Theo đó, chi phí sử dụng của mỗi người tại Anh trung bình sẽ tăng từ 1.971 bảng (2.332 USD) một năm lên 3.549 bảng (4.163 USD). Mức tăng giá này có hiệu lực từ tháng 10.
Nguyên nhân giá tiêu dùng bị đẩy lên cao là do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này đã khiến các nền kinh tế trên khắp châu Âu phụ thuộc vào nhiên liệu để sưởi ấm và sản xuất điện gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc điều hành của Ofgem Jonathan Brearley dự kiến giá trần sẽ tiếp tục tăng, làm tăng thêm áp lực chi phí sinh hoạt mà các hộ gia đình ở Anh phải đối mặt.
“Không chỉ từ hôm nay, mà còn cho đến hết tháng 1/2023 và có khả năng sang năm sau", ông Jonathan Brearley nói. "Mọi thứ đã thay đổi quá nhanh chóng".
Ông Brearley thừa nhận giá năng lượng tăng cao phần lớn là do cuộc xung đột của Nga với Ukraine và gây ra khó khăn đáng kể trong mùa Đông, đồng thời kêu gọi thủ tướng mới cùng Nội các của Anh đưa ra "phản ứng khẩn cấp".
“Điều này nằm ngoài khả năng của cơ quan quản lý và ngành giải quyết. Thủ tướng mới cùng với các bộ của mình sẽ cần phải hành động khẩn cấp và quyết liệt để giải quyết vấn đề này", ông Brearley nói.
Đối với các hộ gia đình tại châu Âu, khủng hoảng năng lượng đã là thực tế quá rõ nét, phản ánh qua hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục % cho đến cả vài trăm %, giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, đồng thời phải thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện…
Những điều này càng trở nên phức tạp hơn khi châu Âu đã và đang trải qua một mùa hè vô cùng khắc nghiệt về thời tiết, với nắng nóng cực đoan kéo dài, hạn hán lớn nhất trong vòng 500 năm, khiến nhu cầu năng lượng ngày càng cấp bách hơn.
Tại Đan Mạch, các nhà lập pháp đều đồng thuận về việc hỗ trợ tiền mặt cho người cao tuổi và cắt giảm thuế giá điện. Quốc hội cũng đã thông qua gói cứu trợ, chi trả cho hơn 400.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi hóa đơn năng lượng tăng cao.
Ý cũng là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá năng lượng tăng cao. Dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ được đưa ra song nỗi lo về tiền điện, khí đốt, nhiên liệu, thực phẩm vẫn ám ảnh người tiêu dùng mỗi ngày
Các gia đình có thu nhập trung bình và thấp ở Đức cũng đang phải vật lộn để đối phó với lạm phát gia tăng và giá năng lượng lên cao không ngừng. Sabine, một bà mẹ, cho biết ngay cả tại các chuỗi cửa hàng giảm giá, mọi thứ đang ngày càng đắt đó hơn..
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc châu Âu sắp cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga và hiện đang cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga để chuyển qua mua LNG của Mỹ cũng tương tự như việc châu Âu phải đi mua dầu mỏ với giá 500 USD/thùng. Con số này thậm chí còn có thể cao hơn nữa trong những tháng tới, khi mùa Đông khiến nhu cầu năng lượng tại châu Âu tăng cao.
Mộc Miên (Theo npr.org)