Ai chẳng mong một đêm chung kết hoàn hảo, đội hình thí sinh trong mơ và những chuyện có hậu khác. Khán giả cũng vậy, có lựa chọn của riêng mình. Nhưng đôi khi trời chẳng chiều người.
Phóng viên tác nghiệp ở Vinpearl, Nha Trang 2007 (người mẫu là Teresa Sam, sau trở thành Á hậu1 Hoa hậu Thế giới Người Việt). Ảnh: Dương Thị. |
Chuyện ở quầy Buffet
Trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới Người Việt lần thứ nhất, có một thí sinh khỏe mạnh, tác phong hiện đại và thân thiện, học hành bài bản ở Anh về. Sáng sáng ở quầy buffet, mẹ cô bê đĩa thức ăn lân la đến bàn phóng viên hoặc thành viên Ban tổ chức để kể giai thoại về con mình, đỗ đạt ra sao, kỳ tích giảm cân thế nào để được như bây giờ.
Lẽ ra cứ để tự nhiên thì có khi phóng viên còn chịu viết về cô, vì cũng có chuyện để viết. Đằng này mọi người cứ phải nháy nhau, thấy bà mẹ vác đĩa thức ăn tiến lại là tránh đi hoặc giả vờ bận bịu gì đó.
Một trong số nhà tài trợ cuộc thi là người thân của gia đình cô. Trưởng Ban giám khảo Dương Xuân Nam kể rằng cuộc thi vừa bắt đầu, người này đã hỏi ông: “Các anh định cho con bé hoa hậu hay á hậu đấy”. Cuối cùng, cô đoạt một giải phụ nho nhỏ.
Cũng ông Nam kể, một người đẹp có danh hiệu, kinh doanh ở Sài Gòn và có đóng phim, suốt ngày điện thoại cho ông khi cuộc thi mới bắt đầu: “Anh K. có hứa với em là anh sẽ cho em một chân giám khảo”. Về sau mỗi khi thấy cô và chồng quảng cáo một dự án gì đó, tôi lại tự hỏi không hiểu cô chạy dự án này có vất vả lắm không. Hoặc đóng phim có cat-sê hay bỏ tiền ra để được đóng. Dù cô không phải diện bất tài.
Trong cuộc thi năm 2010, nhiều người thiện cảm với một thí sinh, sớm đoán cô sẽ đăng quang. Kết quả chung cuộc không như vậy, một số khán giả bức xúc nhưng ngoài những nhược điểm mà chỉ người vào phòng đo đạc mới biết, cô bị Trưởng Ban giám khảo Minh Hạnh và giám khảo Vũ Mạnh Cường soi kỹ hơn các thí sinh khác, khắt khe hơn. Bởi cô được nhiều người gửi gắm quá!
Đó là điều tôi muốn nói với các thí sinh và người nhà họ: Tự nhiên nhi nhiên, hữu xạ tự nhiên hương để rồi cờ đến tay thì phất, không vận động hành lang. Không làm những chuyện vượt quá khuôn khổ, phép tắc. Kẻo là lợi bất cập hại. Bản thân thí sinh vô tư hồn nhiên thôi nhưng người lớn đã làm hại họ nhất là khi vớ phải những giám khảo không khoan nhượng.
Và những chuyện bất như ý khác
Trên máy bay từ Nha Trang ra Hà Nội, một hành khách nữ vặn vẹo Trưởng Ban giám khảo “Sao Hương Giang đẹp thế mà không lọt top ứng xử”. Ông Nam phải giải thích rất tỉ mỉ, ví dụ cô rất cao nhưng lóng chân lại hơi ngắn so với độ dài chân. Về sau cô đoạt một giải gọi là Hoa hậu châu Á nhưng qui mô thực chất của cuộc đó thế nào, không rõ lắm.
Không quan tâm thì thôi, khán giả một khi đã để mắt thì xét nét khỏi nói. Khi ứng viên Trịnh Chân Trân bắt đầu màn ứng xử cuộc 2004 bằng cách hồi ức Giờ phút này em nhớ lần bảo vệ luận án thạc sĩ trước một hội đồng đủ các giáo sư tiến sĩ..., khán giả có người ồ lên thán phục và muốn cô đăng quang ngay - sự thật là cô giỏi giang thật. Nhưng nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu lại thiên về Nguyễn Thị Huyền người mà theo ông là khôn ngoan đến mực nói năng phải lời hơn.
Nhớ lại, đêm chung kết 2004 ở Tuần Châu là một đêm chung kết hoàn hảo với sân khấu lộng lẫy, hơn sân khấu nhạc nước Sentosa của Singapore nhiều. Ca nhạc “chất lừ”. Chung kết Hoa hậu Thế giới Người Việt với màn đăng quang ấn tượng của Ngô Phương Lan cũng vậy.
Giám khảo Dương Xuân Nam bị bọn tôi gọi sau lưng là chuyên gia “chỉ rau gắp thịt”, không những kín như bưng mà còn đánh lạc hướng ai hay bắt nọn, đoán già đoán non. Để giữ kết quả bí mật đến phút chót. Tuy vậy vẫn có thể phát hiện ra rằng giám khảo đồng nghiệp đáng kính nọ (sếp một báo lớn) từng đòi mặc cả với ông Nam về trường hợp này trường hợp nọ. Khó thế đấy.
Phóng viên với rừng ống kính cũng là hình ảnh không thể thiếu của cuộc thi. Không có họ, thời khá tẻ. Đội ngũ này cũng đủ đấng bậc. Nhớ cuộc ở Nha Trang, chưa đến giờ đăng quang, một nữ phóng viên ngồi cạnh tôi trong phòng báo chí, thản nhiên hỏi Cho em xin danh sách những người được giải để kịp gửi tin về tòa soạn (ám chỉ kết quả đã được chấm sẵn cả rồi). Cô ở một báo gì đó về pháp luật trong Nam.
Đêm ấy về, phóng viên Thu Dung, báo Du Lịch thì phải - cũng ở trong Nam kể cô bị một phóng viên hỏi xin ảnh, chưa kịp cho thì người này nhảy bổ vào máy tính của cô, “lốt” (download) bằng hết. “Chả lẽ lại tát cho một cái”. Hỏi ra, cô chính là phóng viên đã “hỏi đểu” tôi.
Như thế đã mùi mẽ gì. Năm 2008 ở Hội An tôi còn bị một người xưng là Mạnh Hà (trùng tên PV Mạnh Hà của Tiền Phong) chơi cho một vố. Cậu này vào tận phòng khách sạn Victoria, xẻn lẻn xin cái thẻ, nói tuy em không có thẻ nhà báo cũng không có giấy giới thiệu của cơ quan “nhưng đã mất công lặn lội đến đây”.
Tôi thông cảm phát cho cái thẻ. Hôm sau mấy báo hốt hoảng thông tin, người xưng là nhà báo Hà này đã kịp thó điện thoại của một phụ nữ lái taxi - ngay trước mũi các phóng viên đi cùng xe! Tôi mới tá hỏa gọi các nam phóng viên trẻ của bản báo đến, bàn với họ đêm chung kết phải quây các ngả, thấy nhà báo lớn kia trà trộn thì ngăn chặn kẻo chàng lại trổ tài nhân viên công ty hai ngón, xơi hết điện thoại di động của đồng nghiệp thì Ban tổ chức có khi phải liên đới chịu trách nhiệm! Cũng may cậu đã mất dạng, chắc thẹn quá!
* Đón đọc kỳ cuối: Những kỳ vọng.