(ĐSPL) - Hoa hậu phu nhân người Việt Thu Hoài chia sẻ, trong chuyến bay tới Nha Trang hồi tháng 7 vừa qua, chị đã sơ ý để khá nhiều đồ trang sức có giá trị trong chiếc valy ký gửi.
Vấn nạn mất đồ khi đi máy bay - đặc biệt là hành lý thuộc dạng ký gửi - vốn không phải điều hiếm hoi đối với các hành khách Việt. Từ cục sạc điện thoại, chai nước hoa, đôi giày, chiếc áo hay những vật dụng đắt tiền hơn, tất cả đều có thể lọt vào "tầm ngắm" của đám đạo chích sân bay. Những kẻ hành nghề hai ngón bí ẩn này nhiều tới mức đã có hẳn một tên gọi riêng cho chúng: "Không tặc".
Quả thật, với việc trộm cắp lộ liễu và không chút e dè, nể nang bất cứ ai như cách những kẻ trộm sân bay đã và đang làm, sẽ không quá lời nếu như quy kết chúng là những kẻ cướp ngày.Những khách hàng Vip, những người giàu có và sở hữu những chiếc túi xách, valy đắt tiền luôn là con mồi ưa thích của đám "không tặc" Việt Nam. Hoa hậu Thu Hoài cũng từng là một nạn nhân thuộc dạng "siêu cao cấp" mà đám trộm cắp từng "đánh quả" thành công. Dù số tiền bị mất lên tới con số tiền tỷ, bất chấp việc sở hữu mối quan hệ rất rộng rãi với nhiều quan chức trong ngành, Thu Hoài cũng đành phải ngậm ngùi chấp nhận việc mất trắng tất cả tài sản và nhận lại nguyên một ... cục tức to đùng bởi cách hành xử kém văn hóa của những nhân viên tại sân bay.
Hoa hậu Thu Hoài |
Hoa hậu phu nhân người Việt chia sẻ, trong chuyến bay tới Nha Trang hồi tháng 7 vừa qua, chị đã sơ ý để khá nhiều đồ trang sức có giá trị trong chiếc valy ký gửi. Tuy nhiên, do đã cẩn thận khóa lại kỹ càng nên chị cũng không quá lo lắng, nhất là khi chặng bay khá ngắn. Có điều, khi về tới khách sạn, kiểm tra lại hành lý, chị mới tá hỏa khi cả đống đồ trang sức giá trị gồm đồng hồ, khuyên tai kim cương và dây chuyền kỷ niệm của nhà thiết kế Công Trí đã bị bốc hơi không một dấu vết. Tổng giá trị của những món đồ lên tới 2 tỷ 600 triệu - một con số không hề nhỏ so với "công sức" bỏ ra của đám "không tặc".
Ngay sau khi phát hiện, Thu Hoài đã lập tức liên hệ với các cơ quan an ninh sân bay, các quan chức cao cấp thuộc hãng bay để trình bày sự việc. Là một người nổi tiếng trong cả giới giải trí lẫn kinh doanh, mối quan hệ của Thu Hoài khá rộng rãi và uy tín. Có điều, nó cũng chẳng giúp gì được chị nhiều khi mà thứ chị nhận lại sau rất nhiều lần cầu cứu chỉ là một cú điện thoại của nhân viên sân bay, thông báo gọn lỏn: "Hành lý của chị đã mất không tìm lại được". Cách nói chuyện hờ hững và thiếu trách nhiệm của nhân viên sân bay này đã khiến Thu Hoài thật sự bức xúc, tuy nhiên ngay sau khi nhận lại những phản hồi gay gắt từ chị, nhân viên của hãng bay đã lạnh lùng ... cúp máy.
Ngậm ngùi khi mất số tài sản tiền tỷ, bức xúc vì cách hành xử của nhân viên sân bay, nhưng hoa hậu Thu Hoài cũng đành phải chấp nhận mất mát một cách đầy miễn cưỡng. Chị cũng chọn giải pháp giữ im lặng trong thời điểm đó, vì sợ những ý kiến trái chiều của cư dân mạng cũng như những người không hiểu chuyện. Tuy nhiên, sau khi cả con trai ruột và một người thân thiết của mình cũng trở thành nạn nhân của "không tặc", chị đã quyết định chia sẻ toàn bộ câu chuyện của mình trên trang cá nhân, nhằm cảnh tỉnh và giúp những hành khách đi máy bay không bước vào "vết xe đổ" của mình thêm lần nữa.
Ảnh chụp màn hình fb cá nhân của Hoa hậu Thu Hoài. |
Trả lời phỏng vấn của Đời sống pháp luật, Thu Hoài cho biết chị không muốn đưa những câu chuyện đại loại như vậy ra trước truyền thông, công chúng, vì sợ sẽ có những người hiểu nhầm mục đích thật sự của mình. Tuy nhiên, chị cũng không thể im lặng mãi khi số nạn nhân của những kẻ cắp kiểu này ngày một nhiều thêm, trong khi chúng gần như chưa hề bị xử lý. Chị cũng mong muốn, những ý kiến của mình sẽ góp phần đề cao cảnh giác cho các hành khách đi máy bay và tạo ít nhiều sự chú ý từ các cơ quan có trách nhiệm về vấn nạn này.
- Mất tài sản lên tới tiền tỷ cách đây 2 tháng, nhưng tại sao tới giờ chị mới lên tiếng về vấn nạn mất cắp trên máy bay tại Việt Nam?
Thời điểm bị mất đồ, tôi thực sự rất bận rộn và có nhiều công việc cần phải giải quyết. Chỉ riêng việc báo cáo tới hàng loạt các cấp, các cửa của an ninh sân bay cũng đã khiến tôi mất cả ngày trời. Số tài sản đó có giá trị chính xác là 2 tỷ 600 triệu đồng (Gồm một đồng hồ, một khuyên tai kim cương và một chiếc dây chuyền - PV), tuy nhiên thứ duy nhất tôi nhận lại được chỉ là một cú điện thoại thông báo: Tài sản của chị đã mất, không tìm lại được. Sau đó thì có thêm những cú điện thoại yêu cầu tôi bay về Sài Gòn để làm giải trình, báo cáo, nhưng tôi vừa bận công việc, vừa thật sự mất hết lòng tin vào cách giải quyết của những bộ phận này nên quyết định chấp nhận mất mát, coi như một bài học nhớ đời.
Cũng có nhiều người khuyên tôi nên "làm tới đi", nhưng tôi e ngại sẽ có nhiều người hiểu nhầm, cho rằng mình cố tạo scandal để khoe của nên thôi. Tuy nhiên, khi cả con trai và người thân của tôi đều lần lượt bị mất đồ, từ đồ có giá trị lớn tới những thứ vất đi như cây viết, dụng cụ học tập, tôi nghĩ mình không nên im lặng thêm nữa. Không thể để những kẻ xấu cứ tiếp tục hoành hành mà không ai dám lên tiếng, hoặc không muốn lên tiếng vì "có nói cũng chẳng lấy lại được đồ". Càng im lặng, kẻ xấu càng không có lý do gì để sợ hãi hay lo lắng và hậu quả sẽ do chính chúng ta - những hành khách phải gánh chịu.
- Từng là nạn nhân và từng chứng kiến nhiều người khác là nạn nhân của nạn trộm cắp trên máy bay, chị có nhận xét gì về vấn nạn này?
Tôi nghĩ rằng không phải chỉ một cá nhân có thể làm nên tất cả những hành vi này, bởi nó diễn ra rất liên tục và táo tợn. Đã có quá nhiều người trở thành nạn nhân của đám kẻ cắp này, tới mức hành khách gần như mất đi hết niềm tin vào sự an toàn mỗi khi gửi đồ tại một phương tiện đi lại cao cấp như máy bay.
Hành vi của đám trộm cắp này cứ làm tôi liên tưởng tới cả một đường dây quy mô và chặt chẽ, có phân cấp đàng hoàng chứ không phải những kẻ trộm cắp cò con. Nếu không, làm sao có thể dễ dàng ăn cắp đồ đạc trong những địa điểm mà an ninh luôn được thắt chặt và camera khắp mọi nơi như ở sân bay?
Tôi cũng từng là một nạn nhân và thật lòng, tôi vô cùng thất vọng trước cách xử lý của những người có trách nhiệm. Ngay cả cách thông báo, nói chuyện với nạn nhân cũng chỉ để lại cho người ta bức xúc nhiều hơn là hi vọng. Tôi cũng không tưởng tượng ra du khách nước ngoài sẽ cảm thấy ra sao khi họ được "đón tiếp" theo cách như thế này, ngay khi mới đặt chân tới Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ở quốc gia nào cũng vậy, sân bay chính là cánh cổng đi vào và là một phần của bộ mặt đất nước, vì vậy xin đừng để bộ mặt của nước ta lem luốc và vấy bẩn bởi những tên tội phạm.
- Chị có mong muốn gì sau khi chia sẻ tất cả những điều này?
Thật sự thì mục đích chính của tôi khi chia sẻ tất cả những chuyện này chính là mong muốn mọi hành khách hãy đề cao cảnh giác một cách tối đa khi đi máy bay. Hãy biết cách bảo vệ mình trước khi ai đó làm tròn nhiệm vụ của họ. Không nên mang những đồ quý giá khi đi máy bay và nếu có, không nên để chúng vào hành lý ký gửi. Trước khi lên máy bay, hãy khóa hoặc bảo vệ túi đồ của mình chắc chắn nhất có thể.
Tôi cũng rất mong những người có trách nhiệm sẽ chú ý hơn tới vấn nạn trộm cắp này. Tôi tin rằng nếu như làm thật chặt chẽ, thật mạnh tay, những kẻ trộm cắp sẽ không thể hoành hành dễ dàng như hiện nay. Đừng để sân bay của Việt Nam trở nên nguy hiểm, thiếu an toàn hơn cả những bến xe bus. Tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải để nhận lại sự vô trách nhiệm của những người bảo vệ sự an toàn cho chính họ.
- Xin cảm ơn hoa hậu Thu Hoài!