+Aa-
    Zalo

    Hoạt động nổi bật của lãnh đạo Chính phủ trong tuần

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thủ tướng trình bày bản báo cáo quan trọng trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và 5 năm tiếp theo, các chỉ đạo cụ thể trong lĩnh vực

    Thủ tướng trình bày bản báo cáo quan trọng trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và 5 năm tiếp theo, các chỉ đạo cụ thể trong lĩnh vực thu hút đầu tư, bảo đảm năng lượng, tài nguyên, vệ sinh an toàn thực phẩm,... là các hoạt động nổi bật của lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua.

    Thủ tướng báo cáo tình hình KT-XH tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    * Trong ngày khai mạc Quốc hội, báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

    Đó là sự ổn định vĩ mô, điển hình là tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13\% năm 2011 xuống còn khoảng 2\% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40\% so với năm 2011, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18\%/năm, quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường, chi ngân sách tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3\% GDP, nợ Chính phủ 48,9\%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5\%, trong giới hạn an toàn theo quy định.

    Đó là sự tăng trưởng hợp lý, năm 2015 tăng GDP ước đạt trên 6,5\%, cao nhất trong 5 năm qua vượt kế hoạch đề ra (6,2\%), bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9\%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng.

    Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

    Trên cơ sở phân tích và nhìn nhận một cách thẳng thắn khoa học những kết quả đã đạt được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu 5 bài học quan trọng.

    Đó là phải quán triệt cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Đánh giá đúng tình hình và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến mới của tình hình. Tập trung bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân, đặc biệt trong điều kiện khó khăn. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước, phải chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật kỷ cương, tạo đồng thuận xã hội.

    * Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015 là mục tiêu tổng quát được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi trình bày phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016.

    Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 6,5-7\%/năm, năm 2016 đạt 6,7\%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5\%. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85\%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31\% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8\% GDP, năm 2016 là 4,95\%.

    Về xã hội, đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40\%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65\%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5\%/năm. Đến năm 2020, có 95\% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 90\% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

    * Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo thêm nhiều nội dung về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thủ tướng khẳng định: “Kết thúc đàm phán, chúng ta đã đạt được kết quả theo đúng chủ trương, chỉ đạo nêu trên và phương án đã được Bộ Chính trị phê duyệt”. Bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá; các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp.

    “Việc thực hiện thành công Hiệp định TPP tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

    * Trong tuần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, dự và chỉ đạo Đại hội Thi đua yêu nước, làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh, phòng chống tội phạm trên địa bàn.

    * Chủ trì họp Ban chỉ đạo về phát triển KKT, KCN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ KH&ĐT rà soát thủ tục hành chính, các vấn đề cơ chế để "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách", tìm ra các nút thắt cần tháo gỡ, tổng hợp trả lời kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của chủ đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN, KKT.

    Phó Thủ tướng yêu cầu 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp phải nỗ lực hơn nữa, tập trung thu hút, hỗ trợ đầu tư, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng...

    Rà soát các KCN hoạt động kém hiệu quả (thuộc nhóm IV, nhóm V), các KCN chưa hoặc chậm đầu tư khu xử lý nước thải tập trung để tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết hơn nữa.

    * Dự Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị giai đoạn 2010-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý để Bộ Xây dựng mở rộng đối tượng đào tạo theo Đề án, kéo dài để hoàn thành toàn bộ mục tiêu của Đề án vào năm 2018.

    * Việt Nam tự xác định là quốc gia thiếu nước, nên sẽ luôn coi trọng các ứng xử, hành động đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững; tích cực trong các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định chủ trương nói trên tại hội thảo, triển lãm quốc tế “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” (VACI 2015).

    * Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì họp chỉ đạo xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời nhằm bảo đảm mục tiêu ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, đáp ứng nhu cầu năng lượng đất nước. Tinh thần là giúp các dự án, các chương trình khai thác, sử dụng điện mặt trời được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế...

    * Chính phủ Việt Nam mong muốn các nước Trung Đông, châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, đầu tư tại khu vực nhiều tiềm năng như Trung Đông và châu Phi. Đó là thông điệp được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh với đại diện các doanh nghiệp Trung Đông, châu Phi tại tại hội thảo “Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-châu Phi”.

    * Tại Lễ tổng kết 10 năm thành lập Tổng công ty kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước (SCIC), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, SCIC đã từng bước đổi mới phương thức quản lý vốn Nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn thông qua việc tăng cường vai trò của cổ đông Nhà nước trong quản trị doanh nghiệp, trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá và cơ cấu lại phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

    Theo Phó Thủ tướng, để trở thành một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, SCIC xây dựng chiến lược, tiếp tục công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính; tạo bước chuẩn bị quan trọng để đẩy mạnh hơn chức năng đầu tư kinh doanh vốn của tổng công ty trong thời gian tới.

    * Giải quyết triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là mục tiêu tại hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với mục tiêu này và lưu ý “chúng ta tập trung làm nhưng không phải hết đợt là dừng lại mà cần rút kinh nghiệm, hình dung ra phương thức làm để tiếp tục thực hiện”.

    Phó Thủ tướng cho rằng cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì sự vào cuộc của các đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ ở địa phương hết sức quan trọng, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo đến từng hộ nông dân, người tiêu dùng những hành vi, sản phẩm hay những nguy cơ về ATTP rất cụ thể.

    * Tất cả các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương cần nỗ lực cao nhất, bảo đảm thành công của Năm APEC 2017 trên tất cả các mặt nội dung - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia APEC 2017.

    Phó Thủ tướng nhấn mạnh APEC 2017 là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Trong 2 tháng cuối năm, các bộ, ban, ngành thành viên UBQG cần đẩy nhanh hơn nữa công tác chuẩn bị, hoàn thành các mảng việc trong chương trình công tác năm 2015. Đồng thời, cần vận động các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ và phối hợp với Việt Nam, chuẩn bị cho APEC 2017.

    Theo baochinhphu.vn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoat-dong-noi-bat-cua-lanh-dao-chinh-phu-trong-tuan-a116482.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.