Cùng các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN; gặp gỡ song phương với lãnh đạo các nước nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 27; trả lời chất vấn tại Quốc hội… là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Chính phủ trong tuần qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Ngày 22/11, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 ở Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Đây được coi là dấu mốc lịch sử của ASEAN, khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN; phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội.
Các nhà lãnh đạo cam kết với người dân về quyết tâm hiện thực hóa một ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm; một ASEAN của “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.
* Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự các Hội nghị Cấp cao: ASEAN-Trung Quốc lần thứ 18; ASEAN-Ấn Độ lần thứ 13; ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 3 và Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 18...
Tại các hội nghị trên, các nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ đánh giá về những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; đánh giá cao và đề nghị các nước đối tác tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và đóng vai trò trung tâm ở khu vực.
Về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thành công hợp tác trên mọi lĩnh vực, cũng là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế.
Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy; gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực; nhấn mạnh các bên cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; đề nghị các bên cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); hoan nghênh các đề xuất và đóng góp xây dựng của các nước nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
* Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Tổng thống Indonesia Joko Widodo… Các cuộc gặp đã đề cập tới nhiều nội dung quan trọng, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác, hướng tới lợi ích lâu dài giữa Việt Nam với các nước nói trên, đồng thời khẳng định sự hội nhập ngày càng sâu rộng và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 18/11/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Từ ngày 16 đến sáng ngày 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, Trưởng ngành trong Chính phủ đã dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội.
Thủ tướng đã phát biểu làm rõ thêm những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm như tình hình kinh tế-xã hội 2015; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của LHQ vì sự phát triển bền vững; về giảm nghèo đa chiều; về vấn đề lao động khi triển khai thực hiện Hiệp định TPP...
Trực tiếp trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng nêu rõ, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp, đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung. Thứ nhất, chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta. Cũng như Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, các cam kết khu vực, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố giữa ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC).
Đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, phải tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, khẳng định việc bảo đảm cuộc sống an toàn và yên bình cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để Chính phủ hành động.
Trả lời chất vấn về những thách thức đối với sản phẩm, lao động của Việt Nam trong quá trình hội nhập tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định không có việc tự do chuyển dịch lao động khi thành lập cộng đồng ASEAN. Chính phủ sẽ luôn sát cánh cùng các DN, tái cơ cấu nền kinh tế, các ngành hàng để đảm bảo bài toán cạnh tranh trong hội nhập; tạm dừng phê duyệt các khu hành chính tập trung quá hoành tráng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn về lĩnh vực bảo đảm VSATTP, khẳng định các quy định luật pháp trong lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ, không có tình trạng chồng chéo trong quản lý ATTP. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện, nhất là phải đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền.
* Dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả các gia đình có nạn nhân tử vong vì TNGT, đồng thời kêu gọi mọi người có trách nhiệm hơn với chính mình và xã hội khi tham gia giao thông, chung tay giảm thiểu TNGT bằng những hành động cụ thể như tuân thủ quy định pháp luật về ATGT…
* Phát biểu tại Đại hội Biển Đông Á lần thứ V năm 2015 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh biển và hải đảo có vị trí quan trọng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng thời gian qua các quốc gia đã khai thác, sử dụng quá mức, thậm chí hủy diệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường biển. Những tác động xấu do hoạt động của con người, nhất là việc xây dựng, cải tạo đảo, đá trên quy mô lớn trái quy luật, trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của đại dương thế giới và của biển Đông Á, ảnh hưởng tới an ninh hàng hải và chủ quyền của mỗi quốc gia, tới cuộc sống của chúng ta.
Với tư cách một quốc gia biển có đường bờ biển dài trên 3.000 km, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên rộng hơn 1 triệu km2, có lịch sử khai thác, sử dụng và quản lý biển từ lâu đời nay, biển luôn chiếm vị trí rất quan trọng trong tâm thức và văn hóa của dân tộc Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam đã sớm tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, tăng cường hợp tác kinh tế biển với các quốc gia, trong đó có các quốc gia biển Đông Á. Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, ngăn chặn xu thế suy thoái, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển.
Chính phủ Việt Nam mong muốn cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ những bài học kinh nghiệm, chung tay xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở các vùng biển Đông Á, đồng thời tăng cường hợp tác toàn diện, sâu rộng về biển, về bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản của biển Đông Á…
Theo báo Điện tử Chính phủ
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]UaV39UWASh[/mecloud]