(ĐS&PL) Như chúng tôi đã đưa tin vào lúc 18g 50 phút tối 15/4 đám cháy bùng phát tại Nhà thờ Đức Bà Paris, rồi nhanh chóng lan ra mái của ngôi nhà thờ có tuổi đời hơn 850 năm này và nhấn chìm nó trong biển lửa và thiêu rụi toàn bộ phần mái.
Cùng với việc chống trọi nhằm bảo vệ một trong những tháp chuông chính khỏi sụp đổ, các nhân viên cứu hỏa đã cứu được các tác phẩm nghệ thuật vô giá và các thánh tích tôn giáo. Các nhân viên cứu hỏa đã cứu được các tháp chuông chính và các bức tường bên ngoài khỏi sụp đổ trước khi ngọn lửa được kiểm soát. Sau 8 tiếng đồng hồ, đám cháy đã cơ bản được dập tắt vào lúc 3 giờ sáng ngày 16/4 giờ địa phương.
Đây là một đám cháy lớn sẽ còn được nhắc tới trong lịch sử |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết tại hiện trường lúc nửa đêm 15/4 rằng: Điều xấu nhất đã tránh được, nước Pháp sẽ phát động một chiến dịch xây dựng lại nhà thờ, một trong những biểu tượng kiến trúc tinh tế nhất của kiến trúc Gothic của Pháp, trong đó có việc gây quỹ xây dựng và kêu gọi các nhân tài ở nước ngoài về nước giúp xây dựng lại.
“Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một phần định mệnh của nước Pháp và dự án của chúng ta sẽ mất nhiều năm”, ông Macron cho biết.
Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là một ngôi nhà thờ đơn thuần, nó còn mang một ý nghĩa quan trọng đối với thế giới. Công trình kiến trúc đồ sộ và hoành tráng này dường như là biểu tượng của sự trường tồn. Nhà thờ Đức Bà Paris đã sống sót sau Thế chiến I và II. Hơn 850 năm qua, nhà thờ vẫn hiên ngang đứng đó, chứng kiến và tham dự vào lịch sử nước Pháp. Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là lịch sử của nước Pháp, mà còn là lịch sử của thế giới.
Chính nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới để sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật bất hủ cho đời. Một trong những kiệt tác đã đi cùng năm tháng phải kể đến là tác phẩm “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris” của đại thi hào Victor Hugo.
Bên trong nhà thờ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể |
Do đó, khi nhà thờ có nguy cơ bị sụp đổ vì đám cháy, cả thế giới không riêng gì nước Pháp dường như đều cảm thấy mất mát và đều cùng nhau chia sẻ nỗi đau đớn. Dù là những người theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Hindu và các tín ngưỡng khác trên khắp thế giới đều bày tỏ nỗi đau đớn của cá nhân trước đám cháy lớn hủy hoại nhà thờ Đức Bà Paris, hủy hoại một biểu tượng văn hóa của nhân loại.
Trong một thế giới đang tồn tại nhiều chia rẽ về tôn giáo và chính trị, đám cháy tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo, một nhà thờ tại Pháp đã đưa con người từ nhiều nơi trên thế giới xích lại cùng nhau để chia sẻ nỗi đau này và suy nghĩ về những hành động kiến tạo những giá trị văn hóa chung của cộng đồng trong tương lai…!
Quyết Tuấn/Sức Khỏe 365