(ĐSPL) - Rạng sáng ngày 16/12, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra trong con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ đã khiến 6 người thiệt mạng, 4 người bị thương.
Theo tin tức trên báo Thanh Niên, rạng sáng 16/12, các cơ quan chức năng TP. Hồ CHí Minh vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ hỏa hoạn xảy ra tại một ngôi nhà nằm trong hẻm 453 đường Lê Văn Sỹ (phường 12, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Hiện trường ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn. (Ảnh: PhapluatPlus) |
Theo cơ quan chức năng, khoảng 0 giờ cùng ngày (16/12), người dân sống trong hẻm 453 bất ngờ nhìn thấy ngọn lửa phát ra từ một căn nhà 2 tầng bị khóa cửa bên trong.
Báo Phapluatplus cũng đưa tin, do vụ hỏa hoạn xảy ra lúc nửa đêm nên mọi người bên trong căn nhà đang ngủ nên cửa khóa trái, một số người dân nhanh chóng dùng bình chữa cháy mini dập lửa từ bên ngoài. Trong lúc đó, một số người đang ở tầng trên của căn nhà đang bốc cháy chạy ra lan can nhảy xuống đất.
Người dân hiếu kỳ xem cơ quan chức năng chữa cháy. (Ảnh: PhapluatPlus) |
Ngay sau khi nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận 3 nhanh chóng điều động gần 10 xe cứu hỏa nhanh chóng có mặt tiến hành dập lửa. Khoảng 10 phút sau, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Khi lực lượng cứu hộ phá cửa vào bên trong thì toàn bộ căn nhà đã bị thiêu rụi.
Xe cấp cứu, xe chữa cháy nhanh chóng được điều đến hiện trường. (Ảnh: Thanh Niên) |
Thông tin ban đầu cho biết, có ít nhất 6 người đã tử vong, trong đó có một gia đình 5 người. Ngoài ra còn 4 nạn nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có 1 người đang rất nguy kịch.
Được biết tầng trệt căn nhà trên được thuê lại để mở quán cà phê. Tầng trên được cho một số người thuê lại để ở.
Hiện nguyên nhân vụ cháy và danh tính các nạn nhân đang được điều tra làm rõ.
Điều 4, Luật Phòng cháy và Chữa cháy quy định: “Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy 1. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy. 2. Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra. 3. Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả. 4. Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)