Đó là ý kiến đánh giá của đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trong bài phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII diễn ra tại Hà Nội ngày 13/9/2019. Báo điện tử Người Đưa Tin xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài phát biểu quan trọng này.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kính thưa bà Jeanne Mirer và phu quân, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, thưa các đồng chí đại biểu đại hội, thưa các đồng chí và các bạn.
Hôm nay, tôi và các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Hội Luật gia Việt Nam, thay mặt Ban Bí thư và với tình cảm cá nhân tôi gửi đến các đồng chí đại biểu dự Đại hội và qua các đồng chí đến toàn thể hội viên Hội Luật gia Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Thưa các đồng chí!
Trong đại hội này, chúng ta vừa long trọng tổ chức lễ trao Huân chương Hữu nghị cho bà Mirer, Chủ tịch Hội luật gia Dân chủ Quốc tế vì sự đóng góp cao cả, có hiệu quả của bà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam nói riêng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu tại Đại hội. |
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn của bà đối với đất nước Việt Nam, chúc mừng bà đã được nhận Huân chương Hữu nghị, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Việt Nam trao tặng. Xin chúc mừng bà sức khoẻ, hạnh phúc và thành công hơn nữa trên cương vị cao cả của mình.
Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua gần 65 năm xây dựng và trưởng thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động, từ lúc chỉ có 40 hội viên khi thành lập, đến nay Hội đã có hơn 63.000 hội viên đã và đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hóa, giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân.
Hội hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh. Hệ thống tổ chức Hội phát triển ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 526 quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh và 52 chi hội tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương.
Toàn cảnh Đại hội. |
Trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng; chất lượng, hiệu quả và không ngừng được nâng lên; luôn bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước trong mọi hoạt động và đạt nhiều thành tựu, nổi bật là: Tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta tiếp tục được đẩy mạnh; hình thức và phương pháp tham gia ngày càng phong phú; chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao.
Hàng năm, các cấp Hội đã tham gia soạn thảo, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học để đóng góp ý kiến xây dựng hàng chục dự thảo luật và hàng nghìn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở cả Trung ương và địa phương.
Trong đó, có nhiều đạo luật quan trọng như Bộ Luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tố cáo, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng… Các ý kiến đóng góp của Hội luôn được các Ban soạn thảo đánh giá cao và tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo.
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở là một hoạt động quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được củng cố và có bước phát triển mới; nội dung, phương thức hoạt động đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Đáng chú ý là, hoạt động này của Hội Luật gia Việt Nam chủ yếu trợ giúp miễn phí cho đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế trong xã hội bằng nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương và mở các chuyên mục riêng trên các báo, bản tin pháp luật của Hội.
Các Trung tâm tư vấn pháp luật ở địa phương còn phối hợp với các trại giam, trại tạm giam của các tỉnh, phổ biến, tư vấn pháp luật cho nhiều phạm nhân, người sắp chấp hành xong án phạt tù để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan thực hiện chiến lược cải cách Tư pháp, cải cách hành chính, thực hiện có trách nhiệm cao vào hoạt động của hội đồng tuyển chọn thẩm phán và kiểm sát viên; Hội đồng tư vấn tuyển chọn án lệ…
Những hoạt động đó đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp vững mạnh. Các cấp Hội đã tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần tích cực đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được mở rộng và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Hội đã chủ động đề xuất các sáng kiến, tổ chức nhiều hoạt động ở trong nước và quốc tế, góp phần tích cực thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, củng cố và nâng cao uy tín của Hội trên trường quốc tế.
Các hoạt động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, công tác xây dựng, phát triển tổ chức của các cấp Hội tiếp tục được tăng cường, củng cố và phát triển.
Những thành tích của Hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đã đóng góp vào kết quả hoạt động của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt Ban Bí Thư, tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và thành tích Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua.
Thưa các đồng chí!
Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước ta đang đứng trước nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng đan xen với những khó khăn, thách thức cùng với nhiều vấn đề mới đặt ra cần giải quyết. Đảng và Nhà nước đang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và chuẩn bị cho tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Để góp phần thiết thực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước, Hội Luật gia Việt Nam cần bám sát và nắm vững các quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của Hội. Là tổ chức của những người làm công tác pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cần phải tích cực tham gia góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trách nhiệm, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước bền vững.
Về phương hướng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam trong nhiệm kỳ tới, tôi đề nghị các đồng chí cần quan tâm một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam. Đặc điểm lớn của Hội là hội viên làm công tác pháp luật, từ xây dựng pháp luật đến thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật.
Mỗi hội viên, mỗi tổ chức Hội phải tham gia tích cực vào quá trình xây dựng ý thức pháp luật và văn hoá pháp luật trong xã hội, để đất nước ta thực sự là đất nước tôn trọng pháp luật, pháp luật là tối thượng. Những tổ chức Hội và hội viên, nhất là cơ quan chức năng trực tiếp tham gia công tác bảo vệ pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra phải thực sự “Trung thực, khách quan, liêm chính, chí công, vô tư, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, công lý, quyền con người, quyền công dân, xây dựng uy tín nghề nghiệp, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin pháp luật”. Hội viên phải là những tấm gương liêm chính, làm nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt các chủ truơng, quan điểm của Đảng và Nhà nước, về công tác Hội Luật gia Việt Nam, tổ chức có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện chính sách pháp luật, chủ động tham gia quá trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật, cần phát huy tinh thần đoàn kết chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, phải tiếp tục bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện chính sách pháp luật, chủ động tham gia quá trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Cần phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hướng về cơ sở, xây dựng hệ thống tổ chức Hội vững mạnh; nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của Hội, tránh xu hướng hành chính hóa.
Thứ ba, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp để kịp thời chỉ đạo và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động, thu hút đông đảo hội viên, nhất là hội viên trẻ. Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp giữa Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam với ban cán sự Đảng đoàn các bộ, ban ngành đoàn thể Trung ương ở các tỉnh, thành uỷ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cho các chi hội luật gia ở các bộ, ngành, đoàn thể và Hội Luật gia ở các địa phương hoạt động có hiệu quả.
Thứ tư, Hội cần chủ động tổ chức các hoạt động để phát huy năng lực, kiến thức kinh nghiệm của hội viên trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại, phản biện xã hội và hòa giải cơ sở.
Hội cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho cán bộ, hội viên, sẵn sàng nhận và thực hiện các dịch vụ công Nhà nước sẽ chuyển giao theo tinh thần Kết luận 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng mà Hội có điều kiện thực hiện, nhất là những dịch vụ pháp lý để hỗ trợ những đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, miền núi…
Thứ năm, đề nghị Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhất là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật gia các nước Asean (ALA), Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội Luật gia các nước và các tổ chức quốc tế khác.
Đồng thời, mở rộng quan hệ với các tổ chức và cá nhân Luật gia tiến bộ trên thế giới; Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thông qua đó, giới thiệu quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, hình ảnh đất nước con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước và ý thức tuân chủ pháp luật quốc tế để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, ủng hộ ta trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Thưa các đồng chí,
Trong thời gian tới, với sự cố gắng và quyết tâm cao của toàn thể các cấp hội và hội viên Luật gia trong cả nước, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Hội Luật gia Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công trên con đường phát triển, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Xin chúc các đồng chí và hội viên Hội Luật gia trong cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc đại hội thành công tốt đẹp.
Theo Người Đưa Tin