(ĐSPL) - Uống rượu ngâm với các loại rễ cây tự đào trong rừng, trong đó có rễ hà thủ ô, hai người đàn ông bị ngộ độc nặng. Sau khi cấp cứu, một người đã tử vong do ngộ độc quá nặng còn một người đang trong tình trạng nguy kịch. Khi hai người đàn ông này gặp nạn, người dân địa phương đã tức tốc đổ đi những hũ rượu ngâm vì lo lắng, mình sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Nghi vấn rễ cây hà thủ ô là thủ phạm
Ngày 1/6, bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng chi cục An toàn Thực phẩm thuộc sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xác nhận, cơ quan này đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng liên quan về vụ nghi ngộ độc rượu ngâm rễ cây khiến một người chết, một người nguy kịch. Được biết, sự việc này xảy ra vào ngày 23/5. Nạn nhân tử vong là ông Nông Văn Th. (51 tuổi, ngụ thôn 3, xã Cư Wy, huyện Ea H’Leo). Nạn nhân hiện đang được điều trị tại bệnh viện huyện Ea H’Leo là ông Nông Văn V. (47 tuổi, ngụ thôn 10, xã Cư Amung, huyện Ea H’Leo).
Bà Châu cho biết thêm, triệu chứng ngộ độc của hai nạn nhân này được các bác sỹ ghi nhận là chóng mặt, buồn nôn và co giật sau khi uống một loại rượu ngâm rễ cây tự đào trong rừng, trong đó có rễ cây hà thủ ô. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng ông Th. ngộ độc quá nặng nên đã tử vong, còn ông V. đã được các bác sỹ nỗ lực cấp cứu và giữ lại được mạng sống. Tuy nhiên, sức khỏe hiện nay vẫn rất xấu.
Ông V. lúc được điều trị tại Bệnh viện huyện Ea H’Leo. |
“Làm việc với cơ quan chức năng, người thân của ông V. cho biết, loại rượu ngâm rễ cây này được vợ ông V. rửa và nấu rất kỹ. Vợ ông V. đã sơ chế số rễ cây đào ở rừng, trong đó có rễ cây hà thủ ô. Đây là loại rễ cây mà ông V. xem là những vị “thuốc quý”. Chính tay vợ ông V. đã bỏ số rễ cây này vào rượu để tiến hành ngâm. Trước khi xảy ra vụ việc, ông V. và vợ đã uống 5 – 6 lần loại rượu này nhưng không thấy điều gì bất thường”, bà Châu thông tin.
Cũng theo lời bà Châu, trước mắt, các cơ quan chức năng nghi vấn các nạn nhân ngộ độc là do rượu có ngâm rễ cây hà thủ ô. Tuy nhiên, kết luận cụ thể như thế nào thì phải đợi các kết quả kiểm nghiệm. Hiện, bình rượu ngâm rễ cây tại nhà ông V. đã được cơ quan công an niêm phong. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra vụ việc nêu trên. Bên cạnh đó, sự việc này cũng là lời cảnh báo đến mọi người là không nên uống các loại rượu ngâm động, thực vật mà không biết rõ công dụng. Bởi nếu ngâm không đúng cách thì rất dễ phản tác dụng và hậu quả nghiêm trọng nhất là người uống nó tử vong.
Cũng thông tin với PV, một đại diện Công an huyện Ea H’Leo cho biết, vào ngày 23/5 vừa qua, Công an huyện nhận được báo cáo của Công an xã Cư Wy về việc tại địa bàn xã vừa xảy ra một vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây khiến một người chết, một người nguy kịch. Ngay sau đó, cơ quan công an đã có mặt tại nhà ông V. tiến hành niêm phong bình rượu ngâm rễ cây và lấy thông tin từ những người liên quan. Vị đại diện cho biết thêm, cơ quan công an vẫn đang trong quá trình xác định nguyên nhân cuối cùng. Trong vụ việc này, có một điểm lưu ý là trước khi uống rượu, ông V. có uống một hộp sữa, còn ông Th. thì chưa ăn gì. Có thể nhờ hộp sữa này mà ông V. đã giữ được mạng sống.
Trước thông tin dư luận cho rằng, nguyên nhân khiến ông Th. chết, ông V. nguy kịch do trong rượu ngâm rễ cây hà thủ ô, ông Nguyễn Văn Hải (Công an xã Cư Wy) khẳng định: “Đây mới chỉ là nghi vấn ban đầu. Bởi trong rượu này còn ngâm một số loại rễ cây khác. Rất có thể, sau khi ngâm nhiều ngày, chất độc trong các loại rễ cây mới tiết ra và gây ngộ độc. Điều này lý giải tại sao ông V. và vợ ông V. uống vài lần trước đó nhưng không sao”.
Lo cho sức khỏe bản thân
Để ghi nhận thêm thông tin về vụ ngộ độc này, PV tìm đến bệnh viện huyện Ea H’Leo, nơi ông V. đang được điều trị. Tại đây, các bác sỹ cho biết, ông V. và ông Th. nhập viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, người tím tái, mắt lờ đờ... Qua thông tin gia đình cung cấp, các bác sỹ xác định cả hai ngộ độc sau khi uống rượu ngâm rễ cây. Ngay lập tức, các bác sỹ đã tiến hành thải độc ra khỏi cơ thể cho cả hai và thực hiện hàng loạt biện pháp cấp cứu khác.
Điều đáng tiếc là các nỗ lực cấp cứu đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện chỉ giữ được mạng sống của ông V., còn ông Th. thì tử vong do rượu độc đã thẩm thấu vào lục phủ ngũ tạng. Mặc dù đã giữ được mạng sống nhưng hiện tình trạng sức khỏe của ông V. vẫn đang xấu. Đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận ca cấp cứu ngộ độc rượu ngâm rễ cây nghiêm trọng như vậy.
Mặc dù tình trạng sức khỏe đang diễn biến xấu đi nhưng ông V. vẫn có thể trò chuyện được. Ông V. kể, vào sáng sớm ngày 23/5, do thấy đói bụng nên có lấy một hộp sữa để uống. Sau đó, thấy ông Th. sang chơi, ông V. liền giới thiệu với bạn về hũ rượu ngâm rễ cây mà mình kỳ công đào được ở rừng. Ông V. múc hai ly rượu và mời ông Th. uống cùng.
Nghe ông V. giới thiệu đây là bình rượu giúp “tăng cường sức khỏe”, lại là “rượu quý” nên ông Th. liền nốc cạn ly rượu. Sau đó, ông V. và ông Th. còn bình luận về cách ngâm bình rượu này. Thế nhưng, được khoảng 30 phút thì ông Th. kêu chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật. Lúc này, ông V. vẫn còn tỉnh táo và không có dấu hiệu ngộ độc gì. Ngay sau đó, ông V. lấy xe máy chở ông Th. lên trạm Y tế xã Cư Wy để khám. Ít phút sau ông Th. trở nặng và tử vong, ông V. cũng lên cơn co giật, nôn ói và được đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu.
Ông V. chia sẻ: “Tôi đã từng ngâm loại rượu này và chưa lần nào xảy ra chuyện. Điều khiến tôi không thể hiểu được là tại sao trước đó tôi và vợ cũng uống nhưng lại không sao. Hiện tôi và người thân đang rất lo lắng vì không biết diễn biến sức khỏe của tôi có xấu đi nhiều không”.
Cũng theo lời ông V., người dân địa phương thường xuyên đi rừng, đào lấy các rễ cây thuốc về chữa bệnh và ngâm thuốc. “Từ trước đến nay chưa xảy ra vụ ngộ độc nào cả. Sau khi tôi và ông Th. lâm nạn, nhiều người đã đổ bỏ hũ rượu mà họ đã ngâm”, ông V. chia sẻ thêm.
Liên quan đến nghi vấn vụ ngộ độc ở Đắk Lắk là do hà thủ ô, trao đổi với PV, lương y Nguyễn Thế Bảo (hội Đông y Việt Nam) nhận định: Tại Việt Nam có hai loại hà thủ ô gồm đỏ và trắng. Loại hay được dùng nhất để làm thuốc là hà thủ ô đỏ. Theo Đông y, ngoài công dụng làm đen tóc, hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét. Theo Tây y, hà thủ ô đỏ có thể chữa suy nhược thần kinh và các bệnh về thần kinh, bổ tim, giúp sinh huyết dịch, kích thích co bóp ruột, kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng, có tác dụng kiểu oestrogen và progesteron nhẹ. Thực tế là hà thủ ô rất tốt trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu như việc ngâm rễ, thân của hà thủ ô không đúng cách cũng sẽ gây ra những tác dụng ngược. Trong vụ việc ở Đắk Lắk, nạn nhân ngoài ngâm rễ cây hà thủ ô còn có nhiều loại rễ cây thuốc khác. Tôi nghi vấn rất có thể các loại thuốc này xung khắc nhau và tiết ra độc tố. |
VĂN CƯỜNG
[mecloud]neSbXrc254[/mecloud]