+Aa-
    Zalo

    Hoài niệm đám cưới miền Tây

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiếc cổng cưới bằng lá dừa nước, cây đủng đỉnh, tiệc đêm nhóm họ... đang dần mai một trong lễ cưới ở miền Tây khiến nhiều người hoài niệm.

    Chiếc cổng cưới bằng lá dừa nước, cây đủng đỉnh, tiệc đêm nhóm họ... đang dần mai một trong lễ cưới ở miền Tây khiến nhiều người chạnh lòng và hoài niệm.

    Đám cưới xưa, mộc mạc mà thân thương

    Các cụ từ xưa đã có câu: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”. Đó là quy luật tất yếu trong cuộc đời mỗi con người. Tuy mỗi vùng có phong tục, nét đặc trưng riêng trong cưới hỏi. Song, miền Tây với đặc trưng vùng sông nước đã tạo nên những nét văn hóa cưới hỏi có một không hai.

    Trong không khí ấm áp những ngày Xuân, ông Hữu Qual - Chủ lễ có tiếng ở xã Tân Lộc (Thới Bình, Cà Mau) có những chia sẻ thú vị về đám cưới của người miền Tây. Ông kể: “Hồi xưa, trước ngày cưới, ở nhà cô dâu cũng như nhà chú rể có rất đông cô dì và các bác tập trung phụ giúp làm đám cưới. Phụ nữ phụ nhau băm hành, băm tỏi, vặt lông vịt; đàn ông mổ heo, gà, vịt và thiết kế cổng cưới. Lúc làm việc, tất cả cùng nhau trò chuyện tạo nên khung cảnh vui vẻ, rộn ràng của nhà có đám tiệc”.

    Nhà gái nhận mâm lễ từ nhà trai.

    Theo lời kể của ông Qual, cổng cưới xưa được làm bằng lá dừa nước, cây đủng đỉnh, trang trí thêm chỉ màu... Tuy cổng cưới được làm từ những loài cây dân dã, nhưng mang lại nét đẹp làm say lòng người. Những người con sinh ra và lớn lên ở miền Tây dù đi về đâu cũng chẳng thể quên.

    Khi được hỏi về những nét đẹp trong đám cưới xưa, ông Qual bộc bạch, đám cưới miền Tây có lẽ ngày vui nhất chính là tiệc “nhóm họ”. Đây là dịp cho bà con khắp nơi tụ về gia đình có hỷ sự để phụ người thân lo chuyện cưới, gả và chung vui cùng đôi trẻ. Đêm “nhóm họ”, hòa cùng chung tiếng cười đùa, trò chuyện ồn ào là những giai điệu “nhạc xập xình nhạc vui quá vui, tiệc cưới mừng uyên ương sánh đôi” vang lên, khiến ai ai cũng hồi hộp chờ xem cô dâu, chú rể. Lúc này, mọi người cùng nhâm nhi ly rượu để chúc mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ.

    Đám cưới hiện đại nhẹ nhàng hơn so với ngày xưa

    Nhấp ngụm trà, ông Qual kể tiếp, sớm hôm sau, cô dâu dậy từ sớm làm tóc, trang điểm để kịp nhà trai sang làm lễ rước dâu. Dẫn đầu phía đàng (nhà) trai đến rước dâu là một cụ già nhiều tuổi được dân làng kính nể vì tuổi tác, tư cách địa vị xã hội. Lễ vật đàng trai đưa đến, ngoài trái cây bánh kẹo, phải có trầu cau, cặp nến thật to, trùng với kích thước của đôi chân đèn trên bàn thờ. Xong xuôi, người trưởng tộc của đàng gái tuyên bố: “Xin làm lễ lên đèn”.

    Lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất, bắt buộc phải có. Hai ngọn nến do đàng trai đem đến được đốt lên, từ ngọn lửa của cái đèn dầu nhỏ (dân gian thường gọi là đèn trứng vịt) để trên bàn thờ (hiểu là lửa hương hỏa). Theo các cụ cao niên, ngọn đèn phải cháy thong dong, đều đặn nếu bên cao bên thấp thì sẽ có dư luận chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ lấn át chồng,... Nghi lễ kết thúc, đàng trai dùng cơm cùng gia đình nhà gái rồi rước dâu về. Lúc này, nhà gái sẽ có trên, dưới chục người đưa cô dâu sang nhà trai.

    Đưa dâu bằng võ lãi ở miền Tây.

    Ngày xưa, rước dâu miền Tây cũng là một nét đẹp đáng nói. Do hệ thống giao thông chưa phát triển rộng khắp nên một số nơi ở miền Tây phải đưa, rước dâu bằng vỏ lãi (phương tiện di chuyển trên sông). Những chiếc vỏ lãi đón dâu về náo nhiệt một đoạn sông. Hình ảnh đó đã để thương để nhớ trong lòng người từ bao giờ mà trong bài hát Thuyền hoa, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có viết: “Thuyền em đi trên sông trăng sáng - Cưới nhau về ta rước hội vui - Trên sông dài, thuyền hoa giăng...”.

    Sau 3 ngày cô gái về nhà trai làm dâu, đôi vợ chồng trẻ trở về nhà gái một lần nữa theo nghi thức phản bái, là nghi thức lạy lại cha mẹ cô gái lần nữa để chú rể tạ ơn. Đây cũng là dịp sui gia (thông gia) gặp gỡ nhau sau những ngày tất bật lo cho hôn lễ của đôi uyên ương. Họ chia sẻ, bàn bạc nhiều chuyện tương lai như chuyện ra riêng, chuyện chia phần ruộng vườn để con cái lập một gia đình mới chan hòa, đầm ấm và hạnh phúc.

    Ông Qual cho rằng, ngày nay, trước khi đi đến hôn nhân, các đôi nam, nữ thường tìm hiểu nhau từ trước nên lễ giáp lời, lễ thông gia, lễ cầu thân có thể được bỏ qua (tùy trường hợp). Hôn lễ thông dụng thời nay đã thay đổi so với khuôn mẫu của ngày xưa, giảm xuống còn 3 lễ gồm: Giao ước, đính hôn và thành hôn. Nhưng hiện nay ở thành thị và cả nông thôn nhiều nơi người ta giảm xuống chỉ còn lễ đính hôn và thành hôn, thậm chí sống “nháp” với nhau rồi làm một lễ tuyên hôn để hợp thức hóa cuộc sống vợ chồng.

    Ở nhiều nơi của miền Tây, do bận rộn với những lo toan trong cuộc sống, nên đêm nhóm họ trong lễ cưới đã không còn. Thay vào đó là mời quan khách vào thời gian cụ thể; cổng cưới lá dừa giản dị được thay bằng những cổng cưới sặc sỡ màu sắc từ “dịch vụ cưới”. Tuy tiện lợi nhưng cổng cưới này không thể so sánh với cổng cưới được làm bằng lá dừa nước, cây đủng đỉnh... của ngày xưa.

    Nghi lễ cưới hỏi nay đã biến đổi

    “Nghi lễ cưới hỏi thời nay có những biểu hiện biến đổi về văn hóa ở Nam Bộ nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Biểu hiện ở việc xem tuổi kết hôn cho cô dâu, chú rể và việc xác định ngày giờ đón dâu, đãi tiệc... Ngoài ra, đám cưới thời nay thường đi theo trào lưu của xã hội như: Đặt tiệc nhà hàng, quay phim, chụp ảnh cưới, dịch vụ cưới,… Dù tiện dụng nhưng mức độ cố kết cộng đồng, gắn kết trong gia đình dòng họ đã giảm rất nhiều”.

    Ông Nguyễn Văn Quynh Phó Chủ tịch chi hội Di sản văn hóa tỉnh Cà Mau.

    Việt Tâm

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (8)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoai-niem-dam-cuoi-mien-tay-a357430.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan