+Aa-
    Zalo

    Học cách ‘sinh tồn’ ở hòn đảo ‘ba không’ cách trung tâm Hà Nội hơn 50km

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cách Hà Nội khoảng hơn 50km, hòn đảo này không điện, không sóng điện thoại và không người dân sinh sống hấp dẫn các bạn trẻ ưa trải nghiệm, mạo hiểm.

    (ĐSPL) - Cách Hà Nội khoảng hơn 50km, hòn đảo này khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí khó hiểu vì không điện, không sóng điện thoại và không người dân sinh sống. Những điểm bất lợi ấy hóa ra thành “thuận lợi” hấp dẫn các bạn trẻ ưa trải nghiệm, mạo hiểm và muốn “bỏ phố về rừng” để có trọn vẹn những ngày sống thoải mái, tự do.

    Điện thoại “xịn”... thành đèn pin

    Hai ngày cuối tuần, nếu “chán phố thèm rừng”, chúng tôi lại xách ba lô lên để đi. Lựa chọn lần này của nhóm là đến một hòn đảo hoang sơ – nơi không điện, không người dân sinh sống và đặc biệt không sóng điện thoại với mong muốn tạm quên đi phố xá ồn ào, thành thị đông đúc để lắng lòng tìm về cảnh vật thiên nhiên núi rừng, tìm đến không gian yên tĩnh, tự do tự tại.

    Cuộc đua kỳ thú, cả đoàn tiếp tục men theo suối, băng rừng để tìm đến khu thác nước.

    Hòn đảo (gọi cho oai chứ thực ra nó là một cái bãi ở trong khu hồ - PV) này thuộc khu thác Tiên Ba Hồ, thuộc địa phận xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài bằng hồ Xạ Hương, người dân nơi đây gọi đây là đảo hoang vì không có người ở. Không khó khăn mấy để tìm đường đến hòn đảo này. Từ Hà Nội đi quốc lộ 2 hướng thành phố Vĩnh Yên, sau đó, bạn rẽ phải vào khu công nghiệp Bình Xuyên rồi theo hướng đi mỏ đá Minh Quang. Đến khu vực đó, bạn chạy xe dọc đường 302B để đến khu thác Tiên Ba Hồ. Để đến hòn đảo này, bạn có thể lựa chọn một trong hai cách: Gửi xe máy ở trạm điện rồi thuê thuyền xuôi hồ đến đảo hoặc “cưỡi” xe máy hay đi bộ men theo rừng, lội suối... Theo tìm hiểu của PV, nhằm tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn, cả đoàn chọn phương án đi thuyền. Còn, bạn ưa mạo hiểm thì, chinh phục 6 con suối; thích cảm giác xuyên rừng trên chiếc mô tô, bạn có thể chọn đường bộ.

    Vì không có nhiều thời gian, thành viên trong đoàn đa phần là nữ nên chúng tôi chọn cách số 1. Cảm giác ngồi thuyền máy, xung quanh là màu xanh ngắt một màu của trời, của rừng núi, của màu nước thật sảng khoái, nhẹ nhàng. Chúng tôi mất khoảng gần 30 phút để cập bến được hòn đảo. Tiếp tục cuộc hành trình “băng rừng tìm thác” bởi chân thác chính là cái đích đến cuối cùng – là nơi hạ trại, ngắm thác và thả mình vào “bể bơi” tự nhiên.

    Vượt qua rừng trúc, đi men theo suối, lấp ló trong rừng cây trinh nữ, chúng tôi tìm thấy khoảng đất trống rộng thênh thang – nơi có thể tổ chức hoạt động “team build- ing” hay “101” bức ảnh để đời cùng nhau. Để đến được chân thác, bạn phải vất vả đi sâu vào rừng, băng qua dòng suối cạn, cảm giác như tham gia vào cuộc đua kỳ thú với cảm giác thích thú, mới lạ, đầy hoang dã.

    Sau cuộc đua, cái đích đến quả thực không làm chúng tôi thất vọng. Đặt chân đến thác nước, còn gì bằng khi lập tức được nhảy xuống hồ nước trong vắt. Vừa đắm mình trong dòng suối mát trong, tha hồ bơi lội thỏa thích, vừa ngắm rừng núi, lắng nghe chim kêu vượn hót... cứ như lạc vào “hoa quả sơn” của Tôn Hành Giả. “Mình có cảm giác được thả mình vào thiên nhiên, tạm quên đi nỗi lo cuộc sống, ồn ào của thành phố náo nhiệt. Ngâm mình trong dòng nước mát lành (mùa hè) và ấm (mùa đông) dường như, mọi mệt mỏi, lo lắng bỗng biến mất, thay vào đó là sự sảng khoái đến tuyệt vời. Chúng mình đã có khoảng thời gian vui vẻ, thú vị khi trải nghiệm sống trên đảo hoang”, Hữu Cường (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ.

    Còn Quách Nam (Đan Phượng, Hà Nội) lại ấn tượng với việc một ngày không sử dụng điện thoại, không lướt web, facebook hay chat chít với bạn bè. Là người mê công nghệ, sử dụng mạng xã hội với tần suất lớn, ban đầu cậu bạn cảm thấy bứt rứt. Nhưng sau đó, chiếc điện thoại “smart phone” cậu dùng hàng ngày đến buổi tối chỉ có nhiệm vụ chiếu sáng thay đèn pin. “Vì không có điện nên mình tận dụng đèn pin, điện thoại để làm vật chiếu sáng. Mọi hoạt động từ đi lại, kiếm củi, chuẩn bị đồ ăn... đều phải từ ánh sáng nhỏ của đèn pin. Lúc ấy, điện thoại xịn đến mấy cũng giống cục gạch thôi. Ban đầu, mình hơi tù túng vì hàng ngày lúc nào cũng kè kè điện thoại. Nhưng khi tham gia buổi trải nghiệm này, mình cảm thấy rất thú vị, mới lạ”, Nam kể lại.

    Sống hoang dã như... “người rừng”

    Chúng tôi vừa soi đèn pin, vừa nướng gà, sườn, thịt... Thế là, bụng ai cũng cồn cào. Song, cảm giác chung của mọi người là háo hức được thưởng thức tiệc nướng BBQ ngoài trời và cùng tận hưởng đêm lửa trại đáng nhớ.

    “Tôi nhớ nhất khi màn đêm buông xuống, trong ánh lửa bập bùng, chúng tôi cùng nắm tay nhau hát vang những bài rock quen thuộc của Bức Tường, Ngũ Cung; rồi quẩy tung trời với những bài hát EDM sôi động, sau đó lại lắng đọng lòng mình trong những phút giây ngồi tâm sự bên nhau dưới ánh trăng. Ở trên đảo, chúng tôi nhận ra trăng to, sáng và gần người hơn ở thành phố. Có lẽ, khoảnh khắc ấy, lòng chúng tôi đã tĩnh lặng để đủ nghe âm thanh của núi rừng, cảm nhận hơi ẩm, đen đặc quánh của màn đêm. Lúc ấy, chẳng ai cắm mặt vào điện thoại hay thấy ánh sáng lóe của màn hình để lướt facebook, đọc tin tức, chẳng cuộc gọi, nhắn tin với bạn bè... Lúc ấy, điện thoại “xịn” chỉ đơn giản là “cục gạch”, là vật vô dụng khi pin chẳng còn, không có sóng 3G, thậm chí là sóng điện thoại. Và, khi đó, chỉ “ta với ta”, tìm lại chính mình, tìm thấy khoảng riêng tư cho bản thân để ngồi bên bạn bè”, Nhung Nguyễn (Cầu Giấy, Hà Nội) hồi tưởng.

    Đốt lửa trại giữa đảo hoang, nhấm nháp bữa tiệc nướng ngoài trời và ngồi bên nhau hát cả thay vào việc cắm đầu vào điện thọại lướt mạång xãä hội... là những điều thú vị nhất của chuyến đi.

    Sống trên đảo hoang 1 – 2 ngày, bạn thấy sao? Không người dân sinh sống, không nước sạch, không điện, sóng điện thoại sẽ gây không ít khó khăn cho chúng tôi. Các thành viên trong đoàn phải học cách “sinh tồn”: Dựng lều, kiếm củi, nhóm lửa, nướng thịt, dự trữ đồ ăn, nước uống... Chính vì thế, mọi công việc, hoạt động trên đảo đều được phân công và quy định rõ ràng để đảm bảo an toàn cho cả đoàn”, Nhung Nguyễn nói.

    Khá quen trong những chuyến đi phượt vùng cao nhưng đối với Hữu Cường việc sống trên đảo hoang thế này vừa thú vị lại vừa khó khăn. “Do trời tối nhanh, mình gặp chút khó khăn khi dựng lều. Cả nhóm loay hoay một lúc mới xong. Chưa kể việc nhóm bếp củi trục trặc vì không có củi to, khô, không nhiều than để nướng thịt. Cả nhóm bụng đói cồn cào, đành phải vừa gặm tạm bánh mì, vừa nướng thịt. Ở đây, bạn phải học cách sinh tồn, cách tiết kiệm nước uống, nếu sơ sẩy, bạn sẽ chết khát”, Cường chia sẻ.

    Với cô gái Phương Thảo thì việc đầu tiên, rất quan trọng là trước khi đi, bạn cần thông báo với người thân, bạn bè về việc “picnic” đến hòn đảo hoang dã, không hề có sóng. Bên cạnh đó, vì là đảo hoang, xung quanh là rừng nên cần chuẩn bị thuốc men trừ trường hợp bị rắn, côn trùng cắn hay sẩy chân ngã... “Cần mang đầy đủ dụng cụ có thể giúp bạn sinh tồn trong giới hạn có thể để thích nghi tốt nhất việc sinh sống 2 ngày ở đảo hoang. Qua chuyến đi này, mình cần phải nạp thêm các kỹ năng xử lý tình huống sinh tồn trong cuộc sống. Điều quan trọng của chuyến đi là sự an toàn cho bản thân”, Phương Thảo nhắn nhủ.

    Cần gì để “sinh tồn”?

    Bạn chuẩn bị kỹ lưỡng các đồ dùng cần thiết như lều ngủ, thuốc men, quần áo, đồ dùng vệ sinh cá nhân, đồ sửa xe, đèn pin, đồ ăn, đặc biệt là nước uống. Ngoài ra, các thành viên không tự ý tách đoàn, rời khỏi đoàn vì có thể bạn sẽ bị lạc trong rừng, không sóng điện thoại để liên lạc. Khi trời tối, các thành viên nên quây quần, nếu đi phải có hai người trở lên để “giám sát” sự an toàn lẫn nhau. Một điều quan trọng là phải thông báo với người thân, bạn bè về chuyến đi và địa hình nơi đấy. Trong trường hợp, bạn gặp tai nạn hay tình huống xấu kẹt trên đảo sẽ có người đến hỗ trợ, giúp đỡ.

    Nguyễn Huệ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-cach-sinh-ton-o-hon-dao-ba-khong-cach-trung-tam-ha-noi-hon-50km-a176164.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan