(ĐSPL) - "Steve Jobs thứ 2" Lei Jun theo đuổi phong cách đơn giản như Steve Jobs với áo phông đen và quần jeans. Và điều quan trọng nhất, anh cũng là một tỷ phú…
Không khó để nhận ra những điểm tương đồng giữa Lei Jun và Steve Jobs - vị CEO quá cố, biểu tượng một thời của Apple và là người mà chính Lei Jun cũng vô cùng kính trọng: từ việc cả hai đều là người đứng đầu của một hãng công nghệ lớn (tất nhiên, ta không so sánh độ lớn của 2 công ty) cho tới một phong cách ăn mặc rất giản dị so với khối tài sản kếch sù mà họ sở hữu.
Xiaomi, công ty mà Lei Jun đang lãnh đạo hiện tại, là một hãng điện thoại khá lớn của Trung Quốc và đang tăng trưởng rất mạnh mẽ. Giá trị tài sản của Lei Jun tính tới đầu năm 2016 là 14,4 tỷ USD. Hiện tại Xiaomi được đánh giá là startup công nghệ đáng giá nhất Trung Quốc.
Theo báo cáo tài chính của Sàn Giao Dịch Chứng Khoán Hồng Kông, Lei đang nắm giữ 30\% cổ phần của Xiaomi.
Tỷ phú Yuri Milner đã từng trao đổi với Forbes về Lei Jun như sau: “Lei Jun là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn tập trung vào những sự đổi mới tối tân nhất. Xung quanh cậu ấy là một đội cực mạnh và hiểu biết rất rành rẽ về các sản phẩm độc đáo”.
Mỗi năm, Lei đều mặc quần jean, mang giày thể thao và mặc áo sơ mi không cài khuy (khuy áo trên cùng), đứng trước một đám đông đang reo hò để trình làng sản phẩm mới ra lò của công ty do ông sáng lập cách đây 5 năm. |
Nói Lei Jun giống Steve Jobs là có lý do. Mỗi năm, Lei đều mặc quần jean, mang giày thể thao và mặc áo sơ mi không cài khuy (khuy áo trên cùng), đứng trước một đám đông đang reo hò để trình làng sản phẩm mới ra lò của công ty do ông sáng lập cách đây 5 năm.
Trên sân khấu, Lei “bóc” từng chi tiết một của sản phẩm. Và chỉ khi đám đông tụ tập nghĩ rằng màn trình diễn của ông đã kết thúc thì cụm từ “One more thing” (tạm dịch: còn một điều nữa) màu trắng lại nổi lên trên phông nền màu đen. Jobs đã từng dùng cụm từ và thủ thuật như thế để tạo sự phấn khích và ngạc nhiên cho đám đông.
Lei cũng là người có niềm đam mê công nghệ máy tính giống như Jobs. Tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, một trong những trường đại học đầu tiên tại Trung Quốc có trường dạy về kỹ thuật máy tính, Lei cả đời đã sống và thở bằng công nghệ.
Sự nghiệp ban đầu của ông là ở công ty phần mềm Trung Quốc Kingsoft. Những năm tháng ở đây, ông có tiếng là người làm việc cần mẫn và sau 5 năm đã trở thành Tổng Giám đốc. Đó là quãng thời gian đầy sóng gió nhưng vào năm 2007, sau 4 lần không thành, cuối cùng Công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Nhưng đúng lúc đó, Lei lại nghỉ việc, với lý do “cảm thấy quá mệt mỏi”.
Những năm sau đó, ông nhảy vào nhiều thương vụ đầu tư, chẳng hạn như ở UCWeb (được Alibaba mua lại vào năm ngoái). Nhưng chỉ đến Xiaomi, ông mới thực sự tỏa sáng trên bầu trời công nghệ Trung Quốc.
Một trong những nhà đầu tư đầu tiên mà Lei tham khảo ý kiến khi tính đến việc nhảy vào lĩnh vực điện thoại di động là Richard Liu, Giám đốc Điều hành hãng đầu tư mạo hiểm Morningside Group. “Anh đã rất thành công rồi. Có cần phải nhảy vào thương trường nữa hay không chứ?”, Liu trả lời khi biết ý định của Lei.
Lei nói rằng ông muốn và để làm điều này, ông đã chiêu mộ một nhóm nhân tài. Trong số những người về với Lei lúc ban đầu là Lin Bin, từng phụ trách hoạt động của Google tại Trung Quốc.
Sau nhiều đêm suy tính, Lei và các đồng sự đã thành lập Xiaomi. Lúc đó, Trung Quốc đã có hàng chục nhà sản xuất điện thoại di động. Nhưng công ty mà Lei thành lập rất khác biệt: Xiaomi sẽ không bỏ ra đồng nào vào hoạt động quảng cáo mà sẽ bán trực tiếp để không phải chia phần trăm hoa hồng cho các nhà bán lẻ. Xiaomi cũng sẽ dựa vào những người tiêu dùng trung thành để quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Công ty mới thành lập này đã bắt đầu giành được chỗ đứng vào năm 2010 khi nó tung ra một phiên bản của hệ điều hành Android mà chỉ với vài chỉnh sửa nhỏ đã có thể sử dụng để thay cho phần mềm đang chạy trên điện thoại của các hãng sản xuất khác. Đó là một cách rất khéo léo để có được một lực lượng người hâm mộ trước khi bắt tay vào công đoạn thiết kế điện thoại vốn dĩ rất tốn kém.
Khi các thiết bị cuối cùng ra mắt vào năm 2011, chúng đã nhanh chóng lấy được lòng của người tiêu dùng Trung Quốc. Bằng cách tung ra các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, kiểu dáng thanh lịch nhưng với giá thấp, Xiaomi đã qua mặt các đối thủ lớn trở thành thương hiệu điện thoại thông minh được ưa chuộng nhất Trung Quốc.
Các mẫu điện thoại của Xiaomi dù được bán với giá rẻ hơn hàng trăm USD so với các mẫu mới nhất của Apple và Samsung, nhưng trên các con đường ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, chúng lại là những món hàng lên cơn sốt.
Trong một đất nước mà hàng ngoại thường được xem là tinh vi hơn và có chất lượng tốt hơn hàng sản xuất trong nước, Xiaomi có lẽ là thương hiệu công nghệ nội địa đầu tiên được nhiều người Trung Quốc muốn có cho bằng được.
“Lei Jun đã làm được điều đó ở mức độ rất sâu. Ông là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng người tiêu dùng Trung Quốc cần có một thương hiệu mà họ có thể đặt niềm tin vào”, Phillip Lisio, chuyên gia tư vấn ở Thượng Hải, nhận xét.
Điều này là lý do Lei, 46 tuổi, được nhiều người đem ra so sánh với Steve Jobs, người đứng đằng sau sự thành công của thương hiệu Apple. Thế nhưng, Lei có vẻ không thích thú gì với việc này. Năm ngoái, trong một lần trả lời phỏng vấn CNN, ông cho biết rất mệt mỏi với việc bị so sánh với Jobs.
Nói về Steve Jobs, Lei Jun đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Nếu Jobs sống ở Trung Quốc thì chưa chắc ông ấy đã thành công. Lý do là vì ông ấy luôn theo đuổi sự hoàn hảo, trong khi văn hóa Trung Hoa lại nhấn mạnh vào sự đơn giản bình thường.”
Giá trị tài sản của Lei Jun tính tới đầu năm 2016 là 14,4 tỷ USD. Hiện tại Xiaomi được đánh giá là startup công nghệ đáng giá nhất Trung Quốc. |
Một số người khác thì lại buông lời khen châm chọc, ám chỉ rằng thành công của Xiaomi không phải là tác phẩm của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa mà chỉ là của một kẻ bắt chước tinh vi. Khi được hỏi vào năm ngoái rằng liệu có cảm thấy mát lòng khi Xiaomi và các đối thủ châu Á khác có vẻ như bắt chước sản phẩm của Apple, Jony Ive, đứng đầu mảng thiết kế của Apple và là một thân tín của Jobs, đã trả lời rằng: “Tôi nghĩ đó là sự ăn cắp và cho thấy sự lười biếng”. (Xiaomi đã kịch liệt phủ nhận, bảo rằng sản phẩm như Mi phone và Mi pad không phải là sự sao chép sản phẩm của các công ty khác như iPhone và iPad của Apple).
Không chỉ nắm giữ vai trò quan trọng ở Xiaomi, nơi Lei làm chủ tịch và CEO, anh cũng là nhà đầu tư của một số công ty tư nhân khác. Năm 1992, Lei đầu quân vào Kingsoft, một hãng phần mềm diệt virus, và đảm đương vị trí CEO tại đó từ năm 1998 tới 2007. Hiện nay, anh vẫn duy trì vị trí chủ tịch và nắm 12\% cổ phần của công ty này với giá trị vào khoảng 60 triệu USD. Năm 2000, Lei thành lập công ty bán lẻ online Joyo và 4 năm sau đó, anh bán nó cho Amazon với giá 75 triệu USD.
Với tài năng thiên phú của một nhà đầu tư, Lei còn tiếp tục nắm giữ cổ phần của hàng loạt các công ty Trung Quốc khác. Về điểm này, anh lại có nét tương đồng với Ron Conway, nhà đầu tư “vàng” và là một trong những trụ cột của thung lũng Silicon.
Các công ty mà Lei góp mặt bao gồm Vancl, Lakala (cả hai đều là doanh nghiệp điện tử tư nhân), YY inc. (công ty video trực tuyển và truyền thông xã hội) và UC Web (một công ty cung cấp trình duyệt internet trên di động). Theo báo cáo của giới truyền thông Trung Quốc, cả 4 công ty này đều được cho là có giá trị trên 1 tỷ USD.
Còn về Xiaomi, được ví như "Apple của Trung Quốc", hiện Xiaomi đang là công ty công nghệ tư nhân lớn thứ hai thế giới với tổng giá trị lên tới 46 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại tại Trung Quốc, Xiaomi đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Rất ít thông tin về đời sống cá nhân của Chủ tịch Xiamao được tiết lộ, ngoài việc đã kết hôn và có 2 con gái. Truyền thông mô tả ông là một con người tham công tiếc việc, luôn dành đến 100 giờ để làm việc mỗi tuần.
“Tôi đã nhiều lần nói rằng nếu tôi được gọi là ‘Steve Jobs của Trung Quốc’ khi ở độ tuổi 20, hẳn tôi sẽ rất lấy làm vinh dự. Tuy nhiên, khi ở độ tuổi 40, tôi không muốn bị coi là một người thứ hai nào đó”, ông Lei phát biểu tại một sự kiện của Xiaomi cuối tháng 1.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin