Quy định mới về vi phạm hành chính đã rút ngắn thời gian tịch thu phương tiện giao thông vi phạm không có người đến nhận. Điều này được các cơ quan chức năng và người dân đồng thuận cao trong bối cảnh việc quản lý xe vi phạm “vô chủ” ngày càng quá tải.
Việc quá tải tạm giữ xe vi phạm đang khiến lực lượng chức năng nhiều địa phương băn khoăn. Ảnh minh họa |
Giảm áp lực cho bãi xe vi phạm
Theo quy định tại Nghị định 31/2020 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, trong vòng 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở. Công tác thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được rút xuống từ ít nhất hai lần như quy định hiện hành chỉ còn một lần. Khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm, công an sẽ ra quyết định tịch thu phương tiện. Với sự rút ngắn thời gian chỉ còn 33 ngày thay vì nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm như trước đây, các thủ tục sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn, giảm tải gánh nặng hành chính.
Đại diện lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh An Giang cho biết: “Tại kho bãi mà chúng tôi thuê chứa xe bị tạm giữ, có những chiếc xe đã ở đây tới vài năm, chủ nhân chắc chắn không nhận lại bởi tới nay, giá trị của xe chỉ tính như sắt vụn. Nếu chủ xe nhận lại thì tiền trả phí lưu kho còn nhiều hơn giá trị xe. Mà thực hiện đấu giá, tiền thu về chưa chắc đủ tiền thuê vận chuyển từ kho ra ngoài và trả tiền thuê lưu kho bãi”.
Công an tỉnh Đồng Nai cũng đang tạm giữ 5.753 phương tiện vi phạm đã hết thời gian tạm giữ (vô chủ) nhưng không có người đến nhận, gây áp lực lớn đối với các kho bãi giữ xe. Thời gian qua, phòng CSGT đã tiến hành giám định, đăng thông báo 2 kỳ và niêm yết công khai tại đơn vị 30 ngày, tìm chủ sở hữu đối với 3.522 phương tiện, còn 2.231 phương tiện đang tiếp tục với thủ tục tương tự.
Còn ở TP.HCM, trung bình mỗi năm có khoảng vài chục đến 100 xe mà người vi phạm bỏ luôn không đến giải quyết. Tính từ tháng 7/2013 - 9/2019, toàn thành phố có hơn 169.000 xe vi phạm bị tạm giữ tại 5 kho bãi. Tuy nhiên, lượng xe vi phạm ngày càng tăng, do đó các kho bãi đều quá tải.
Một lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an TP.HCM đánh giá, quy định mới từ Nghị định 31 sẽ là hành lang pháp lý rất tốt để góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm. Với việc rút ngắn thời gian tịch thu phương tiện đã hết thời hạn tạm giữ mà không có người đến nhận, điều này là rất quan trọng. Theo đó, chỉ cần hơn một tháng, cơ quan công an có thể ra quyết định tịch thu xe “vô chủ” thay vì kéo dài như hiện nay. Với quy trình nhanh chóng, số lượng xe vi phạm không có người nhận hoặc không xác định được người vi phạm đang tồn đọng trên địa bàn TP trong thời gian tới có thể được giải quyết rất nhiều.
Còn như trước đây, khi người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện không đến nhận xe, PC67 sẽ gửi giấy mời 3 lần (mất 1 tháng với xe đăng ký ở TP.HCM và lâu hơn với xe đăng ký ở tỉnh, thành khác). Bước tiếp theo là đăng công khai thông tin về xe máy trên báo chí 2 lần (mất 60 ngày). Sau đó, PC67 tiến hành tra cứu có phải xe trộm, cướp hay không; giám định số khung, số máy... Tuy nhiên, do số lượng xe quá lớn trong khi lực lượng chuyên trách giám định lại ít, nên công việc này khá chậm. Trung bình, mỗi xe bị bỏ quên mất từ 7 - 8 tháng, còn xe “có vấn đề” thì hơn 1 năm mới hoàn tất thủ tục thanh lý bán theo dạng “sắt vụn”.
Đảm bảo quyền sở hữu tài sản
Đánh giá về giải pháp mà Nghị định 31 đưa ra, luật sư Nguyễn Danh Huế, đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích, quyền sở hữu tài sản của người dân là quyền thiêng liêng được pháp luật bảo vệ. Nhưng trong thực tế, do đặc thù phương tiện vi phạm giao thông bị bỏ lại quá nhiều nên việc điều chỉnh rút ngắn thời gian xử lý đối với xe vi phạm giao thông bị bỏ lại là hợp lý. Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian, thủ tục thanh lý xe vi phạm, cần tính tới những trường hợp đặc biệt, bất khả kháng khiến người vi phạm không thể giải quyết thủ tục đúng thời hạn.
“Quá trình điều chỉnh, chúng ta phải căn cứ vào thực tế của từng trường hợp như trường hợp ốm đau, bệnh tật hoặc vì lý do bất khả kháng mà họ không đến được thì chúng ta cần cho họ cơ hội để họ giải trình những lý do bất khả kháng của mình và tùy theo từng trường hợp để gia hạn thời gian. Còn với những trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt thì hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian xử lý”, luật sư Huế nêu ý kiến.
Một giảng viên đại học Luật TP.HCM bình luận, chuyện người vi phạm giao thông “bỏ của chạy lấy người” không hề mới. Việc xúc tiến xây dựng một quy định mới, rút ngắn thời gian xử lý những xe bị bỏ lại kiểu này là rất cần thiết, và nhẽ ra nó phải được thực hiện từ nhiều năm về trước chứ không phải đợi đến bây giờ. Tuy nhiên, ngay cả khi ban hành được quy định về rút gọn quy trình xử lý, thì không ngoại trừ khả năng khâu đấu giá thanh lý cũng sẽ gặp quá tải, với số lượng phương tiện bị bỏ lại đang tăng theo cấp số nhân. “Vì sao người vi phạm giao thông lại lựa chọn cách bỏ lại phương tiện? Xe tang vật trong một số vụ việc về an ninh trật tự, đương nhiên chủ xe chẳng dại gì quay lại để “lạy ông tôi ở bụi này”. Xe giá trị thấp, trong khi tiền nộp phạt vi phạm cộng với tiền lưu khó bãi lại rất cao, chưa kể phải đi lại nhiều lần, giải quyết nhiều thủ tục để được lấy xe ra, nhiều người chấp nhận bỏ xe cho nhanh gọn. Và số xe “vô chủ” nhóm này sẽ tăng nhanh, khi triển khai Nghị định 100 của Chính phủ với các mức phạt nặng gấp nhiều lần trước đó”, vị này chỉ ra.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5 đã cụ thể hơn về thủ tục, thời gian và cách thức giao phương tiện cho người vi phạm tự bảo quản. Bên cạnh đó, một trong những nội dung rất đáng chú ý khác của Nghị định 31 là việc rút ngắn thời gian xử lý đối với phương tiện vi phạm hành chính đã hết thời hạn tạm giữ. |
Luật sư Võ Tuấn Anh, đoàn Luật sư TP.HCM cũng nhận định, quy mô khổng lồ của những bãi xe “vô chủ” trong suốt nhiều năm qua, phần nào cho thấy, việc sang tên đổi chủ khi mua bán xe vẫn chưa phải là mối quan tâm của người sở hữu phương tiện, nhất là đối với xe 2 bánh. “Điều này cũng cho thấy, niềm tin của chủ xe vào độ an toàn của những bãi trông giữ, vào việc giám sát hoạt động của những bãi xe này là chưa cao. Nó còn cho thấy, các thủ tục hành chính sau vi phạm, va chạm giao thông vẫn là nỗi e ngại đối với rất nhiều người”, luật sư Tuấn Anh bình luận.
Bởi vậy, nếu không lưu tâm giải quyết những bất cập nêu trên mà chỉ ban hành quy định mới rút gọn thời gian thanh lý đấu giá xe vô chủ, thì coi như, mới chỉ giải quyết phần ngọn. Sự tốn kém sẽ còn tiếp tục tăng lên cùng với tốc độ “phình” ra của những bãi xe vô chủ. Mà hậu quả cuối cùng, không đơn giản chỉ là sự lãng phí.
Theo số liệu thống kê của bộ Công an, hiện toàn quốc đang tồn đọng hơn 137.000 phương tiện tạm giữ tồn đọng, trong đó gần 40.000 xe đã bị hư hỏng. Do thiếu thốn cơ sở vật chất, hiện có tới 32/63 địa phương còn đơn vị CSGT phải thuê địa điểm tạm giữ phương tiện. Các điểm tạm giữ phương tiện đều trong tình trạng quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, trong khi việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng, cũ nát không sử dụng được. |
Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật số 40