Tháng 5, triệu triệu trái tim người dân Việt Nam đều hướng về biển Đông, hướng về Hoàng Sa, hướng về vùng biển từng thấm đẫm xương máu cha ông. Nơi ấy - Hoàng Sa, những con tàu vẫn mải miết rẽ sóng ra khơi. Nơi ấy - Hoàng Sa, cờ Tổ quốc vẫn tung bay ngạo nghễ giữa biển trời lồng lộng, chứng minh chủ quyền bất khả xâm phạm.
Và nơi ấy, Hoàng Sa, những trái tim khát gió vẫn ngày đêm cưỡi sóng, vượt khơi, để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Chảy trong huyết quản của họ, là dòng máu của những hùng binh Hoàng Sa kiêu hùng một thủa…
Những trái tim khát gió
Sau bữa cơm chiều vội vã, đoàn công tác chúng tôi có mặt tại cảng Đà Nẵng để chuẩn bị ra khơi. Trước khi lên tàu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ tư lệnh cảnh sát biển tiến đến bắt tay từng phóng viên và dặn dò tỉ mỉ.
20h ngày 26/5, tàu CSB 2013 hú 3 hồi còi chào đất liền rồi hùng dũng cưỡi sóng, xé nước lao về biển khơi.
Những chấm đỏ bất tận ở Hoàng Sa để minh chứng cho chủ quyền dân tộc. |
Đất liền dần dần lùi xa. Từ trên boong tàu nhìn về phía cảng, vẫn thấy những cánh tay của các chiến sỹ vẫy theo con tàu.
Một lúc sau, đất liền chỉ là những chấm nhỏ li ti. Rồi những chấm nhỏ ấy cũng khuất dần, nhường chỗ cho bốn bề mênh mông nước.
Qua ánh đèn pha, vẫn thấy rõ mồn một từng đợt sóng chồm thẳng vào con tàu.
Đêm tối, giữa mênh mông đại dương, chiếc tàu chẳng khác nào một vì sao nhỏ bé trong bầu trời đen thẫm.
Trần Văn Toản, quê ở huyện Hải Hậu (Nam Định) có lẽ là chiến sỹ trẻ nhất mà tôi gặp trên tàu CSB 2103. 21 tuổi, dáng người nhỏ bé, trắng trẻo, thư sinh, nên nếu gặp ngoài đời, chẳng ai nghĩ Toản là chiến sỹ Cảnh sát biển.
Tranh thủ lúc điện thoại còn sóng, Toản gọi về cho bạn gái, giọng nhỏ nhẹ như dáng người của cậu.
Toản bảo với tôi: “Em mới quen cô ấy. Thích, nhưng chưa dám cầm tay. Nhà cô ấy ở tít Thái Bình, ngay cạnh triền đê bạt ngàn hoa cỏ may ấy. Có lần em về quê, ra ngoài đê chơi với đám thanh niên làng thì gặp bạn ấy. Rồi xin địa chỉ. Rồi quen. Chưa kịp tỏ tình thì em nhận lệnh lên đường công tác".
Dứt chuyện tình cảm, Toản lại quay sang kể về những chuyến lênh đênh trên biển cùng đồng đội, về những lần tiến sâu vào khu vực giàn khoan để làm nhiệm vụ đẩy đuổi tàu Trung Quốc.
Toản mường tượng đến những chuyến vật lộn với biển cả, với những thác sóng cao vút mà ngày ngày đồng đội anh phải đối mặt.
Tôi hỏi Toản cảm thấy thế nào trong những chuyến ra khơi đặc biệt như thế này, Toản triết lý ngắn gọn: “Người dân Việt Nam bao đời nay, có ai hèn nhát đâu anh. Nếu phải hi sinh vì Hoàng Sa, vì chủ quyền dân tộc thì cũng xứng đáng lắm chứ”.
Kế bên, một chiến sỹ ngành 5 - ngành máy, mái tóc hoa râm, khuôn mặt sạm đen cũng lọ mọ gọi điện về cho vợ.
Xong cuộc điện thoại, anh vỗ vào vai tôi: “Sau chuyến công tác này, tớ sẽ xin phép nghỉ mấy ngày, tranh thủ về quê với vợ, xới lại mấy luống rau, chặt tre đan lại cái chuồng gà.
Thích nhất là sáng tinh mơ, 2 vợ chồng lại cùng nhau ra đồng cho đến khi mặt trời đứng bóng mới trở về nhà. Nhà có 4 người, vui hẳn lên. Trong lúc vợ nấu cơm, mình tranh thủ băm rau giúp vợ nuôi lợn”.
Qua khỏi cửa biển, lúc này điện thoại mất sạch sóng. Toản và người lính già lấy túi ni lông gói kĩ điện thoại, cất vào túi.
Kể từ giây phút này, chẳng ai có thể liên lạc về đất liền bằng sóng điện thoại di động nữa.
Quá nửa đêm, tôi mò mẫm bước từng bước lên cabin. Một đợt sóng mạnh. Tôi đoán thế, bởi chiếc tàu bỗng lắc lư rồi chồm lên như con chiến mã bất kham, cả người tôi bị đánh bật sang một bên. Cố giữ lấy thăng bằng, tay ghì sát lên lan can, cuối cùng tôi cũng leo lên được cabin.
Cả 4 chiến sỹ làm nhiệm vụ trên cabin vẫn căng mắt ra phía trước.
Thuyền trưởng Hoàng Tuấn Anh trong lúc dùng bộ đàm chỉ huy các chiến sỹ vẫn quay sang nói với: "Sắp đến chỗ sóng to rồi đấy. Anh em nhà báo chịu khó xuống nằm một tí, cho đỡ say”.
Vừa cố gắng bấu chặt lấy lan can trong buồng chỉ huy, tôi vừa cố gắng nhớ từng lời kể của thuyền trưởng Tuấn Anh về việc tàu 2013 do anh chỉ huy bị tàu Trung Quốc đuổi đâm mấy ngày trước.
Anh kể: "Sau cú đâm vào mạn phải hôm 18/5, tàu bị hư hỏng, hàng lan can dài 8m bị gãy. May là anh em chiến sỹ không bị làm sao".
Nói rồi, anh trấn an tôi, mắt rực sáng: “Tàu bị thương, cũng như cơ thể mình bị thương ấy. Xót lắm. Nhưng, bù lại, tinh thần anh em chiến sỹ không những không bị giảm sút mà lại tăng lên gấp bội.
Nhà báo thấy đấy, về bờ, sửa chữa xong tàu, anh em lại tiếp tục lên đường. Anh em chúng tôi sẽ không bị khuất phục bởi sóng gió, bão biển, kể cả là những cơn bão tố không đến từ biển".
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi một đợt sóng lớn. Một cột sóng cao khoảng hơn chục mét đánh thẳng lên phòng điều khiển tàu rồi trùm kín lên cửa kính nơi buồng lái.
Chiếc tàu tuần tra chao đảo, lắc lư theo từng đợt sóng.
Trong khi thuyền trưởng và các thành viên trên tàu vẫn dán mắt nhìn về phía trước thì tôi bấu tay vào cột lan can thật chặt để không ngã.
Thuyền trưởng nhìn tôi cười hiền: "Biển như thế này với cánh lính biển chúng tôi thì còn hạnh phúc chán. Chúng tôi vẫn thường gọi những đợt sóng như vừa rồi chỉ là "lăn tăn gợn sóng" thôi. Những hôm sóng đánh cấp 5, cấp 6 mới kinh khủng. Mà cứ đi hết hải trình này cậu sẽ biết".
Khuya, không chịu nổi cái "lăn tăn sóng" như lời thuyền trưởng nói, tôi lại bấu chặt vào lan can, mò mẫm đi xuống phía dưới.
Trong khi lục phủ ngũ tạng lắc lư theo con tàu thì tôi vẫn cố gắng nhìn ra phía ngoài qua một lỗ thông gió bé tin hin.
Thi thoảng, chiếc tàu lại bị sóng biển đẩy tung lên trên không trung rồi ném thẳng xuống đại dương đen thẫm.
Đây Hoàng Sa!
Sáng, chúng tôi cố gắng dậy thật sớm để ngắm bình minh trên biển. Gió biển ràn rạt thổi. Từ xa, đã thấy rõ mặt trời đỏ au đội biển chui lên. Vị mặn mà của biển mơn man từng thớ thịt.
Chiếc tàu CSB 2013 sừng sững tiến về phía trước.
Trời sáng thêm tí nữa, tàu chạy qua ngư trường truyền thống mà các ngư dân vẫn ngày đêm mải miết bám biển.
Tàu TQ điện cuồng đuổi, đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam |
Xa xa, đoàn thuyền của ngư dân Việt Nam tựa lưng vào nhau. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngạo nghễ giữa biển trời trong ánh nắng ban mai.
Thấy tàu của lực lượng CSB, một ngư dân lưng trần, rám nắng vẫy tay chào.
Thấy tôi chăm chú theo dõi những đoàn thuyền đánh cá, một chiến sỹ lại gần và bảo: “Anh có biết không, những ngư dân lưng trần rám nắng cùng với những con thuyền ngày tháng lướt sóng để ra với biển khơi chẳng khác nào những chiến binh quả cảm giữa đại dương”.
Tàu tăng tốc. Thuyền trưởng thông báo ngắn gọn: “Tầm 10h, sẽ đến gần khu vực đặt giàn khoan trái phép. Anh em chuẩn bị hành lý để chuyển sang tàu khác”.
Trong khi các đồng nghiệp chạy xuống sàn để dọn đồ đạc tác nghiệp, tôi vẫn mải miết ngắm theo những đoàn tàu đánh cá của ngư dân.
Bao đời nay, những ngư dân vùng biển vẫn lấy biển xanh làm nơi sinh sống. Có chuyến ra khơi, thuyền ngư dân trở về với đầy tôm cá, nhưng cũng có những chuyến trở về đầy nước mắt và bão tố: thuyền chìm, người mất tích chẳng biết trôi dạt phương nào.
Nhưng rồi, những cánh buồm lại tiếp tục ngày đêm đạp sóng ra với biển khơi, cùng đón bão tố mỗi khi cuồng phong dậy sóng, cùng ngắm ánh bình minh mỗi sáng mai thức dậy.
Bất chấp sự hung hăng của tàu TQ, những con tàu làm nhiệm vụ của lực lượng CSB vẫn mải miết ra khơi |
Có lẽ, ngoài mưu sinh thì những người ngư dân mà ngày ngày chúng tôi vẫn gặp còn có một niềm đam mê với biển xanh.
Tàu tiến sát khu vực điểm nóng, những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân lùi ra xa. Mỏi mắt, vẫn thấy một chấm đỏ kiêu hùng giữa bốn bề mênh mông nước.
Chấm đỏ ấy, chính là lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển trời. Chấm đỏ ấy, chẳng khác nào một cột mốc được dựng lên giữa mờ mịt trùng khơi, nơi “trời - nước gặp nhau”.