh lớp 9, trường THCS Đức Giang, Long Biên, TP. HN) chia sẻ: “Kỳ thi năm nay có điểm khác so với năm trước là học sinh chính thức quay trở lại thi 4 môn và lịch thi được đẩy lên sớm. Con gái tôi có nguyện vọng thi vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Tuy không phải là trường chuyên nhưng đây là ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt nên điểm đầu vào các năm trước rất cao. Tôi luôn dạy con cách sắp xếp thời gian biểu khoa học, nhắc con tự giác học nên khi gia sư nghỉ dạy đồng loạt, Tú Linh không quá lo lắng”.
Phương pháp học tập của em Ngô Tú Linh là chủ động sắp xếp thời gian ôn luyện, không quá phụ thuộc vào giáo viên và gia sư. |
“Trong thời gian chạy nước rút, tôi cũng gác lại mọi công việc để chuyên tâm đồng hành cùng con. Mỗi tối, tôi giúp con ôn luyện bài vở và giải các dạng đề hay. Mọi việc nhà đều phải nhờ ông xã và bà nội giúp”, chị Lê Bình cho biết.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc giảng dạy, học tập của các trường bị ảnh hưởng gián đoạn. Ngày 2/3, học sinh tại Hà Nội chính thức quay lại trường. Tuy nhiên, học sinh cuối cấp chưa thể quay lại việc học gia sư do sinh viên vẫn tiếp tục được nghỉ học.