+Aa-
    Zalo

    Hoàn cảnh thê thảm của ngư dân khi tàu vừa mua

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Được biết, các chủ tàu cá có tàu bị cháy đều vay mượn ngân hàng để mua tàu khai thác. Có tàu mới hoạt động được 3 tháng thì bị cháy.

    Được biết, các chủ tàu cá có tàu bị cháy đều vay mượn ngân hàng để mua tàu khai thác. Có tàu mới hoạt động được 3 tháng thì bị cháy.

    Anh Đậu Văn Tình chủ tàu cá NA- 905.95 TS cho biết hiện đang nợ rất nhiều tiền.

    Trắng tay trong một đêm

    Anh Đậu Văn Tình - chủ tàu cá NA- 905.95 TS, ngồi rầu rĩ bên bờ biển nhìn toàn bộ tài sản tích cóp trong bao nhiêu năm bây giờ đã bị cháy rụi. “3 năm trước, gia đình vay ngân hàng hơn 1tỷ đồng để mua tàu, mới trả được 300 triệu đồng thì tàu cháy hết, giờ không biết phải làm sao”, người ngư dân ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thở dài.

    Theo anh Tình, vào khoảng 20h25 ngày 9/10, tàu của anh đang neo đậu tại khu vực gần cảng cá Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu) chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra khơi thì bị cháy.

    Thời điểm này, ngọn lửa bùng cháy rất nhanh kết hợp với gió biển thổi mạnh nên đã lan sang 3 tàu cá khác là: NA 930.31 TS của ngư dân Trần Văn Ngọc; NA 950.93 TS của ngư dân Hồ Văn Tám và tàu cá NA 999.85 TS của ngư dân Phạm Văn Tuấn. Các tàu này đều có công suất trên 400 CV.

    Khi sự cố xảy ra, lực lượng phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh Nghệ An đã điều 6 phương tiện cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Ngoài ra, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, bộ đội trên địa bàn huyện cũng có mặt để cùng với ngư dân tham gia chữa cháy.

    Tuy nhiên, đối tượng cháy là các tàu cá chứa lượng dầu lớn, bình gas, ắc quy, ngư cụ... cộng với gió thổi mạnh nên lửa cháy rất dữ dội, sáng cả một góc trời. Trong gần 1 giờ, 4 tàu cá bị cháy trụi.

    Trong đêm, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã điều động thêm 55 cán bộ, chiến sĩ ở đồn Biên phòng Diễn Thành, đồn Biên phòng Quỳnh Phương và cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Nghệ An khẩn trương đến hiện trường tham gia chữa cháy. Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An cũng huy động 10 xe chữa cháy các loại và các phương tiện chuyên dụng cùng 50 cảnh sát chữa cháy nhanh chóng tới hiện trường, phối hợp triển khai chữa cháy.

    Để tránh việc cháy lây lan, đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã khẩn trương điều động 35 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng và nhân dân tìm mọi biện pháp đưa các tàu đang neo sát với các tàu cá đang bị cháy ra xa để tránh cháy lan.

    Anh Thái Văn Hải, chủ tàu NA 979.68 TS, may mắn thoát khỏi khu vực cháy cho biết: “Lúc đó lửa bùng lên và cháy rất dữ dội, nhiều bình gas nổ rất nguy hiểm nên không ai dám đến gần. Một số người cố gắng đưa tàu ra khỏi khu vực cháy khi lửa đã lan đến nhưng chỉ cứu những tàu chưa cháy”.

    Anh Phạm Văn Tuấn, chủ tàu cá NA 999.85 TS, đau đớn cho biết: “Tàu của tôi mua gần 2 tỉ đồng, thêm cả đồ và ngư cụ là 1 tỷ đồng nữa, nhưng giờ đã cháy hết cả rồi. Gia đình chúng tôi không biết làm sao sống những ngày tiếp theo nữa đây”.

    Ngọn lửa bao trùm các tàu cá.

    Cháy tàu cá là do chập điện?

    Trao đổi về nguyên nhân vụ việc, ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - cho biết, đã xác định nguyên nhân ban đầu của vụ cháy tàu cá liên hoàn tại khu vực neo đậu tránh trú bão ở gần cảng Lạch Quèn vào tối 9/10 là do chập điện từ một tàu cá, sau đó cháy lan sang các tàu bên cạnh khiến 4 tàu này bị thiêu trụi hoàn toàn.

    Theo Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, 4 tàu cá bị cháy đều không có bảo hiểm nên ngư dân thiệt hại rất lớn. Huyện và các ban ngành cũng đã thăm hỏi, chia sẻ những mất mát với bà con. Hiện công an đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy. Uớc tính thiệt hại do vụ cháy gây ra khoảng 10 tỷ đồng.

    Điều đáng nói, đa phần các chủ tàu đều thế chấp nhà cửa, đất đai vay vốn ngân hàng để đóng tàu. Giờ bà con lâm vào cảnh “trắng tay” khi tàu bị cháy trong khi số tiền nợ ngân hàng chưa thể trả. “Trước mắt huyện đang giao công an kiểm tra các điều kiện phòng cháy chữa cháy tàu thuyền, cảng cá, đồng thời các địa phương thống kê thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ cho bà con tiếp tục vươn khơi, bám biển”, ông Bộ nói.

    Cũng theo người dân địa phương, những năm qua, địa bàn thường xảy ra cháy tàu, nguyên nhân chủ yếu do chập điện. Đa phần các chủ tàu đều thế chấp nhà cửa, đất đai vay vốn ngân hàng để đóng tàu, nợ chưa trả hết thì họ lại lâm vào cảnh trắng tay.

    Ông Trần Văn Nguyện - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long - cho biết, cảng cá Lạch Quèn là cảng cá lớn nhất của huyện Quỳnh Lưu. Đây cũng là nơi neo đậu của hầu hết tàu thuyền lớn của ngư dân các xã Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải... Trước đó, nghe dự báo áp thấp nhiệt đới, nhiều tàu cá đã về cảng Lạch Quèn neo đậu, tránh trú.

    “Do nước cạn nên khi xảy ra cháy không tách được 4 tàu cá ra xa nhau nên cả 4 tàu bị cháy và khó dập lửa. Do tàu chuẩn bị ra khơi nên lượng dầu trong tàu rất nhiều. Cả 4 tàu cá này đều là loại lớn trên 400CV và đều thuộc đội tàu của xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu”.

    Ông Trần Văn Nguyện – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long.


    Anh Ngọc

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống và Pháp luật số 164

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoan-canh-the-tham-cua-ngu-dan-khi-tau-vua-mua-a342845.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan