Việc xây dựng để bán một thương hiệu là điều vô cùng khó với doanh nghiệp thời trang, may mặc Việt Nam. TPP được thông qua, kẻ mạnh - kẻ yếu sẽ thấy rõ sức mình...
Chúng ta đang vui mừng và phấn khích trước thông tin Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chúng ta đã chờ đợi quá lâu và đang đứng trước bước ngoặt lớn về kinh tế. Nhiều cơ hội đang mở ra, nhưng cũng có thể thấy nhiều thách thức đang tiến tới.
Hoa hậu Ngọc Hân là một nhà thiết kế đang tham gia kinh doanh. |
Là một doanh nghiệp về may mặc, cá nhân tôi có thể nhìn thấy những khó khăn, thuận lợi khi TPP chính thức được thông qua. Hiện tôi đang quản lý một công ty in vải, và một thương hiệu thời trang chuyên về vest nam. Công việc kinh doanh đang khá thuận lợi. Tôi hy vọng, trong tương lai sắp tới đây, có thể xây dựng được một thương hiệu thời trang mới và có thêm chuỗi cửa hàng thời trang.
Hiệp định TPP khi được thông qua sẽ giúp các nước thành viên được hoàn toàn miễn thuế trong một số mặt hàng xuất nhập khẩu, trong đó có dệt may với các mặt hàng quần áo, giầy da... Trong tương lai, hàng hiệu sẽ “chảy” về Việt Nam với mức giá mềm hơn, và nhiều hơn.
Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhất từ TPP. Phía doanh nghiệp may mặc nội địa xưa nay chiếm ưu thế lớn trong ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên có thể thấy, các doanh nghiệp may mặc, các nhà thiết kế (NTK) Việt Nam vẫn chưa thể làm hài lòng người tiêu dùng trong nước. Các nhà thiết kế của nhiều hãng thời trang nội địa đôi khi phải cóp nhặt, xào nấu các ý tưởng thiết kế của nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới.
Cùng với TPP được thông qua, hàng hiệu miễn thuế sẽ rất nhanh chóng tràn ngập thị trường Việt Nam, trở thành đối thủ nặng ký thách thức tất cả các nhà thiết kế và nhãn hàng thời trang Việt Nam.
Làm chủ một doanh nghiệp thời trang, cá nhân tôi thực sự cảm thấy lo lắng. Nhưng tôi cũng cho rằng, đây không chỉ là thách thức, còn là cơ hội để doanh nghiệp nội địa bứt phá, khẳng định sức mạnh của mình. Thương trường luôn là chiến trường, ở đó, kẻ mạnh sẽ chiến thắng, và kẻ yếu sẽ thất bại.
Với cá nhân tôi, từ trước khi TPP hoàn tất đàm phán, tôi đã chuẩn bị cho mình những kiến thức, kế hoạch và chiến lược cần có. Tôi cho rằng, doanh nghiệp thời trang nội địa sẽ rất khó để chạy theo giá cả với hàng hiệu. Có lẽ, không nên thấy hàng hiệu miễn thuế giá mềm mà cũng hạ giá sản phẩm của mình, hạ giá nhân công, giảm chất lượng sản phẩm… điều đó chỉ khiến chúng ta thất bại nhiều hơn.
Thay vì chạy đua theo giá cả, hãy tập trung gia tăng chất lượng sản phẩm, gia tăng niềm tin trong khách hàng, và chất lượng thương hiệu.
Ngọc Hân khẳng định cô luôn mặc đồ của các nhà thiết kế Việt Nam. |
Hãy tạo cho thương hiệu của mình một chỗ đứng vững chắc trong niềm tin của khách hàng. Hãy để người tiêu dùng tìm đến mình vì một phong cách rất riêng, không thể trộn lẫn vào đâu.
Tôi đã từng ngắm nhìn rất nhiều chiếc váy hàng hiệu đắt tiền. Tôi thấy chiếc váy ấy không đẹp hơn chiếc váy do một nhà thiết kế Việt Nam làm ra. Nhưng tại sao mức giá lại có thể chênh nhau đến 20-30 lần? Đó là vì, người ta đang trả tiền để mua thương hiệu, chứ không mua những giá trị thật của chiếc váy đó.
Tôi sẽ chuẩn bị cho mình một phong cách riêng để xây dựng giá trị thương hiệu. Người ta đổ xô đến hàng hiệu, vì chỉ nhãn hàng ấy mới có chiếc váy ấy.
Đến với TPP rất rộng cửa, nhưng cũng sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi khó.
Ví dụ như câu hỏi, làm thế nào để thiết kế được một chiếc váy đẹp, độc đáo và khiến số đông khách hàng ngay lập tức có thể mở hầu bao mua nó với mọi giá? Ngay cả khi, các shop hàng hiệu miễn thuế giá mềm đang vây xung quanh, cửa mở sáng đèn, giá treo hấp dẫn?
Theo Tri thức trực tuyến
Mời độc giả xem thêm video giải trí:
[mecloud]uikIpCVc7I[/mecloud]