Từng được đánh giá là dự án công trình có mức đầu tư “khủng” với kỳ vọng lột xác huyện Cần Giờ (TP.HCM). Thế nhưng, sau hơn 10 năm triển khai dự án, đến nay Saigon Sunbay không khác gì một bãi đất hoang tàn.
Vỡ mộng với siêu dự án tỉ đô
Với kỳ vọng đưa nền kinh tế huyện Cần Giờ cất cánh, thực hiện hóa giấc mơ xây dựng “thiên đường” du lịch biển ngay tại TP.HCM, đầu năm 2007, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ khởi công dự án Saigon Sunbay. Đây được xem là một trong những dự án ứng dụng công nghệ thi công lấn biển hiện đại nhất trên thế giới.
Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, đến nay Saigon Sunbay vẫn chỉ là bãi đất rộng mênh mông, hoang tàn |
Theo đó, siêu dự án lấn biển Saigon SunBay tọa lạc tại (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC Corp) làm chủ đầu tư. Với tổng diện tích 600ha, trong đó 400ha là đất xây dựng công trình du lịch và khu dân cư cao cấp; 200ha là bãi biển nội bộ, với tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD.
Theo quy hoạch ban đầu, dự án bao gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm, dịch vụ giải trí và khu biệt thự căn hộ cao cấp phục vụ khoảng 31.000 cư dân và khách du lịch. Thời gian xây dựng hệ thống các công trình lấn biển, hạ tầng kỹ thuật dự kiến trong vòng 5 năm, và các công trình kiến trúc dự kiến đến giữa năm 2016 hoàn tất.
Trước thông tin dự án được đầu tư và triển khai, người dân Cần Giờ nói riêng và người dân TP.HCM nói chung đã hết sức phấn khởi, mơ mộng về một “cú lột xác” ngoạn mục. Bởi với người dân Cần Giờ, Saigon Sunbay sẽ kéo theo kinh tế của khu vực phát triển mạnh mẽ.
Dự án có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nếu hình thành trong tương lai sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch vùng ven TP.HCM lên tầm cao mới. |
Sau lễ khởi công hoành tráng, những tưởng dự án sẽ làm đòn bẩy giúp thay đổi cuộc sống của người dân quanh năm chân lấm tay bùn chỉ biết đến đồng ruộng ở đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân Cần Giờ dần nhận ra đó chỉ là giấc mơ xa vời. Bởi qua hơn 10 năm triển khai xây dựng, đến nay dự án lại rơi vào tình trạng “chết yểu”. Hiện trạng tại dự án lại trái ngược hoàn toàn với viễn cảnh trước đó mà CTC Corp đã vẽ lên…
Người dân tỏ ra bức xúc với việc dự án bỏ hoang nhiều năm không thi công khiến họ không có công ăn việc làm. |
Nhằm tìm cách gỡ nút thắt cho Saigon Sunbay, cuối năm 2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đề xuất, tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho toàn Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với tổng diện tích 1.080 ha (bao gồm khu 600ha cũ cộng với 480ha mới) và được TP thông qua.
Tháng 11/2016, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì thẩm tra đề nghị của UBND TP.HCM về việc chấp thuận chủ trương và phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, có quy mô nghiên cứu trên phạm vi 2.870ha (bao gồm Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ).
Đến tháng 4/2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND.TP HCM tiếp thu ý kiến của các Bộ và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu lập, thẩm định và phê duyệt bảo đảm các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường… cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030, trình duyệt theo đúng quy định hiện hành.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dự án hồi sinh.
Theo ghi nhận của PV báo Đời Sống & Pháp Luật, dù được giới thiệu tưng bừng là dự án “khủng” nhất Cần Giờ, nhưng qua hơn 10 năm triển khai xây dựng, Saigon Sunbay vẫn chỉ là một bãi đất trống, rộng mênh mông. Phía bên ngoài dự án được che chắn bởi 1 bức tường kéo dài, loang lổ theo thời gian. Bảng chi tiết công trình cũng rệu rã, rách nát, phần lớn chỉ còn lại các thanh sắt nằm chỏng chơ và những dòng chữ bạc màu do mưa nắng.
Ngoài chốt chặn ngay cổng chính, phần bên phải của dự án luôn có người gác để cảnh báo và không cho khách vãng lai đang chơi ở bãi biển vào khu vực thuộc Saigon Sunbay. Khi có người đến gần, bảo vệ sẽ tuýt còi mời ra. Còn phía giáp biển được bao quanh bởi 1 tuyến kè kiên cố ôm trọn trên diện tích khoảng 100ha. |
Bên trong Saigon Sunbay, ngoài bãi đất trống để rau muống biển, cỏ dại mọc thì chỉ có bức tường chắn là đã hoàn thành. |
Saigon Sunbay liệu có “bay”?
Thực tế, câu chuyện siêu dự án lấn biến Saigon Sunbay “đứng hình” hơn một thập kỷ qua đã biến ước mơ về khu vui chơi biển của người dân TP.HCM thành cơn ác mộng.
Theo các hộ dân sinh sống gần khu vực dự án, đầu năm 2013, đơn vị thi công khi đó là Liên danh Đại Phú Gia- Anjeong đã xây dựng một bức tường dài khoảng 600m để bảo vệ khu vực thi công, ngăn cách giữa các khu hàng quán của các hộ kinh doanh du lịch với bãi biển.
Kéo theo đó là hoạt động du lịch Cần Giờ rơi vào trạng thái ì ạch. Người dân kỳ vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu.
Đỉnh điểm của những mâu thuẫn này là việc nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ ở Bãi biển 30/4 (xã Long Hòa, vùng quy hoạch dự án) đã làm đơn kiện chủ đầu tư, đơn vị thi công ra Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ…
Trước thực trạng trên, UBND TP.HCM cũng đã nhiều lần nhắc nhở chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ dự án, nếu trong 2014 không thực hiện đúng tiến độ giai đoạn 1 đã đề ra thì Thành phố sẽ chuyển đổi nhà đầu tư vì đã chậm tiến độ hơn 5 năm bởi đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM.
Sau thời gian dài “đắp chiếu”, mới đây, khu đô thị lấn biển Saigon Sunbay vừa có thêm thông tin mới khá bất ngờ đó là có sự tham gia của Tập đoàn Vingroup. Theo đó, Tập đoàn Vingroup sẽ tham gia làm đối tác chiến lược thực hiện dự án Khu đô thị biển Cần Giờ (Saigon SunBay).
Trước sự xuất hiện đầy mới mẻ này, nhiều người hy vọng cái bắt tay giữa CTC Crop với “ông trùm” bất động sản Vingroup sẽ giúp siêu dự án này thay đổi vận mệnh.
Được biết, thời gian tới, nhà đầu tư dự kiến sẽ triển khai phần diện tích 821ha trước, còn phần mở rộng 300ha tiếp theo trên diện tích mặt biển sẽ được tiếp tục xem xét sau khi đã thực hiện giai đoạn 1. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng đã chính thức chấp thuận việc giao công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 cho toàn khu đô thị lấn biển Cần Giờ với diện tích 1.080 héc ta (gồm 600 héc ta cũ và 480 héc ta mới theo đề xuất gần đây của chủ đầu tư).
Nhật Nam