Cuộc sống xô bồ khiến phố cổ Hội An (Quảng Nam) dần nhạt đi những bản sắc văn hóa. Vẫn mái ngói rêu phong, vẫn góc phố cũ kỹ nhưng vắng lắm những điệu hò, câu hát đã từng in dấu trong tâm khảm của bao thế hệ nơi đây. Hoài niệm về xa xăm để tiếp tục bảo tồn, phục dựng nghệ thuật xưa đang trở thành niềm đau đáu với nhiều người.
Về miền ký ức
Phố cổ trầm mặc trở nên rộn rã hơn khi màn đêm giăng kín. Hai bên bờ sông Hoài mái nhà cổ in hằn bóng xuống vệt nước. Hoa đăng lững lờ trôi. Đúng 20h, bầu không khí trầm mặc bừng lên bởi tiếng trống hội. Bên kia sông, tiếng anh Hiệu (người hô hát bài chòi – PV) gọi mời giữa sân đình phố cổ kéo mọi người xích lại, chụm quanh khu vực sắp diễn ra bài chòi.
Bài chòi vừa là một trò chơi dân gian vừa là một loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính cộng đồng. Bộ bài chòi gồm 30 con bài. Cứ 3 con bài sẽ được gộp lại in vào 1 thanh tre, không được trùng lặp. Tùy theo mỗi vùng miền mà có từ 7 hoặc 9 chòi tham gia. Bắt đầu cuộc chơi, anh chị Hiệu sẽ rút con bài rồi hát, diễn xướng. Người chơi vừa lắng nghe vừa suy đoán về con bài sẽ xuất hiện. Khi hát đến tên con bài, chòi nào có bài thì sẽ báo hiệu nhận 1 lá cờ. Cuộc chơi hạ màn khi chòi nào thu được 3 lá cờ, chỉ chấp nhận 3 con bài cùng nằm trên 1 thanh tre. |
Đoàn người kéo đến, vài người ngồi xuống mua thẻ bài chơi. Số đông thì tiếp bước đi xa dần. Sân bài chòi lác đác vài bóng người. Anh chị Hiệu say sưa hát đối đáp, từng quân bài con “Tám tiền”, con “Đỏ mỏ”... dần lật mở. Cuối cùng, một phụ nữ giọng Nam - người may mắn sở hữu 3 lá cờ đã chiến thắng. Khách nhận quà, chụp vội bức hình rồi rời đi. Gánh bài chòi lại gõ trống, mời gọi khách lượt chơi mới. Sau góc đình, hình ảnh anh Hiệu trong bộ trang phục xưa lặng lẽ ngồi khiến tôi chú ý. Mồ hôi lấm tấm, ông nhấp vội ngụm nước rồi cho biết, mình tên là Lương Đáng (67 tuổi) trú TP.Hội An, là nghệ nhân hát bài chòi.
Đêm đó, khách vắng, ông nán lại khi biết tôi muốn tìm hiểu về bài chòi xứ Quảng. Đánh ánh mắt về phía xa sông Hoài, nơi những chiếc ghe lững lờ trôi, ông Đáng kể, nói về bài chòi là nói về những điệu hô hát ở phố cổ, là hoài niệm cầm ca muôn năm cũ. Ngày xưa, khi nghệ nhân Đáng còn là cậu bé bài chòi thịnh hành lắm. Ngày đó, điện đài còn chưa phổ biến, cứ mỗi độ con trăng lên, bà con lại háo hức lập chòi. Ở phố Hội, sông Hoài này các cụ cao niên không ai là không thuộc làu vài ba câu hô hát bài chòi.
“Không gian bài chòi không chỉ gói gọn ở lễ hội, Tết nhất mà còn trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi cho cả cộng đồng phố cổ. Tôi cũng là dân gốc Hội An nên từ nhỏ đã được bà ngoại bồng bế đi xem bài chòi”, nghệ nhân Đáng chia sẻ.
Cụ Phan Văn Xào (85 tuổi) nhà ở ngay bờ Bắc sông Hoài tâm sự, cũng như nhiều cao niên phố Hội, cụ vẫn còn nhớ như in, thuở hàn vi, mỗi độ có gánh hát đi qua, các cụ - những đứa trẻ loắt choắt chạy theo gánh hát. Để rồi đây, đêm đêm mỗi độ tiếng bài chòi của trung tâm Văn hóa, Thể thao Hội An cất lên, cụ lại trầm ngâm lắng nghe, nhịp đều chiếc gậy gỗ theo điệu hát mà xúc động.
“Từ gác xép của căn nhà cổ, hướng mắt về sông Hoài, nghe văng vẳng xa xa tiếng hô đáp bài chòi mà lòng nao nao, xốn xang. Muốn ngược trở lại ngày xưa để đắm mình vào không gian rôm rả, náo nhiệt của bài chòi... Lời hát bài chòi rất dễ đi vào lòng người”, cụ Xào trải lòng.
Theo tìm hiểu của PV, từ trung tâm Văn hóa, Thể thao TP.Hội An, thuở xưa bài chòi xưa thường được người dân tổ chức. Trong hội chòi có 7 chòi (hoặc 9 chòi) để vui chơi tại đình làng. Không gian tổ chức bài chòi phải rộng lớn và thoáng đãng, trong đó, có 1 chòi ở trung tâm còn các chòi khác chia làm hai dãy xung quanh, quây quần đúng với tính chất sinh hoạt cộng đồng. Mỗi độ có bài chòi là người người nườm nượp đi xem, đi nghe hô hát. Lời ca tiếng hát như ăn vào máu mỗi người.
Người đi tìm hình bóng quá khứ
Thế thời như con tạo xoay vần, bắt đầu từ những năm 80- 90 thế kỷ trước, bài chòi bước vào quãng thời gian u ám. Gốc đa, sân đình vắng hẳn hội chòi. Sang đầu thế kỷ 21, cuộc sống cũng xô bồ hơn, cũng không nhiều người biết đến hội chòi. Điệu hát bài chòi lùi xa dần vào dĩ vãng.
Nhiều cao niên phố Hội rưng rưng nước mắt tâm sự rằng, giai đoạn bài chòi Hội An thoái trào khiến ai cũng xót xa. Không còn những sân đình rộn rã hô hát của anh chị Hiệu, tiếng gõ thẻ lách cách, tiếng trống dồn dập, tiếng cười giòn tan của khách chơi.
Nghệ nhân Đáng xót xa trước thực trạng này, đã nhiều lúc, ông muốn đoạn tuyệt với nghề. Nhưng rồi, hiểu rõ giá trị tinh thần của nghệ thuật ca kịch bài chòi, nên người nghệ nhân này quyết bám trụ, phục dựng lại bài chòi phố cổ. Tuy nhiên, mình ông không thể kéo lại cả thời vàng son của thể loại này.
May mắn, ít năm trở lại đây, chính quyền Hội An, các đoàn thể trong và ngoài nước bắt tay với nhau phục hưng bài chòi. Bài chòi đưa vào hoạt động, biểu diễn nghệ thuật ở phố cổ do trung tâm Văn hóa, Thể thao TP.Hội An trực tiếp quản lý. Dưới ánh đèn điện, mỗi đêm người dân, du khách lại có dịp sống lại với xa xưa. Dẫu rằng về mọi mặt hoạt động bài chòi bên sông Hoài vẫn không bằng xưa, nhưng phần nào ấm lòng những con người hoài niệm khúc hát này.
Nhâm Thân
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 69