+Aa-
    Zalo

    Hoài Linh từng ở chuồng heo, đi mót lúa, bán dạo bến xe

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quá khứ ít người biết từ nhỏ đến lớn của Hoài Linh đang dần hé lộ...

    Quá khứ ít người biết từ nhỏ đến lớn của Hoài Linh đang dần hé lộ...

    Danh xưng chưa bao giờ nguội

    Có một sự thật không thể chối cãi là nếu lên Google gõ lệnh tìm kiếm, cái tên Hoài Linh chính là vô địch bảo chứng cho sự vững bền. Tên anh chưa bao giờ phải hâm nóng, vì nó chưa bao giờ nguội cả.

    Suất diễn cuối tuần rất căng khiến “ông hoàng phòng vé” phải thay đồ liên tục, hóa thân đủ mọi nhân vật. Buồn nhiều nhưng diễn vẫn phải trọn vai. Dí điếu thuốc xuống sàn dập lửa, Hoài Linh thoăn thoắt tiến ra sân khấu. Hiểu rằng, nghề đã chọn anh.

    Vãn tuồng, anh bước ra loạng choạng, nằm ngả đầu ra ghế. Kén ăn, ham diễn, huyết áp thấp, Hoài Linh thường phải truyền nước biển.

    Người ta mang hành lý đi diễn với quần áo, phấn son đồ hiệu, Hoài Linh chỉ toàn máy đo huyết áp và các kỷ vật gia đình. Khi trợ lý đo huyết áp cho anh, kim đồng hồ chao liệng lung tung, vậy mà anh còn cố chọc cười: “Người ta xài đồng hồ Rolex, mình xài cái đồng hồ này, thấy không? Đồ hiệu xịn hẳn hoi”.

    Chưa hết, thuốc dùng để hạ đường huyết của anh cũng “xịn” lắm, không cần qua Mỹ mua mà la liệt ngoài đường, đó là... nước tăng lực vị dâu. Ngồi cạnh anh, mới thấy hết sự bình dị, thân thuộc cứ như thể là một người thân trong gia đình vậy.

    Ở chuồng heo, đi mót lúa, bán dạo bến xe... vẫn nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật

    Sinh ra ở Cam Ranh, đến năm 7 tuổi, Hoài Linh theo gia đình đi vùng kinh tế mới. Từ bán đảo Bình Ba, cùng với nhiều bà con trong xóm, cả nhà xúm xít trên một chiếc tàu thủy chật chội chạy hướng về phía cảng Vũng Tàu rồi đến Dầu Giây (Đồng Nai).

    “Đó là chuyến đi đầu đời”, anh bắt đầu kể về hành trình cuộc đời mình: “Không có nhà ở, gia đình tôi mua lại chiếc chuồng heo mới xây của một người trong xóm. Bố tôi kiếm tấm vải dù che xung quanh để tránh mưa gió. Rồi đại gia đình tôi chui cả vào ngôi nhà rộng hơn 10m2, trống trơ tứ phía”.

    Sáu đứa con, gia cảnh nghèo khiến ba mẹ anh phải xoay xở đủ nghề để có thể lo đủ cơm ngày hai bữa. Hoài Linh là con trai nhưng lại gần gũi mẹ. Thương mẹ sáng mướt mồ hôi với nghề hộ sinh, y tá... tối đến lại tất tả ra ruộng mở nước, Hoài Linh cũng lóc cóc theo ra ruộng mót lúa, mót khoai, hái rau, bắt ốc về cho nhà.

    Gót chân, kẻ móng tuổi thơ luôn ngấm bùn đã khiến cho chất nông dân ngấm vào máu thịt đến tận bây giờ. Và thật dễ hiểu vì sao Hoài Linh vào các vai nông dân “chất” và “ngọt” như thế. Anh thương mẹ tảo tần và kính trọng ba, một người đàn ông luôn nghèo nhưng hiếu học, quà cho con chỉ toàn sách mà thôi.

     

    Từ năm 13 tuổi, anh bắt đầu buôn bán phụ giúp gia đình. Mùa nào thức nấy, lúc thì chôm chôm, lúc thì mía ghim, chuối khô, chuối sấy, lúc thì trà đá, chuối nấu, nước sâm... miễn là có tiền. Rồi duyên may đến, anh gặp được nghệ sĩ Thanh Lộc - một diễn viên của đoàn kịch Khánh Hòa mới chuyển sang làm trong đoàn ca múa nhạc dân tộc Ponaga.

    Vì là diễn viên tay ngang nên Hoài Linh được xếp hát dân ca, diễn hài lót chỗ. Vở hài đầu tiên của anh là vai diễn sứt môi trong tiểu phẩm Ngọc Hoàng xử án. Vai diễn được khán giả đón nhận nhiệt tình giúp anh tự tin bước chân theo con đường hài kịch. Tiền cát-sê thời đó rất “bèo” nên ngoài thời gian đi diễn, Hoài Linh vẫn tiếp tục công việc buôn bán trái cây, hoặc thỉnh thoảng phụ chị gái làm móng tay. Có thể thấy không có nghề gì mà anh chưa kinh qua.

    Năm 20 tuổi, anh chính thức xuất ngoại, sang Mỹ với muôn vàn khó khăn. Anh bồi hồi nhớ lại: “Ngồi trên máy bay hơn 20 tiếng đồng hồ nhưng tâm trạng tôi lúc nào cũng hồi hộp và rối bời bởi một loạt câu hỏi quay quắt trong tâm trí: Mỹ là đất nước như thế nào? Gia đình tôi sẽ sống ra sao? Tương lai của tôi sẽ đi về đâu?”.

    Khi ấy, gia đình đang được nhận tiền trợ cấp nên cũng chưa có ai đi xin việc làm. Thời gian rảnh, Hoài Linh ra ngoài chợ phụ bác bán hàng. Anh đứng ở quầy thịt, lâu lâu bó rau cải, sắp xếp hàng hóa, ướp đá vào đồ hải sản, chặt thịt bò...

    Cuộc sống mưu sinh trên đất khách lại tiếp tục. Mỗi ngày trở về với chiếc áo khoác loang lỗ máu bò khiến ai cũng ngao ngán. Hai tháng sau, vì thân hình quá gầy, không chịu lạnh nổi, anh đành phải chuyển qua hãng điện tử hàn chíp bo mạch. Thời gian đó ngồi dưới đèn hàn, mắt anh mờ dần đi và đành nghỉ làm để đi phụ bán hàng cho người quen.

     

    Đi tìm vận mới

    Một lần đi tiệc cưới người bạn, khi nghe Hoài Linh hát, người ta ủng hộ rất nhiều và từ đó, họ mời anh làm MC cho đám cưới, thôi nôi. Một dịp tình cờ, anh được hát chung với những ca sĩ nổi tiếng từ California qua tiểu bang Florida trình diễn. Thế là họ khuyến khích anh qua California theo nghiệp ca sĩ.

    Hoài Linh nghe vậy thì thích lắm và ngỏ lời xin phép bố mẹ. Mới nghe qua, ba mẹ anh cực lực phản đối. Sau đó, thấy con tha thiết quá nên đành xiêu lòng mà ra tối hậu thư: “Trong vòng 3 tháng nếu tôi không làm được gì thì phải quay về nhà”.

    Ngày anh xách vali lên đường sang California, mẹ khóc như mưa. Bố dúi vào tay anh 300 USD (khoảng 6 triệu đồng) rồi dặn dò: phải giữ gìn sức khỏe, không làm được thì thôi, đừng cố gắng quá sức... Anh bước vội ra xe mà không dám quay lại, chỉ sợ những giọt nước mắt của mẹ làm mình mềm lòng. Vậy là, thêm một chuyến đi nữa trong đời. Chuyến đi tìm tương lai trong nỗi buồn xa gia đình. Một chuyến đi để tìm vận số mới.

    Sang thành phố mới, anh nhận điện thoại mời suất diễn đầu tiên. Hồi hộp, lo lắng và pha chút vui mừng. Anh khăn gói xuống Little Sài Gòn. Vuốt mồ hôi trán, gồng mình lên vì run, anh diễn vở Cười ba miền với tất cả những giọng mà mình có thể giả được. Sau 10 phút độc tấu, những tràng pháo tay cổ vũ và cả... la ó vang lên.

    Anh cảm nhận được trong những ánh nhìn của quan khách, từ tò mò đã chuyển sang trìu mến và cảm tình. Rồi họ lao lên, la ó, bắt tay, ôm hôn... Nhưng đó chưa là gì hết. Xong rồi thôi, anh về nhà nằm chờ thời vì show diễn lớn vẫn chỉ gọi Quang Minh, Hồng Đào, chứ chưa thể là Hoài Linh. Cái tên của anh thời ấy vô cùng mờ nhạt.

     

    Không chờ thời mãi được, anh lại di dời về vùng khác và gặp đồng hương ở một phòng trà. Vui quá, họ bèn tặng nhau ca khúc Trách thân của nhạc sĩ Phan Bá Chức. Khán giả vỗ tay rần rần, từ đó cái tên “Nẫu” của Hoài Linh được nhắc đến như một dấu ấn khó phai.

    Đó cũng là lúc kỳ hạn 3 tháng sắp hết. Ngay lúc ấy, nhạc sĩ Minh Tân giới thiệu anh với Trung tâm Tú Quỳnh thu âm một băng cassette với giá 3.000 USD (khoảng 60 triệu đồng). Đó là món tiền lớn đầu tiên trong đời anh có được. Rồi may mắn cứ đến theo cấp số nhân, anh phát hành CD Cười ba miền, con số cát-sê dần tăng lên.

    Nhiều người đồn đoán về việc giả gái của anh là để che mắt cho giới tính, cho việc tại sao anh kết hôn rồi ly hôn. Ký hợp đồng với Trung tâm Vân Sơn, anh bắt đầu “bén duyên” với những vai giả gái như Hoa hậu ba miền, Mối tình già...

    Thêm vào đó, nhờ thân hình “mỏng, thon” như phụ nữ và từ nhỏ sống với bà nội, bà ngoại, mẹ nên những hành động, cử chỉ nhu mì, dịu dàng của ba người đã ăn sâu vào tâm trí. Vì vậy, khi vào các vai giả gái, Hoài Linh thật sự hóa thân chứ không phải theo kiểu đồng bóng, diêm dúa gây phản cảm cho hình ảnh người phụ nữ. Đó có lẽ là cái duyên và thần thái đặc trưng khó ai bì kịp của anh. Nhiều người gọi Hoài Linh là chị này, chị nọ nhưng anh “mặc kệ, miễn sao sống cho đúng cái tâm của mình là được”.

    Khi đã thành danh ở xứ người, Hoài Linh vẫn là một cái tên xa lạ ở quê nhà nhưng anh nhất định quay về Việt Nam như một định mệnh. Anh gặp Hữu Lộc và gắn bó với sân khấu Nụ cười mới cho tới tận bây giờ: “Trở về Việt Nam để sống, để gắn bó lâu dài với sân khấu quê hương không đơn thuần là một sự chọn lựa mà là điều tôi hằng ao ước. Bởi vì, cuộc sống trên xứ người dù có tiện nghi đến đâu, tôi vẫn không cảm nhận được nét đẹp riêng và cái hồn của quê hương, dân tộc mình, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời.

    Ngoài ra, ở Việt Nam, tôi tìm được hạnh phúc của một nghệ sĩ bởi có những khán giả sẵn sàng đội mưa đến xem tôi diễn, cùng khóc, cùng cười với nhân vật của tôi. Tôi biết ơn quê hương và khán giả của mình”.

    Người ta có thể tung hô anh là ông vua phòng vé, ông vua tấu hài nhưng Hoài Linh biết rằng anh chỉ là vua của chính mình. Vương miện lớn nhất chính là niềm yêu thương của khán giả dành cho.

    Đã từng muốn tự tử

    Danh hài vô cùng có hiếu với ba mẹ. Ít ai biết ba anh bị bệnh tim nặng, phải chạy tim nhân tạo. Khi ba anh nằm ở bệnh viện với các chỉ số nguy cấp, anh bỏ hết việc để cận kề chăm sóc. “Bây giờ, ba mẹ tôi đã nhiều tuổi nhưng hai người vẫn rất gắn bó và yêu thương nhau. Dù đi đến bất cứ đâu, ba mẹ cũng mang theo album hình cả gia đình. Đặc biệt, những tấm hình của các con, ba mẹ đánh số lần lượt theo thứ tự từ nhỏ đến lớn rồi giữ gìn như những báu vật”.

    Ngày xưa, mỗi khi có chuyện buồn, Hoài Linh thường tâm sự với mẹ để được chia sẻ. Lớn lên hiểu chuyện, cứ sợ mẹ buồn nên anh chỉ đốt nhang, ngồi rì rầm tự sự trước bàn thờ tổ. Thêm nữa, mẹ đã già, anh không dám mang thêm cho bà nỗi lo lắng nên cứ âm thầm chịu đựng một mình. Điều này khiến cho sự bế tắc của danh hài mỗi ngày thêm lớn, đến nỗi có lần anh muốn... tự tử.

    Vậy đó, người mang lại tiếng cười lớn cho đời chưa chắc đã là người hạnh phúc. Con người anh trên đỉnh vinh quang nhưng luôn cúi xuống cho ngang bằng với nỗi đau của nhân loại. Nên bạn của anh không phải các vị tai to mặt lớn mà toàn thợ hồ, bà bán cá, anh xe ôm... Anh cũng chỉ thích ăn rau luộc, cá kho tiêu, mắm kho quẹt cũng như ăn vận những bộ đồ thoải mái, đi dép lào thay cho việc khoác lên mình những bộ đồ hàng hiệu.

    Lý giải cho sự bình dân và gần gũi với nhiều mảnh đời cơ khổ có lẽ bắt nguồn từ tâm sự của anh: “Bởi trải qua nhiều khó khăn nên khi đã có chút tên tuổi, tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian để khuyến khích và động viên những em mới vào nghề. Tôi muốn giúp các em bớt đi mặc cảm, có thêm động lực dấn thân trên con đường nghệ thuật”.

    Đôi khi, lòng tốt cũng dễ bị vụ lợi. Song với anh, được giúp người là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. “Trong cuộc đời nghệ sĩ, nhiều lần tôi chứng kiến cảnh cánh màn nhung khép lại nhưng tôi không thể biết rằng, khi nào thì cánh màn nhung trong vở kịch cuộc đời tôi sẽ khép lại? Vì vậy, khi còn được sống, tôi trân trọng, biết ơn những gì mình đang có và thường tự nhủ phải cố gắng sắm tròn vai trên sân khấu nghệ thuật và cả sân khấu cuộc đời”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoai-linh-tung-o-chuong-heo-di-mot-lua-ban-dao-ben-xe-a41151.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan